Học lại cách thương yêu con từ “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam

Mới đây, “thần đồng tiếng Anh” Đỗ Nhật Nam đã tung lên mạng Vlog đầu tiên bằng tiếng Anh, với phong cách tự tin, vốn từ lưu loát. Bỏ qua những xôn xao không đáng có, từ Vlog này và “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam, những người làm mẹ chúng ta có thể học hỏi được “khối điều”.

Đại bàng phải mạnh mẽ bay lên!

Nhiều người khi xem Vlog của Đỗ Nhật Nam, đã chụp mũ cho rằng đây là một đứa trẻ “tự tin thái quá”. Nhiều bạn trẻ còn hài hước nhận định, cậu bé này đích thị là “con người ta” trong câu nói cửa miệng của cha mẹ mình “Con mình cũng ăn cơm, con người ta cũng ăn cơm, mà sao con-người-ta giỏi giang thế, ngoan ngoãn thế…”.

Nhưng tự tin đâu phải là xấu! Tự tin không phải là đặc tính vốn có của con người, mà nó có được thông qua quá trình nuôi dưỡng và rèn luyện từ khi còn nhỏ. Trẻ con từ nhỏ đã biết nhận thức (dù nhận thức đó còn non nớt) và ham muốn được độc lập, được tự khẳng định mình. Điều chúng cần nhất là luôn được cha mẹ cạnh bên, ủng hộ, yêu thương.

 Học lại cách thương yêu con từ “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam 1

Trong những ngày “sóng gió” trước đây, khi cả cộng đồng dậy sóng vì phát ngôn của Nhật Nam, nhiều người dành cho em những lời lẽ không mấy tốt đẹp thì chính em là người ở bên và động viên mẹ: “Đồng chí ấy à, khi gặp bão nếu đại bàng bay thấp xuống, nó sẽ bị gió bão quật ngã, nhưng nếu nó mạnh mẽ bay lên, nó sẽ bay được cao, rộng và xa”. (Email Nhật Nam gửi mẹ – Trích tâm thư được đăng tải trên facebook của chị Hồ Điệp – mẹ Nam)

Tôi tin rằng, Nam dám đương đầu với “bão tố” như vậy là nhờ cha mẹ em không bao bọc con quá kỹ. Giống như là một em bé chập chững tập đi xe đạp, ngã lên ngã xuống. Nếu nó chưa bước chân đã bị mẹ quát “làm cái gì đấy” và dọa “cẩn thận ngã xuống cống bây giờ”, thì sẽ tự ý thức rằng à mình còn lâu mới đạp được xe. Ngược lại, nếu cha mẹ đi kèm sau, cùng ánh mắt và nụ cười khích lệ, thì con sẽ tự tin nhúc nhắc những vòng xe đầu tiên, dù có ngã u đầu xước chân, nhưng chắc chắn nó tin rằng, con sẽ biết đi xe đạp mẹ ạ, ngày mai con sẽ lại tập, và sẽ không để cho mình bị ngã nhiều nữa.

Sau khi xem những clip của Nam, dù bị người xem chê bai hay khích lệ, chắc chắn em vẫn luôn nhận được những ánh mắt nụ cười che chở ủng hộ từ cha mẹ, và những lời góp ý chân thành nhất thay vì những than phiền, trách cứ.

Vlog của Đỗ Nhật Nam đang gây nhiều tranh cãi.

“Tạm ứng” niềm tin, khích lệ kịp thời

Sun up, sun down là cuốn sách đầu tiên mà Đỗ Nhật Nam thực hiện với vai trò dịch giả. Hồi ấy, nhà sách mới mở ở phố Tô Hiệu có một giá sách tiếng Anh. Từ khi phát hiện giá sách đó, ngày nào Nhật Nam cũng đến đây. Một hôm, trong khi hai mẹ con say sưa đọc một cuốn sách khoa học tiếng Anh thì mẹ bất ngờ hỏi: “Liệu con có thể dịch cuốn sách này sang tiếng Việt không?” Nhật Nam hào hứng dịch thử một trang sách. Với niềm hứng khởi và yêu thích, ngày nào Nhật Nam cũng dịch sách cho mẹ nghe. Và cuối cùng, mẹ đã nói với giám đốc nhà sách để Nhật Nam dịch thử cuốn Sun up, sun down.

11 tuổi, Nhật Nam đã là dịch giả của bốn cuốn sách và tác giả một cuốn sách khác nói về kinh nghiệm học tiếng Anh. Chị Hồ Điệp (mẹ Nhật Nam) cho rằng bí quyết để Nam luôn tiến lên chính là những lời động viên và khuyến khích kịp thời.

 Học lại cách thương yêu con từ “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam 2

Nam biết đọc khi còn 4 tuổi, nhận thấy năng khiếu về ngôn ngữ của con, bố mẹ đã cho Nam học ngoại ngữ và cậu bắt đầu dịch những dòng tiếng Anh đầu tiên lúc mới lên 5.

“Khi cháu bắt tay vào dịch cuốn ‘Cách tư duy của những người thành đạt’, Nam rất hào hứng. Nhưng cuốn sách đó có rất nhiều từ khó nên chỉ dịch được vài trang là Nam đã thấy… chán giống bất kể đứa trẻ ham chơi nào” – chị Hồ Điệp nói. Để khuyến khích Nam, chị bảo: “Mẹ rất muốn đọc cuốn sách đó, nếu con không dịch sang tiếng Việt thì không biết đến bao giờ mẹ mới được đọc”. Vậy là Nam hứa ngay: “Mẹ yên tâm, con sẽ dịch để mẹ đọc”.

Dù có thông minh đến đâu, một đứa bé vẫn là một đứa bé, vẫn thích nghịch phá, vẫn rất ham chơi, vẫn hay nản chí, nhưng vô cùng yêu thương mẹ. Đứa trẻ ấy chắc chắn thích bấm ô tô điều khiển từ xa hơn học một ngôn từ xa lạ, nhưng sẵn sàng vui vẻ học để đọc cho mẹ nghe. Mỗi đứa trẻ không thể tự khắc giỏi lên, trưởng thành lên từng ngày được. Chúng như những cái cây, mà cha mẹ là người làm vườn cần mẫn sẽ tưới tắm hàng ngày bằng lòng kiên nhẫn, sự khích lệ và tình yêu thương.

Ủng hộ ước mơ, cho con bản lĩnh tự lập

Trở lại chuyện Vlog của Đỗ Nhật Nam đang gây tranh cãi. Trong Vlog đầu tiên này, Nhật Nam đã chia sẻ về bản thân như thích ăn pizza, sô cô la, đi dạo… cũng như mong muốn của cậu bé về việc thực hiện một tuyến Vlog để chia sẻ quan điểm về các vấn đề xã hội khác nhau hay hướng dẫn mọi người ôn thi Ielts, Toefl IBT…

Trong Vlog, Nhật Nam đã trao đổi bằng tiếng Anh rất tự tin với cách phát âm “như người bản địa”, Vlog không làm phụ đề tiếng Việt bên dưới, khiến nhiều người (lại một lần nữa) cho rằng, em đang “khoe mẽ” khả năng tiếng Anh vượt trội của mình.

Mặc cho một bộ phận dư luận hết lần này đến lần khác “dậy sóng” vì mình. Nam vẫn lạc quan và vui vẻ, bản lĩnh làm những điều mình muốn. Đó là những điều mà các anh chị gấp đôi tuổi em cũng chưa chắc làm được: Hùng biện bằng tiếng Anh, trở thành dịch giả, trở thành tác giả sách, tham gia các chương trình truyền hình. Rõ ràng. “miệng lưỡi thế gian” khó có thể tác động đến em.

Học lại cách thương yêu con từ “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam 3

Có lẽ ít người biết, mới mười hai tuổi, Nam đã ước mơ trở thành giáo sư. Thực tế cũng cho thấy, người biết ước mơ, dù nhỏ bé hay to lớn thì họ đều có một điểm chung là luôn sống lạc quan, yêu đời, luôn nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu.

Mẹ Nam từng tâm sự “Nam rất tự lập. Đến thời điểm này, Nam hoàn toàn lo cho bản thân từ việc ăn, học, sinh hoạt, tôi rất nhàn bởi không cần can thiệp gì cả. Mọi người hay nói đùa là Nam chăm lo cho mẹ chứ không phải mẹ chăm lo cho Nam. Từ nhỏ, tôi đã để con sẽ tự làm trong khả năng có thể, bố mẹ chỉ là người hỗ trợ, đưa ra lời khuyên chứ không làm hộ. Khi con làm sai thì bình tĩnh và chờ đợi những lần làm sau, tuyệt đối không nôn nóng. Không vì thương con mà “xông vào” cuộc sống riêng của con rồi áp đặt theo suy nghĩ của mình”.

Trẻ em có nhiều ước mơ, và ước mơ cũng dễ dàng thay đổi. Có thể vài năm sau, Nhật Nam sẽ có những ước mơ khác đi, đơn giản hơn hoặc “to tát” hơn. Điều đó không quan trọng, quan trọng là em biết ước mơ và đủ bản lĩnh theo đuổi những gì mình mơ ước. Quan trọng hơn nữa là bố mẹ em hiểu và động viên tất cả những ước mơ của con và khích lệ con, tạo điều kiện cho con mỗi ngày hướng đến những đam mê ấy.

 Học lại cách thương yêu con từ “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam 4

Cuộc sống mỗi lúc một mới lạ, mỗi ngày một đổi thay. Có thể một ngày, đứa trẻ mà bạn mong nó có một cuộc sống bình lặng về tâm sự rằng muốn bước chân lên mặt trăng; cũng có thể một ngày, đứa trẻ mà bạn mong nó có một sự nghiệp sáng lạn lại tỏ ra chỉ thích thú với cây cỏ và nói với bạn rằng nó ngưỡng mộ các bác nông dân. Những lúc ấy, bạn có đủ sáng suốt và yêu thương để đồng thành với ước mơ của con mình, dù nó bình dị, dù nó “viển vông”.

Tôi tin rằng cha mẹ Nhật Nam đã làm được điều đó. Tôi tin rằng, họ là những người bạn thật sự thân thiết của con, cùng chung tay góp sức, lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ cho con trong suốt chặng đường.

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or