Hãy trò chuyện với con nhiều hơn về lớp, về trường, về quãng thời gian đi học

Việc trò chuyện với bé về một ngày của bé không chỉ giúp bố mẹ và con gắn kết hơn mà còn giúp bé cải thiện khả năng diễn tả, kể một câu chuyện.

Khi bé bắt đầu đi lớp (nhà trẻ, mẫu giáo), 3/4 thời gian một ngày là ở lớp, là học và trưởng thành thông qua tương tác với cô giáo và các bạn ở lớp. Bố mẹ lơ là, không có thông tin và không quan tâm đúng mức tới quãng thời gian ở lớp của con, sẽ tạo nên một lỗ hổng lớn trong việc nắm bắt tâm lý của con và phối hợp với trường trong việc giáo dục toàn diện cho con.

Mình từng chứng kiến rất nhiều bậc cha mẹ khi đón con ở trường về chỉ hỏi mỗi câu: “Hôm nay con học có vui không?” – thế là hết. Sau một ngày dài xa nhau, con bạn ở lớp có biết bao điều xảy ra, có cả những điều khiến bé vui và cả những việc khiến bé buồn. Tuy nhiên, các bé khó có thể chia sẻ với bố mẹ nếu như tan học về, bố mẹ chỉ hỏi con mỗi một câu: “Hôm nay con học thế nào?” hoặc “Hôm nay con học có vui không?”. Và bé sẽ trả lời “vui”, “có” hoặc “không”, thế là cuộc trò chuyện chấm dứt, bố mẹ không biết hôm ấy con chơi thế nào, có chuyện gì xảy ra khiến bé buồn và tổn thương, có điều gì khiến bé phấn khích.

20151231_mevacon_be-di-hoc-mam-non-hinh-anh-3

Việc trò chuyện với bé về một ngày của bé không chỉ giúp bố mẹ và con gắn kết hơn mà còn giúp bé cải thiện khả năng diễn tả, kể một câu chuyện, kết nối các hoạt động ở trường với ở nhà. Và bố mẹ có thể hiểu hơn con thích hoạt động gì, bạn nào, có thế mạnh gì hoặc có gì khiến con sợ hãi, lo lắng, không vui ở trường không để có những điều chỉnh phù hợp.

Hãy hỏi những câu hỏi mở

Những câu hỏi kiểu như: “Hôm nay con học có vui không?” thường không khiến trẻ hứng thú kể về một ngày của chúng ở trường. Trẻ chưa thể tự nhớ và kể lại cả một ngày dài nên cần những câu hỏi cụ thể hơn để giúp chúng nhớ lại ngày hôm đó. Vì thế, bố mẹ nên tránh những câu hỏi mà câu trả lời sẽ là “có” hoặc “không”, thay vào đó là những câu hỏi mở như: “Buổi sáng con chơi trò gì?” hoặc “Bức tranh cánh đồng đẹp quá, con có thể miêu tả nó cho mẹ được không?” hoặc “Trưa nay con ăn món gì thế?”…

Bắt đầu với những sản phẩm bé mang về 

Một nghiên cứu của Marvin và Privratsky (1999) đã chỉ ra rằng, khi trẻ dưới 4 tuổi mang những sản phẩm chúng làm ở trường như bức tranh vẽ về, trẻ sẽ ghi nhớ những hoạt động ở trường hôm đó rõ ràng hơn những ngày bình thường. Bố mẹ có thể bắt đầu bằng việc hỏi những câu hỏi mở cho họa sĩ tí hon của mình và lắng nghe con trả lời. Có thể đôi khi bạn sẽ không thể hiểu sản phẩm đó là gì, nhưng hãy cố gắng tìm những chi tiết mà bạn có thể nhận ra và bắt đầu hỏi trẻ: “Ồ, mẹ thấy một chú cua, có phải con đang vẽ biển không?” hoặc “Cái màu vàng này có phải là một con ốc không nhỉ?” và bé sẽ dần chia sẻ về “ý tưởng lớn lao” mà bé thể hiện trong bức tranh đó với bạn. Nếu trẻ thể hiện niềm yêu thích với những hoạt động đó, trẻ sẽ tăng sự tự tin cũng như kết nối hoạt động ở trường và ở nhà. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì đôi khi khi những nét vẽ nguệch ngoạc ở góc bức tranh lại là câu “con yêu mẹ” đấy.

Ghi nhớ lịch học ở trường của con

Bạn có thể bắt đầu nói về hoạt động vẽ tranh, tập thể dục hoặc đọc sách ở trường. “Hôm nay con được đọc cuốn sách gì?” hoặc “Hôm nay con đã chui qua mấy cái vòng?”. Hãy ngồi xuống và đọc cuốn sách đó với bé, cho bé chọn và khuyến khích bé đọc.

Nắm rõ chủ đề của buổi học

Bố mẹ nên nắm rõ chủ đề học của con, ví dụ như về nông trại, phương tiện giao thông, cách ứng xử hay về các quốc gia. Bố mẹ có thể khám phá thêm những điều thú vị về chủ đề này trên mạng và mở rộng hiểu biết cho trẻ khi thảo luận về những vấn đề này.

Chia sẻ về một ngày của bạn 

“Hôm nay mẹ rất vui. Cô đồng nghiệp đã hướng dẫn mẹ cách chăm sóc da rất đơn giản mà hiệu quả” hoặc “Mẹ đã gặp một đối tác rất dễ chịu”. Khi bạn chia sẻ những niềm vui, bạn bè, thử thách, niềm yêu thích của mình với trẻ, trẻ sẽ cảm nhận rằng bạn thật sự tôn trọng trẻ, muốn chia sẻ và kết nối với trẻ. Và đến một ngày nào đó khi trẻ lớn, bé có thể sẽ hỏi lại mẹ: “Hôm nay mẹ có vui không?”.

Bố mẹ trò chuyện về những niềm vui và nỗi buồn của mình trong ngày 

Thời điểm cả gia đình quay quần bên bàn ăn là lúc tuyệt vời để chia sẻ niềm vui và những nỗi buồn trong ngày một cách thoải mái nhất. Kể cả khi con bạn còn chưa biết nói, việc chứng kiến bố mẹ chia sẻ về một ngày của mình bên bàn ăn cũng sẽ có ích cho trẻ sau này.

Bắt đầu bằng một cuốn sách 

Hãy chọn một cuốn sách về trường học và xem những cuộc trò chuyện trong đó, ví dụ như cuốn “Một ngày ở nhà trẻ” hoặc “Boris đi học”. Sau khi đọc sách xong, bạn có thể hỏi bé hôm nay ở trường bé có ra ngoài chơi như các bạn trong truyện không hoặc có ngủ trưa không.

Nói chuyện vào giờ đi ngủ 

Sau khi đọc truyện cho con và vẫn còn thời gian, bạn nên dành ra 10 phút để nói chuyện với con về một ngày của con ở trường. Đây là thời điểm tốt nhất để trẻ có thể mở lòng ra và dễ dàng chia sẻ hơn.

Lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe 

Khi con bạn đang nói về một ngày của bé, đừng hỏi bé bất cứ câu hỏi nào, chỉ yên lặng lắng nghe bé nói cho đến khi bé dừng lại, lúc đấy hãy hỏi tiếp. Các bậc cha mẹ thường có xu hướng hỏi con thật nhiều nhưng dừng lại một chút để bé nói tiếp câu chuyện, bạn có thể sẽ hiểu vấn đề rõ hơn. Một đứa trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bé kể lại một ngày của mình và bạn đồng tình, lắng nghe bé.

Bắt đầu câu chuyện bằng một việc bạn đã biết

Hãy bắt đầu bằng một việc bạn đã biết và khuyến khích bé nói về vấn đề đó. Ví dụ như: “Hôm nay lớp con có một bạn mới đúng không? Bạn ấy thế nào hả con?” hoặc “Hôm nay hình như con được học bài hát tiếng Anh mới đúng không? Con dạy mẹ hát với, mẹ chưa biết bài đó”.

 Theo Ngoisao

Leave a Reply

Or