Hết hơi theo lịch học chữ trước khi vào lớp 1

Lịch học chữ trước như… luyện thi

Buổi chiều, vừa học xong lớp bóng rổ, về nhà chỉ kịp ăn cơm vội vã, bé Na xị mặt khi bị mẹ chở đến lớp học chữ tại nhà cô giáo vào lúc 5h15 chiều với ca học 2 tiếng kéo dài đến 7h15.

Lịch học chữ tại một lớp học trước khi vào lớp 1 ở Hà Nội

Nhiều khi đang chơi cùng với các bạn nhỏ ở chung cư rồi phải bỏ cuộc chơi đi học, Na buồn bã: “Các bạn được chơi thật nhiều, Na thì phải đi học”.

Sắp tới, Na vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Lịch học trong tháng 7 bé được mẹ và cô giáo sắp xếp trong tháng 7 là 15 buổi học với học phí là 1,8 triệu đồng. Lịch học chữ trước cứng nhắc và quan trọng đến độ, do cô giáo bận việc nghỉ một buổi thứ 4 nên được… dạy bù vào buổi ngày thứ 5 sau đó.

Đó chỉ mới là lịch học trong tháng “tăng tốc” trước khi vào lớp 1, trước đó Na đã được học và luyện chữ trước, có thể nói cháu đã viết được hết bảng chữ cái, đọc được từ ghép nhưng gia đình vẫn… không yên tâm. 

Ngoài lịch học theo cô giáo, về nhà, bé còn được mẹ thu xếp… để anh chị họ đang học cấp 3 sống chung nhà kèm cặp phải viết và làm bài tập hàng ngày.  

Cho rằng trước giờ con mình chưa được học nghiêm túc, bài bản nên trước hai tháng vào lớp 1, chị Thanh Hoa, nhà ở Thủ Đức, TPHCM cho con trai theo lớp học chữ “cấp tốc”. Ngày nào bé cũng học tại lớp học được mở gần nhà.. ngay vào giờ giữa trưa lúc 11h30 – đến 1 giờ chiều. Lớp có khoảng 20 bé theo học.

Cả nhà phải xếp lịch để đưa đón, ngồi chờ con học. Ngoài học ở lớp, cô giáo cho bài về nhà để phụ huynh kèm con, đêm nào chị Hoa cũng “đánh vật” với con để viết chữ, làm toán. Cho rằng con mình không tập trung, chậm hơn bạn.. nên chị lại càng lo lắng, sốt sắng với việc ép con học trước. 

 Sợ đi học ngay từ khi chưa đi học  

Nhiều đứa trẻ bị ép học chữ một cách nhồi nhét, phản khoa học bắt đầu từ lo lắng thái quá của cha mẹ nhiều hơn là vì chính đứa trẻ. Có những đứa trẻ đến giờ phải đi học chữ là chán nản, khóc lóc, còn bố mẹ thì la mắng, gào thét. 

Những con chữ đầu đời, bước trọng đại của không ít đứa trẻ đã trải qua đầy mệt mỏi và nước mắt như vậy. 

Không chỉ trên mạng xã hội mà ngay ở ngoài đời, cuộc tranh luận “học chữ trước” như một nồi áp suất nén khí có dịp xả ra. Nếu lỡ có phụ huynh nào không cho con đi học chữ trước hay vì không có điều kiện cho con theo học thì như rằng sẽ được ngheo những lời khuyên nhủ đến bĩu môi chê “dở người”.

Đủ thứ hù dọa đổ xuống nào là không theo kịp chương trình, không theo kịp bạn bè sẽ bị đuối, bị “đì”…

Chị Phan Thanh Nhàn, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, bé nhà chị không theo lớp học chữ nào dù sắp tới chuẩn bị vào lớp 1. Có mỗi chuyện vậy thôi mà đi đâu cũng nghe nói cho đi học đi, lớp này lớp kia. 

Có cô bạn còn cho chị Nhàn kinh nghiệm, chỉ cần cho đi học trước một tháng, sau con đi học khỏe re, bố mẹ không phải lo lắng, kèm cặp này nọ. Còn không cho học trước, chị bản khẳng định bé sẽ đuối, không theo kịp bạn bè, sẽ sợ hãi, tự ti, bị cô giáo đì hoặc mặc kệ, biết thì biết không biết thì thôi. 

Đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh kéo theo phong trào học chữ trước khi vào lớp 1 trở thành như một điều hiển nhiên. Phụ huynh đã nhanh chân làm trước, giành phần việc của cô giáo, nhà trường, cho dù sau đó đầy đứa trẻ đi học phải nắn lại, chỉnh lại khó hơn dạy từ đầu. 

Học chữ trước được nhiều phụ huynh “ru” nhau bằng sự an tâm, cho đó là sự chuẩn bị tốt nhất cho con trước khi vào lớp 1. Họ bất chấp khoa học, bất chấp sự đau khổ, mệt mỏi ở con trẻ chỉ vì những nét cong, nét vần, vì những bài toán cộng trừ… 

Nhưng phải nói sự nhồi nhét, kỳ vọng của phụ huynh, lịch học của con trẻ, học chữ trước không còn đơn thuần là để biết chữ trước, không phải để không thua kém bạn bè. Nay đã được nâng lên một tầm mới: Để con mình vượt hơn con người!

Vào lớp 1 là một khởi đầu của hành trình học tập suốt đời của đứa trẻ. Chăm chăm học chữ trước dẫn hành trình khỏi này lạc đường và đầy đau khổ ngay cả trước trước khi bước chân vào. Đó là không phải hành trình để khám phá bản thân, không phải vì yêu, vì thích mà bị đẩy vào mục tiêu là để không thua kém, để hơn bạn hơn bè.

Theo Dantri

Leave a Reply

Or