Học bố Nhật dạy con tự lập

Không được quyền nuôi con sau khi ly hôn, người bố trong bộ phim Nhật “Oh, My Dad” đã từng bước dạy con trai 5 tuổi tự lập để chăm sóc cho bản thân và mẹ cậu.

Mặc dù đau lòng nhưng người bố vẫn dạy con tự lập và chăm sóc mẹ. Cảnh trong bộ phim Nhật “Oh, My Dad”

Mặc dù rất đau lòng vì sẽ phải xa con, ông bố trong bộ phim của Nhật Bản vẫn luôn nói với con phải biết chăm sóc mẹ “vì con là con trai còn mẹ là phụ nữ”. Một cách thầm lặng và từ từ, ông đã chuẩn bị cho con trai mình tự lập khi không sống cùng bố nữa.

1.  Để con quen dần với việc vắng cha

Ông bố cố tình đi sớm về muộn để cậu bé quen với việc vắng cha. Đầu tiên là ông bố dậy sớm và đi làm khi con trai vừa tỉnh ngủ, ông nói với cậu bé là từ hôm nay ông phải đi làm sớm nên sáng cậu sẽ phải tự bới cơm, chuẩn bị ăn sáng một mình. Bị đẩy vào tình thế ấy, cậu bé rất hậm hực nhưng rồi phải tự học cách đập trứng vào bát, cho đồ ăn vào lò vi sóng, ăn xong phải tự dọn bát đũa để rửa… Mới đầu cậu còn rất long ngóng nhưng sau vài ngày thì đã làm rất thành thạo.

2. Cho con tự trải nghiệm thất bại để học hỏi

Sáng đó là ngày nghỉ, hai cha con cùng ăn cơm. Cậu bé rất vui vì lâu lắm mới được ăn cùng cha bữa sáng nên cố tình nhõng nhẽo đòi cha phải mở hộp nước trái cây nhỏ có ống mút cắm. Người cha nhất quyết không làm và bắt cậu bé làm. Cậu bé vừa một tay cắm ống mút mà một tay kia lại bóp mạnh quá khiến nước trái cây trào từ ống hút ra cả bàn.

Đây là việc rất thường gặp ở trẻ con hay những ai lần đầu mở hộp nước trái cây kiểu này. Nhưng ông bố không la mắng con mà chỉ hỏi con đã biết vì sao hộp nước trái cây bị trào ra không .Bằng cách cho trẻ tự mình trải nghiệm thất bại, con sẽ hiểu vì sao lại thất bại và lần sau sẽ không lặp lại nữa. Điều thú vị là hôm sau đến lớp mẫu giáo các bạn khác trầm trồ khen câu bé sao lại biết mở hộp nước trái cây mà không bị đổ và thi nhau nhờ cậu bé mở giùm.

3. Để con tự buộc giây giày và làm những gì con có thể tự làm được

Một buổi sáng, cậu bé khóc đòi bố đi giày và buộc nút giày cho mình vì cậu không biết buộc. Ông bố đã ngồi xuống dạy cậu cách buộc dây giày.

Hôm sau cậu lại giả vờ để được bố chiều chuộng, nhưng ông bố nhất quyết không làm, cậu lăn ra khóc ăn vạ nhưng ông bố không chịu thay đổi lập trường. Cuối cùng cậu bé đành phải hậm hực tự buộc giày rồi đi nhà trẻ cùng bố. Ông bố cười tủm tỉm vì ông biết cậu tự làm được nhưng cố tình giả vờ.

Để con tự làm những việc có thể làm là cách ông bố này dạy con tự lập. Cảnh trong bộ phim Nhật “Oh, My Dad”

4. Không quên bù đắp cho con những khi lỡ hẹn

Lúc này cậu bé đã chuyển về sống với mẹ, và hai bố con giao ước là 1 tháng sẽ gặp nhau một lần. Cậu háo hức gặp bố bởi vì ở chỗ học mới cậu bị xa lánh do không biết ném bóng chày. Tuy vậy, trong thư gửi bố trước đó, cậu lại nói dối rằng mình có rất nhiều bạn.

Đúng hôm hẹn đến chỗ con chơi thì công ty lại có việc đột xuất mà người bố đang thời kỳ thử việc nên không thể bỏ được. Cậu bé háo hức khi nhận được điện thoại của ba bao nhiêu thì thất vọng khi nghe tin ấy bấy nhiêu. Cậu hậm hực “Thôi bố không phải đến chỗ con nữa đâu”, rồi cụp máy.

Sáng hôm sau ông bố đã phân vân có nên đi gặp con không, và ông nhớ lại bức thư con viết cho mình, nhớ lại cú điện thoại đêm qua con gọi mà mình không bắt máy được, ông vội vàng bắt xe bus đến chỗ cậu. Tình cờ nhìn thấy cib đang đứng ném bóng chày một mình, ông đã đưa con đôi găng tay và dạy con  ném bóng. Khi gặp những tình huống buộc phải thất hứa với trẻ thì bố mẹ cố gắng bù đắp lại cho trẻ và quan sát để thấu hiểu suy nghĩ cũng như tâm trạng của trẻ nhiều hơn.

5. Đừng bao giờ bỏ cuộc

Chiều hôm đó hai cha con cùng nhau đạp xe đi lên núi câu cá và tập bơi ở suối. Đoạn đường lên núi toàn dốc mà hai cha con không ngờ tới khiến cậu bé chỉ muốn bỏ cuộc giữa chừng “Hay chúng ta về đi”. Ông bố nghiêm mặt “Không được, đã đề ra mục tiêu thì phải đi tới cùng chứ, bỏ về giữa chừng như thế khác nào là kẻ bại trận” Mặc dù cũng mệt và muốn bỏ về nhưng tự nhủ với mình rằng “bỏ về giữa chừng như thế thì làm sao dạy cho con bài học về sự cố gắng được.”

6. “Bố tin con trai sẽ làm được!”

Chiều tối hôm đó ông bố phải về lại Tokyo. Cậu bé rất buồn bèn khóc” bố ở lại chơi với con chứ không có bạn nào chơi với con hết”. Ông bố từ tốn “Con trai bố buồn vì không có bạn chơi cùng đúng không. Nhưng mà dù bố có ở lại thì cũng không thể giúp con kết bạn được. Phải chính con mới là người kết bạn cho con. Con đã làm những việc khác rất giỏi mà. Bố tin con trai bố sẽ làm được.” Rồi ông xoa đầu cậu và nói rằng rồi tháng sau bố con mình lại gặp nhau.

Ngay ở câu đầu tiên, người bố đã tiếp nhận tâm trạng của con ”con buồn vì không có bạn đúng không” để con biết rằng bố đã hiểu và cảm thông cho tâm trạng của mình. Sau đó, ông bố bày tỏ ý kiến của mình cho con thấy mấu chốt vấn đề là con phải tự giải quyết chứ không ai làm thay được. Cuối cùng, người bố khích lệ tin tưởng trẻ, khen ngợi và tin rằng trẻ sẽ làm được.

 

theo: camnanggiadinh

2 thoughts on “Học bố Nhật dạy con tự lập

Leave a Reply

Or