Huấn luyện bé tự xúc ăn từ 6 tháng

Hơn 9 tháng tuổi, bé Quế Hương đã có thể tự cầm dĩa và ăn đủ các loại thực phẩm từ thịt gà, cá, bò hầm tới bánh bao, mỳ, bún…

Chị Thu Hạnh (Đak Nông), mẹ của bé Quế Hương, chia sẻ: “Lúc đầu tìm hiểu về các phương pháp ăn dặm, mình thấy nhiều mẹ chia sẻ về BLW (Baby Led Weaning). Mình tìm hiểu trên mạng mới biết là một phương pháp ăn dặm rất phổ biến tại châu Âu và châu Mỹ, cho phép bé tự khám phá thức ăn và ăn theo cách của mình.

Khi đó, mình cũng bỡ ngỡ lắm, đặt ra nhiều câu hỏi rằng ‘Răng bé còn chưa mọc thì ăn sao được những món cứng thế này?’, ‘Liệu bé có hóc không?’, ‘Liệu bé có bị đau dạ dày không?’… Rồi mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn, vì mình không thích ăn cháo nên cũng không muốn nấu cháo cho con, nghe có vẻ ích kỷ và ‘mẹ mìn’ quá nhỉ! Nhưng quan trọng hơn, qua tìm hiểu, mình biết BLW ăn giúp con khám phá, tìm tòi, học hỏi, chủ động, ăn theo nhu cầu nên mình đã quyết định áp dụng phương pháp này cho con”.

Ngoài ra, còn một lý do nữa là khi chứng kiến cảnh nhiều bố mẹ phải bế con đi rong, múa hát, nạt nộ làm đủ trò để dỗ con ăn hết bát cháo… hay bé 3 tuổi vẫn phải đút từng thìa, không tự ăn được, mẹ Quế Hương quyết tâm không để “rơi vào hoàn cảnh như thế”. Chị tìm hiểu các kiến thức về ăn dặm bé chỉ huy trên mạng, mua thêm sách, xem video trên youtube hướng dẫn cho bé ăn đúng cách, xử lý khi bé bị hóc…

Hanh2-6237-1428554388.jpg

Bé Quế Hương 9 tháng 15 ngày có thể cầm dĩa xúc bánh canh tôm.

Ăn dặm BLW không chia theo tháng tuổi của bé như các phương pháp khác mà chỉ tính giai đoạn. Món ăn cho bé được đáp ứng phù hợp mỗi giai đoạn và ngay từ khi bắt đầu, bé đã làm quen với thức ăn thô, viên, que. Nhớ lại những ngày đầu ăn dặm của bé Quế Hương, chị Thu Hạnh kể: “Khi mình đưa thức ăn cho con, con chỉ cầm và khóc, xong đập bộp bộp xuống bàn. Mình hướng dẫn, cho con ăn thì mặt con nhăn như khỉ ăn ớt, cảm giác như ăn cái gì chua lắm ấy mặc dù đó là thịt gà. Sau này, mình tìm hiểu thì biết khi mới bắt đầu ăn, việc nếm vị thức ăn đối với bé là vị lạ và bé chưa phân biệt mùi vị nên sẽ nhăn nhó”.

Chuyện ăn uống của con là đề tài kể không bao giờ hết, có những câu chuyện vui khi con khiến cả nhà phải ôm bụng cười mà không dám cười to. “Một lần, mình cho con ăn dưa hấu, con cầm hai tay hai miếng dưa, cắn nhai nhồm nhồm đầy miệng, xong ba thấy con ăn có vẻ nguy hiểm nên tới ‘xin con một miếng để con không ăn nữa. Ai dè khi ba lại gần thì đúng lúc con phun bớt thức ăn trong miệng ra để có thể nhai và thế là mặt ba dính đầy thức ăn của con. Nhưng cũng từ đó, ba mới nhận ra được rằng bé có thể tự xử lý giỏi khi ăn nên ba vui vẻ ăn cùng con. Hai ba con cùng bốc thức ăn, cùng bôi đầy mặt đầy tóc và sau bữa ăn, hai ba con bế nhau đi tắm, cười khanh khách rất thích thú”.

Để bé ăn dặm tự chỉ huy, mẹ Quế Hương bảo: “Bé ăn được hơn 3 tháng mà trộm vía chưa có giai đoạn nào chán ăn. Có một khoảng thời gian bé bị ốm, mình vẫn duy trì chế độ ăn hai bữa mỗi ngày, trưa và tối. Khi đó, có nhiều người chỉ trích mình rằng ‘mẹ không biết chăm con, con ốm thì mẹ phải nấu cháo chứ cho ăn thô như vậy, sao bé ăn được, người lớn còn không ăn nổi chứ nói gì đứa trẻ chưa đến một tuổi’.

Mình vẫn giữ vững ‘ý chí kiên cường’, rằng ‘con không ăn được thì mẹ sẽ bù thêm bằng sữa’, ‘con đang ốm nên càng không thể bắt dạ dày con hoạt động quá tải khiến con mất sức chống lại bệnh, càng không để con quên việc ăn nên mẹ càng phải tiếp tục’… Những ngày bé ốm, đúng là bé không ăn được gì, chỉ cầm thức ăn, nhìn rồi đòi bế ra khỏi ghế nhưng mình cố gắng duy trì cho bé có thói quen (chuẩn bị bữa ăn cho bé theo đúng lịch chứ không ép bé phải ăn bằng được, nếu bé không muốn ăn thì thôi, bữa sau tiếp tục). Sau mấy ngày đó, bé lại ăn ngon lành, ăn nhiều hơn bù lại các bữa kia”.

hanh1-8575-1428554388.jpg

Chuyện ăn uống của bé là đề tài không bao giờ hết với ba mẹ.

Phương pháp ăn dặm BLW để bé ăn theo nhu cầu, cho phép bé tự kiểm soát lượng thức ăn đưa vào miệng và phát triển kỹ năng nhai. Mỗi bữa ăn với bé đều là một lần khám phá mới nên sẽ đem lại sự thích thú. Khi cho con theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, điều khiến mẹ lo nhất là “sợ con bị hóc”. Từ kinh nghiệm của mình, theo chị Thu Hạnh, các mẹ cần đảm bảo những nguyên tắc sau:

– Bé ngồi thẳng khi ăn, mặt đối diện với bàn, ngồi trong lòng mẹ hoặc trên ghế ăn riêng cho bé. Mẹ cần đảm bảo bé ngồi vững và cánh tay, bàn tay ở tư thế thoải mái. Không để bé tự ngồi ăn một mình.

– Bắt đầu với những thức ăn dễ cầm. Thức ăn dài cỡ ngón tay là tốt nhất, có thể mỏng hơn (hoặc bằng 1/3 cây đũa). Mẹ nên thay đổi hình dáng, kết cấu thức ăn từ từ cho trẻ có thời gian học cách cầm. Lần đầu có thể bé chưa cầm lên được, bị tuột, cầm chặt quá sẽ bị nát chẳng hạn nhưng rồi bé sẽ dần học được cách cầm sao cho phù hợp.

– Mẹ cung cấp thức ăn nhưng không đút thức ăn cho bé, để thức ăn ở trước mặt hoặc để cho bé bốc thức ăn từ tay của mẹ. Bé quyết định ăn hay không ăn, ăn cái gì, ăn nhiều hay ít.

– Chọn thời điểm ăn là khi bé không bị mệt hay đói vì khi đó bé sẽ tập trung. Bữa ăn ở giai đoạn này vẫn chủ yếu là để chơi và để học. Bé vẫn lấy đủ chất dinh dưỡng bé cần từ sữa. Trong một năm đầu đời của bé, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cực kỳ quan trong và bé phát triển nhờ sữa chứ không phải nhờ thức ăn. Bé có thể hầu như không ăn được gì hoặc ăn được rất ít nên sau bữa ăn có thể cho bé uống bù sữa.

IMAG2698-1380-1428554388.jpg

Món ăn trình bày đẹp cũng giúp bé hào hứng hơn khi ‘nhập cuộc’.

– Cho bé ăn cùng lúc với bữa ăn của gia đình bất cứ khi nào có thể. Bé chịu được bao lâu thì cho bé ngồi bấy lâu, cho bé ăn thức ăn giống thức ăn của bạn để bé bắt chước cách ăn.

– Những tháng đầu mới ăn dặm chủ yếu để bé học tập và chơi hơn là để no bụng nên mẹ cho bé bú trước đó khoảng 30 phút đến một tiếng. Thời gian bé bú cách bữa ăn xa như vậy để khi bé ăn sẽ không bị ọc hết sữa ra.

– Khi con ọe mẹ, đừng lo lắng quá, hãy cứ tin tưởng con. Ọe đối với trẻ khác ở người lớn ở chỗ khi thức ăn chạm vào đầu lưỡi có cảm giác lợn cợn thì bé đã ọe rồi. Còn đối với người lớn thì chỉ khi thức ăn bị mắc ở cổ thì mới ọe. Như vậy, con ọe là tốt và là phản ứng bình thường.

– Khi bé ọe thức ăn, mẹ giữ im lặng để bé tự xử lý, mẹ không nên la nạt bé, không móc họng bé. Khi nào thấy mồm bé há ra, ú a ú ớ không phát ra được âm thanh thì mới là nguy hiểm vì có khả năng là bé bị hóc. Mẹ xử lý hóc cho bé bằng cách vỗ lưng và ấn ngực (Một tay giữ bé, dùng lòng bàn tay kia vỗ thật mạnh 5-7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai để khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên, tống đẩy dị vật ra ngoài).

– Để nước trên bàn cho bé trong bữa ăn để bé có thể uống khi cần. Mẹ không thúc giục bé hoặc làm bé mất tập trung khi bé đang ăn, không đút thức ăn vào miệng giùm bé và cố thuyết phục bé ăn nhiều hơn.

Thức ăn được chị Thu Hạnh chế biến từ thực phẩm tươi sống, một số món nấu từ sữa mẹ (bánh mì sữa mẹ, pancake sữa mẹ, bánh bèo sữa mẹ…). Mẹ Quế Hương không sử dụng thực phẩm có sẵn và không nêm mắm, đường, muối (trước khi bé một tuổi). Lúc mới đầu, thức ăn được cắt hình que để dễ cầm, hơi mềm và tăng dần độ cứng.

Để tiết kiệm thời gian, buổi sáng, mẹ sơ chế thức ăn cho vào tủ lạnh, trưa về lấy ra nấu. Các món phải nấu lâu như thịt bò thì có thể hầm trước rồi để ngăn mát tủ lạnh, khi ăn làm nóng lại. Với những món rau, củ, trứng, chị Thu Hạnh nấu bằng nồi cơm điện, dưới đáy nồi cơm có lót một chiếc khăn xô được làm ướt rồi ấn nút warm, cắm điện đợi nồi cơm nấu chín là xong. Hoặc có thể hấp cùng khi nấu cơm, cơm chín thì rau củ cũng chín luôn. Dưới đây là một số món ăn chị Thu Hạnh tự làm cho bé Quế Hương:

IMAG2433_1428552959.jpgIMAG4419-1.jpgIMAG4476.jpgIMAG4675.jpgIMAG4734.jpgIMAG4745.jpgIMAG4752.jpgIMAG4871.jpgIMAG5001.jpgIMAG5277.jpgIMAG5283.jpg

Theo ngoisao

5 thoughts on “Huấn luyện bé tự xúc ăn từ 6 tháng

Leave a Reply

Or