Hiểu con khi lên 2

Tuổi lên 2 là cái tuổi “ẩm ương” và ương bướng nhất của bé. Nếu con mẹ thuộc nhóm những bé “cứng đầu” thì mẹ yên tâm rằng mình không phải người duy nhất. Khó bảo là một phần bình thường trong quá trình phát triển của bé, bắt nguồn từ việc bé muốn thể hiện sự độc lập và “xé rào” những nguyên tắc của mẹ.

Phải dạy bé như thế nào để vượt qua giai đoạn ương bướng, giúp bé học cách chia sẻ và biết quan tâm đến người khác? Làm thế nào để khuyến khích khả năng sáng tạo của bé? Nếu hiểu được tâm lý của bé, ba mẹ sẽ tìm ra cách để đi vào thế giới của con và tránh những cuộc “đối đầu” nảy lửa giữa mẹ và bé, khi mẹ bảo một đằng, còn bé cứ làm một… nẻo.

Phát triển thể chất

Qua tuổi lên 2, bé có thể nhảy lên với cả hai chân không chạm đất. Bé cũng có thể leo lên cầu thang, mỗi chân bước một bậc thang, trong khi tay vịn vào lan can.

Bé có thể nguệch ra một đường thẳng bằng cách cầm bút chì bên tay phải hoặc tay trái. Bé cũng có thể tự xúc thức ăn khá tốt, với ít thức ăn rơi ra ngoài nhưng không có nghĩa là lúc nào bé cũng xúc được thức ăn một cách thuần thục. Bé xếp được một tháp cao, khoảng 8-10 khối hình.

Cha mẹ nên khuyến khích phát triển thể chất cho bé bằng cách chơi cùng con. Chơi bóng cùng bé bên ngoài sân, nô đùa chạy nhảy với bé và khuyến khích bé đạt được những hoạt động thể chất mới. Đưa bé ra ngoài công viên là cách tuyệt vời để bé quan sát các bé khác vui chơi, cũng như hòa nhập xã hội.

hieu-con-khi-len-2

2 tuổi là cái tuổi bướng bỉnh nhất – Ảnh: Sonnguyen

Phát triển tâm lý

Khi lên 2 bé bắt đầu có những hành động phản kháng lời cha mẹ. Bé có thể giận dữ vì bé chưa biết kiểm soát cảm xúc của mình, cũng như các kỹ năng ngôn ngữ chưa đầy đủ khiến bé lúng túng khi bày tỏ nỗi thất vọng, sợ hãi và những cảm xúc khác. Một cách để đối phó với cơn nóng nảy của bé là làm bé bị phân tán sự chú ý. Đó không phải trừng phạt mà đơn giản là giúp bé loại khỏi nguyên ngân gây tức giận.

Bé 2 tuổi có tính sở hữu tốt hơn với những đồ đạc thuộc về bé. Đó là nguyên nhân khiến bé do dự mà không muốn chia sẻ với những bé khác. Mẹ có thể giúp bé hào phóng hơn bằng cách làm gương tốt cho con về tính sẻ chia, như để bé thấy mẹ chia sẻ bánh kẹo, các tờ báo, điều khiển tivi… với các thành viên khác trong nhà và với bé. Tất nhiên, bé chưa đủ nhận thức để hiểu hết ý nghĩa của chia sẻ cho tới tuổi lên 5.

Phát triển ngôn ngữ

2 tuổi là mốc quan trọng để phát hiện những chậm trễ trong ngôn ngữ của bé. Đến 2 tuổi, bé cần có vốn từ vựng khoảng 50 từ, chẳng hạn như “bà”, “nước”, “không”, “nữa”… Trong giai đoạn này, bé cũng có thể nói được cụm hai từ có nghĩa, như “quả bóng”, “đi xe”…

Đừng lo lắng về phát âm của bé trong tuổi này vì chỉ có khoảng 50% những gì bé nói là nghe được và dễ hiểu. Trừ khi bé không phát âm được từ nào có nghĩa mà chỉ như những âm thanh bập bẹ. Biểu hiện khác mà cha mẹ cần quan tâm là bé hiểu được những gì mẹ nói. Nếu bé liên tục bỏ qua yêu cầu của mẹ hoặc mẹ yêu cầu một việc đơn giản nhưng phải lặp đi lặp lại vài lần thì mẹ nên lưu ý tới bé nhé.

Theo Ebe

Leave a Reply

Or