Hướng dẫn cách theo dõi và đếm số lần thai máy, thai đạp chính xác nhất

Khi mang thai, niềm vui của các mẹ bầu là mong chờ từng ngày bào thai trong bụng trưởng thành. Thai máy là một giai đoạn đặc biệt quan trọng, báo hiệu thai nhi đã chuyển qua một bước phát triển mới, do đó, các mẹ bầu phải biết cách theo dõi thai máy, đếm chính xác số lần thai máy để đảm bảo thai nhi đang khỏe mạnh.

Khi thai ngày càng lớn, bạn thường xuyên cảm nhận thai máy với những cú đạp, hích của bé vào thành bụng. Đây là lúc dấu hiệu cho biết thai nhi đang phát triển khỏe mạnh. Những cú hích, đạp của bé vào thành bụng làm bạn bật cười và tự hỏi siêu quậy nhí đang tung hoành kiểu gì ở trong đấy.

Những tín hiệu chính là kênh giao tiếp từ thai nhi để bạn nhận biết sinh linh bé bỏng đang phát triển khỏe mạnh. Có những lúc thai cử động như gợn sóng nhẹ nhưng cũng có lúc rất mạnh làm bạn đau thốn ở bụng, nhưng bạn rất vui và yên tâm. Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó bạn chờ mãi không thấy dấu hiệu thai máy, phải làm sao?

cách theo dõi và đếm số lần thai máy 1

Dấu hiệu không nên xem thường

Thông thường, thai nhi bắt đầu cử động từ tuần thứ bảy hoặc tám, nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận được thai máy từ tuần thứ 16 ± 22 trở đi.

Thai máy là những cử động gần giống như nhịp gõ vào thành bụng hay cảm giác lúng búng trong bụng. Bạn có thể cảm nhận cử động thai giống như cảm giác cánh bướm đập hay bắp rang đang bung. Những tín hiệu đó sẽ trở nên rõ ràng hơn khi bạn ngồi hoặc nằm im. Phụ nữ có thể trạng gầy có thể cảm nhận thai máy sớm và thường xuyên hơn người dư cân.

Khi thai từ 30 ± 38 tuần, cử động thai sẽ đạt đến đỉnh cao, trong một ngày đêm có thể hơn 130 lần.

Nếu thai máy yếu hoặc không máy như bình thường, bạn cần đến bác sỹ ngay vì đó là dấu hiệu báo động sức khỏe thai nhi đang nguy cấp. Những mối nguy bao gồm thai bị thiểu ối, thiếu ô-xy hay vấn đề về nhau thai.

Khi người mẹ nhận thấy thai không máy cùng các triệu chứng như nôn mửa, căng vú cũng giảm đi, xuất huyết âm đạo hay những cơn co thắt tử cung, bạn cần phải gặp ngay bác sỹ sản phụ khoa hay siêu âm để đánh giá hoạt động của tim thai.

Nếu thai không máy là dấu hiệu nguy cơ thai chết lưu. Nguy cơ này là rất lớn nếu mẹ hút thuốc (gây tăng nguy cơ ngưng cung cấp chất dinh dưỡng qua nhau thai đến 50%), uống rượu, mẹ bị tiền sản giật, tiền căn thai chết lưu trong thai kỳ trước, thai quá ngày, song thai cùng ối, tăng huyết áp trong thai kỳ, sa dây rốn… Để phòng tránh, thai phụ nên khám thai đều đặn, đặc biệt sau 36 tuần phải theo dõi mỗi tuần.

Đối với những thai kỳ có nguy cơ cao như thai chậm phát triển trong tử cung, cao huyết áp trong thai kỳ, tiền sản giật, song thai, thai quá ngày, người mẹ cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Tuy nhiên, đã có trường hợp thai phụ đến ngày khám thai định kỳ, thậm chí đến lúc vào sinh theo ngày dự sinh, mới phát hiện thai đã chết lưu. Vì thế, người mẹ nên để ý đếm cử động thai.

Cách theo dõi thai máy

Trong khoảng thời gian đầu của ba tháng giữa thai kỳ, có thể bạn thấy thai máy không thường xuyên, có ngày máy nhiều, có ngày máy ít. Bạn cũng không nên quá lo lắng nếu bạn có cảm giác khác bạn bè, hay người thân có bầu cùng giai đoạn, bởi mỗi em bé có thời gian biểu và cách vận động riêng. Lý do là những cử động đó chưa đủ mạnh để bạn có cảm giác.

Vào khoảng tuần thứ 28 trở đi, cử động thai sẽ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Từ lúc này, bạn nên đếm cử động thai. Cách tốt nhất là bạn hãy giành một giờ mỗi ngày đếm (giờ mà bạn thường cảm thấy thai máy nhiều nhất).

Thai nhi khỏe mạnh thường có hơn 4 lần cử động trong một giờ. Nếu thai chỉ có 3 cử động trong một giờ, người mẹ nên đếm thêm một giờ nữa vì thai nhi có thể ngủ. Trong giờ kế tiếp đó, thai vẫn cử động 3 lần hay ít hơn, bạn nên đến gặp bác sỹ. Bạn sẽ được chỉ định siêu âm, đo tim thai và đếm cử động thai Non stress test (NST) để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi. Dựa trên kết quả kiểm tra và thăm khám, bác sỹ sẽ có chỉ định tiếp theo dành cho bạn.

cách theo dõi và đếm số lần thai máy 2

Nguyên nhân khiến thai máy sớm hoặc muộn

Thai máy trước tuần thứ 16 là sớm. Thai máy tuần thứ 20 được coi là muộn.

Điều này là vì:

– Sự khác nhau của từng cơ thể phụ nữ: Bình thường, nhóm bà bầu sinh con so cảm nhận thấy thai máy chậm hơn nhóm thai phụ sinh con dạ.

– Tình trạng nhau thai: Nếu nhau thai bám mặt trước, bạn sẽ cảm nhận được thai máy muộn. Nếu nhau thai bám mặt sau, thai sẽ máy sớm hơn.

– Người mẹ bị béo bụng: Lớp mỡ dày bao quanh bụng sẽ khiến bạn khó khăn khi nhận biết bé chuyển động hơn.

– Nhầm lẫn: Nhiều người mẹ không phân biệt được chuyển động của thai với hoạt động của ruột (hay dạ dày). Do đó, nếu bạn cảm nhận thấy thai máy trước tuần 13 thì phần lớn khả năng, bạn nhầm với hoạt động của ruột (hay dạ dày).

– Giới tính thai: Không ít người mẹ tin rằng, thai bé trai sẽ máy sớm hơn thai bé gái (vì bé trai thường hiếu động hơn bé gái). Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Thời gian thai máy

Bé thường chuyển động vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày, tùy vào lúc bé thức hoặc ngủ. Buổi tối là thời điểm bé hoạt động mạnh mẽ hơn cả (khoảng 21h đêm và 1 giờ sáng là lúc bé thích “đạp” bạn nhất).

Hướng dẫn cách đếm chính xác số lần thai máy

Việc đếm chính xác số lần thai máy giúp mẹ bầu biết được thai nhi có đang phát triển khỏe mạnh hay không.

Khi thai đã lớn, các bác sĩ thường yêu cầu mẹ bầu phải theo dõi những chuyển động của bé. Tuy nhiên không phải bà bầu nào cũng biết cách đếm những cú máy của thai nhi. Dưới đây là những hướng dẫn giúp chị em biết cách theo dõi những cú máy thai của con yêu nhé!

Khi nào bắt đầu cần đếm số lần thai máy?

Bạn có thể đếm thai máy một lần mỗi ngày, vào lúc bé hiếu động nhất: thường là sau bữa ăn; sau khi mẹ luyện tập hoặc vào buổi tối. Khoảng tuần 24-26 của thai kỳ, bạn cần bắt đầu đếm số lần thai máy mỗi ngày. Một số trường hợp, thai máy chậm, công việc trên có thể bắt đầu từ tuần thứ 28.

Cách đếm số lần thai máy

– Bạn cần đếm các chuyển động của thai hàng ngày. Trước tiên, hãy chọn thời điểm phù hợp cho bạn đồng thời, đó cũng là lúc bé năng động nhất (sau bữa ăn, sau khi mẹ luyện tập hoặc vào buổi tối). Bạn cần cố định khoảng thời gian đếm thai máy mỗi ngày.

– Tiếp đến, bạn cần chọn một vị trí (nằm, ngồi) thoải mái nhất. Sau đó, hãy đặt nhẹ tay của bạn (hoặc của chồng) lên bụng bầu, bắt đầu cảm nhận những chuyển động ở bé. Khả năng nhận biết thai máy sẽ giảm đi đáng kể nếu bụng bầu chứa nhiều mỡ; trục trặc ở nhau thai; thai cử động quá nhẹ đến mức mẹ không cảm nhận được.

– Bạn cần dùng bút, đánh dấu số lần thai chuyển động vào một tờ giấy, thời gian bắt đầu từ chuyển động đầu tiên và kết thúc ở chuyển động thứ 10. Phần lớn các bé chỉ cần khoảng 30 phút là hoàn thành xong 10 chuyển động.

– Nếu bé đang ngủ, bé sẽ không cử động (hoặc cử động ít hơn bình thường), bạn thử uống một cốc nước quả tươi hoặc đi bộ trong vòng 5 phút. Sau đó, bạn sẽ cảm nhận được chuyển động từ bé.

Cách đếm chính xác những chuyển động của bé

Việc đếm cử động của thai nhi bao gồm: những cú đá, sự quay tròn, rướn người, cuộn và thọc mạnh, không tính đến nấc. Các chuyên gia khuyến cáo, người mẹ nên căn thời gian để đếm đủ 10 chuyển động (kể trên) ở bé. Nếu thai khỏe mạnh, người mẹ có thể đếm được 10 cử động của bé trong vòng 2h. Phần lớn các bé hoàn thành 10 cử động trong vòng 30 phút. Nếu 10 lần chuyển động của bé không xuất hiện trong 2h, thai phụ cần đi khám.

Yếu tố ảnh hưởng đến tần suất máy thai

Những yếu tố ảnh hưởng đến tần suất thai máy bao gồm:

– Người mẹ mắc chứng tiểu đường / huyết áp cao / chứng bệnh về thận (hoặc tim mạch).
– Mang song thai / đa thai.
– Trục trặc ở nhau thai.
– Có tiền sử thai chết non.
– Đa ối / thiểu ối.
– Bào thai phát triển bất thường.

Cuối thai kỳ có cần theo dõi chuyển động thai nhi?

Vào cuối thai kỳ, chuyển động của bé có sự thay đổi, ít những cú đá và tăng cử động cuộn. Lúc này, việc đếm tần suất thai máy vẫn cần được duy trì như ở giai đoạn trước.

Theo hoidapbacsi

Leave a Reply

Or