Hãy để ý đến tư thế ngồi của con để bé không bị tật

Cơ thể chúng ta càng già càng cứng lại, có thể ngay từ bây giờ bạn đã cảm nhận được điều này một cách rõ ràng khi phải chật vật lắm mới tập được những tư thế yoga trong khi trẻ nhỏ luôn uốn éo vặn vẹo cái cơ thể nhỏ tí của mình một cách dễ như chơi. Chúng dường như có thể nằm, ngồi ở bất cứ tư thế nào chúng muốn.

Tuy nhiên, bạn biết không, có một tư thế ngồi đã và đang gây ra những tranh cãi, đó là tư thế ngồi hình chữ W khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé đang ở giai đoạn mới tập từ ngồi chuyển sang đứng và ngược lại. Tuy mọi chuyện vẫn chưa thật sự rõ ràng nhưng theo các chuyên gia, bạn có lẽ cần để ý đến tư thế ngồi này của con.


(Ảnh: Internet)

Vậy, vấn đề nằm ở đâu?

Một số chuyên gia nói rằng nếu bé chỉ ngồi trong những khoảng thời gian ngắn thì chẳng có vấn đề gì, nhưng họ tin rằng nếu để thành thói quen thường trực thì tư thế ngồi chữ W có thể gây ra những tác động tiêu cực như biến dạng các khớp có liên quan (khớp háng, khớp gối…) và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Chẳng hạn một đứa trẻ thường xuyên ngồi ở tư thế chữ W, khi ngồi, hông của bé bị vặn vào trong tạo áp lực lớn lên khớp hông, đùi cũng bị xoay vào trong và các ngón chân chìa ra bất thường; bé thậm chí có thể vẫn giữ nguyên như vậy cả khi đã đứng lên.

Bởi vì tư thế ngồi chữ W không có lợi cho hoạt động xoay thân người từ bên này sang bên kia nên khi ngồi ở tư thế này, bé thường chỉ chơi hoài với món đồ chơi ở ngay trước mặt mình chứ không có cơ hội vặn người hoặc đưa tay bên này sang phía bên kia cơ thể – tức những hoạt động qua đường giữa thân. Đường giữa thân là đường tưởng tượng chia thân người thành hai phần bên phải và bên trái; kỹ năng hoạt động qua đường giữa thân là rất quan trọng trong việc giúp bé nắm được cách phối hợp hai bên cơ thể, giúp bé học đi, học chạy, học viết… Không chỉ vậy, việc thiếu vặn người này cũng hạn chế phát triển cơ bụng, cơ lưng, hạn chế kỹ năng chuyển trọng lượng cơ thể.

Tư thế ngồi chữ W đôi khi còn có liên hệ với những vấn đề phát triển khác chẳng hạn như hông bất ổn định, cơ co cứng khó cử động, hoặc trương lực cơ yếu, nhưng “dựa trên những bằng chứng, chúng ta không thể nói rằng tư thế ngồi chữ W đã gây nên những vấn đề này,” bác sỹ Nhi khoa Kendra Gagnon nói. “Có lẽ mối liên hệ diễn ra ở chiều ngược lại, những vấn đề trên đã khiến đứa trẻ quen thuộc với tư thế ngồi chữ W do tư thế này tạo được ‘cái nền’ rộng hơn, giúp các bé cảm thấy vững vàng, chắc chắn hơn.”


(Ảnh: Internet)

Nói tóm lại, nếu đứa trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường thì thỉnh thoảng ngồi quặp chân lại theo hình chữ W là không sao, có rất nhiều đứa trẻ làm như vậy và hầu hết sẽ tự nhiên từ bỏ khi lớn hơn. Tuy nhiên, cẩn thận vẫn hơn, trước khi điều nay trở thành một thói quen khó sửa, bạn hãy nhẹ nhàng bảo con thay đổi kiểu ngồi, có thể là ngồi kiểu gập gối, duỗi chân hoặc khoanh chân – hãy chọn tư thế phù hợp cho con và không phạt bé về chuyện này.

Nếu bạn nhận thấy một số dấu hiệu chậm phát triển ở con, chẳng hạn như con chưa đạt được một số mốc phát triển nhất định, tư thế hoặc hoạt động của bé không bình thường, hoặc bé gặp khó khăn trong việc ngồi ở những tư thế khác, hãy sớm bày tỏ lo lắng của mình với bác sỹ để được giúp đỡ.

Theo webtretho

Leave a Reply

Or