Hạnh phúc đẫm nước mắt của bà mẹ hiếm muộn sau 4 lần thụ tinh ống nghiệm

Hành trình 4 năm “tìm con” của bà mẹ 8x hiếm muộn với bao nhiêu nước mắt đã rơi, tiền của không đong đếm được, bao nhiêu lần đau khổ vì ngỡ có con trong tầm tay lại bị tuột mất và cả những đau đớn về thể xác…

Tắc hai vòi trứng, muốn có con phải thụ tinh trong ống nghiệm

Cũng giống như biết bao người phụ nữ khác, khi vừa kết hôn với anh Đào Quang Trung (sinh năm 1985, sĩ quan quân đội), chị Nguyễn Ngọc Hằng (sinh năm 1986, hiện đang sinh sống tại Bắc Giang) đã “mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”. Tuy nhiên, một năm qua đi, mãi không có tin vui, vợ chồng chị quyết định đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám. Tại đây, bác sĩ kết luận: chị bị tắc hai vòi trứng, muốn có con phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Cái tin như sét đánh ngang tai khiến chị không ngừng khóc, bao nhiêu ý nghĩ trong đầu chị: Vì sao mình lại bị vô sinh, vì sao cuộc sống của mình lại éo le như thế này…

Hạnh phúc đẫm nước mắt của bà mẹ hiếm muộn sau 4 lần thụ tinh ống nghiệm  - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Ngọc Hằng đã trải qua 4 năm đầy gian nan trước khi có bé Quang Dũng.

Thế rồi hai vợ chồng quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) luôn. Chị thụ tinh được 10 phôi, chuyển phôi vào tháng 5/2014 và đậu 1 thai. Nhưng may mắn không sớm mỉm cười với vợ chồng chị. Khi thai nhi được 8 tuần thì bị lưu và phải hút. Chị Ngọc Hằng xót xa kể: “Đau đớn có, hy vọng có, ao ước có, mọi thứ mình dồn nén cho lần đầu làm IVF nhưng thất bại. Con đã là một sinh linh bé bỏng, nhưng mình không thể giúp con làm người…“.

Sau thời gian đó, chị Hằng đã trải qua nhiều tháng chìm trong chán nản. Chị lại cố gắng gượng dậy, tiếp tiếp tục làm thụ tinh ống nghiệm. Còn lưu 7 phôi tại bệnh viện, nghỉ ngơi 6 tháng, chị lại tiến hành chuyển phôi lưu nhưng không thành công, còn lại 3 phôi lưu, 6 tháng sau chị chuyển nốt và tiếp tục thất bại.

Không biết bao nhiêu lần xét nghiệm, bao nhiêu mũi tiêm được chích vào người mình, bụng mình tím bầm, tay mình cũng vậy, có tháng chích hết luôn cả 30 ngày, có tháng chích nửa tháng. Con đường từ nhà ra Hà Nội chưa bao giờ lại trở nên quen thuộc như vậy, cứ đi và về trong ngày…. Ròng rã ngày qua ngày, tháng qua tháng, đong đếm từng chu kỳ mạnh khỏe để được kiểm tra, để được tiêm thuốc. Thời gian đó, mỗi lần vào phòng chọc trứng hay vào phòng chuyển phôi mình lại tự nhủ bản thân phải cố lên, cố thật nhiều, tất cả vì con yêu!“, chị Hằng tâm sự.

Hạnh phúc đẫm nước mắt của bà mẹ hiếm muộn sau 4 lần thụ tinh ống nghiệm  - Ảnh 2.

Chị Hằng không bao giờ quên được khoảnh khắc khóc nức nở khi lần đầu được nhìn thấy con yêu.

Hạnh phúc mỉm cười trong sự lo lắng

Sau nhiều lần hy vọng rồi lại thất vọng rồi lại hy vọng, tháng 11/2015, chị Ngọc Hằng đã quyết định chuyển hướng thực hiện IVF tại Trung tâm công nghệ phôi Viện 103. Lần IVF thứ 4 này, chị chỉ có 3 phôi, chuyển được 1 lần và không có phôi dự trữ.

Đổi lại, tâm lý chị Hằng rất thoải mái, không căng thẳng như những lần trước nữa. Qua 14 ngày, chị đi làm xét nghiệm máu, chỉ số beta trong máu đạt 300. “Hy vọng là đây, có lẽ nào, mình sẽ được làm mẹ“, chị Hằng nghĩ thầm. Nhìn kết quả mà chị rơi nước mắt, gọi cho chồng, chỉ biết khóc trong hạnh phúc. “Lúc đó mình thực sự có niềm tin rằng may mắn đã đến. 5 ngày sau, mình rủ chồng đi làm xét nghiệm lại, thật không ngờ, chỉ số beta tăng lên. Vợ chồng mình đã hét lên vì sung sướng. Em bé đã có phôi thai và qua siêu âm, bé đã vào tử cung mẹ. Mình chưa bao giờ quên được cảm xúc lúc đó.”

Hạnh phúc đẫm nước mắt của bà mẹ hiếm muộn sau 4 lần thụ tinh ống nghiệm  - Ảnh 3.

Bé Quang Dũng đã chào đời khỏe mạnh vào tháng 10/2016.

Niềm vui bé nhỏ vừa chợt lóe lên thì khi thai nhi được 4 tuần tuổi lại bị bong nhau, khả năng giữ thai khó. “Mình còn nhớ năm đó Hà Nội mưa bão to, từ nhà mình đến Hà Nội gần 80km, đường ngập đi mãi mới đến nơi. Sau khi bác sĩ làm xét nghiệm, kiểm tra qua siêu âm, mình không dám đi lấy kết quả, để chồng đi. Chồng về bảo em bé hiện vẫn phát triển nhưng chậm, cần theo dõi và dùng thuốc, có thể em phải nằm treo chân và tiêm nội tiết từ giờ đến khi sinh. Hai vợ chồng phải nằm tại phòng khám riêng của bác sỹ từ ngày đó…“, chị Ngọc Hằng ngậm ngùi kể lại hành trình lúc bắt đầu mang thai bé Quang Dũng – con trai chị.

Để giữ được thai đến đủ ngày đủ tháng nhất, chị Hằng đã phải dùng rất nhiều thuốc, tiêm và truyền suốt ngày. Đến tuần 31, thai đạp rất ít, chị lo lắng vô cùng, bác sỹ khám cho biết nên nhập viện theo dõi và có thể mổ bất cứ lúc nào nếu tình trạng không cải thiện. Chị chỉ biết khóc, cầu mong cho mọi chuyện tốt lành. Suốt 7 tuần, chị gắn bó với phòng siêu âm, cứ 3 hôm lại đi siêu âm 1 lần. Cuối cùng, hạnh phúc đã cập bến bờ khi bé ra đời bằng phương pháp đẻ mổ ở tuần thứ 38 thai kỳ với sức khỏe hoàn toàn bình thường, bé trai nặng 3,4kg.

Khi bác sĩ bế bé trai ra, dù đang nằm trên bàn mổ nhưng mình đã cố gắng ngẩng đầu lên nhìn con, mình đã khóc nức nở vì vui mừng tột độ“, chị Ngọc Hằng vẫn rưng rưng hạnh phúc nhớ lại.

Hạnh phúc đẫm nước mắt của bà mẹ hiếm muộn sau 4 lần thụ tinh ống nghiệm  - Ảnh 4.

Chị Hằng cảm thấy may mắn vì luôn có chồng ở bên trong suốt chặng đường đầy gian nan đã qua.

Hành trình 4 năm “tìm con” của vợ chồng chị Hằng – anh Trung thực sự gian nan với bao nhiêu nước mắt đã rơi, tiền của không đong đếm được (chị Hằng ước chừng từ lúc thực hiện IVF lần đầu tiên đến lúc sinh con tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng), bao nhiêu lần đau khổ vì ngỡ có con trong tầm tay lại bị tuột mất và cả nhưng đau đớn về thể xác… nhưng tất cả đều không thể so sánh được với niềm hạnh phúc khi được ôm con trên tay. “Tất cả mọi khó khăn, đau khổ giờ đã đi qua hết, chỉ còn niềm hạnh phúc và những nụ cười ở lại“.

Quyết định chia sẻ câu chuyện hiếm muộn của mình, chị Hằng mong muốn sẽ tiếp thêm động lực cho các cặp đôi đang rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Hãy tin tưởng vào tương lai, đừng bao giờ nản lòng, đừng bao giờ bỏ cuộc và hạnh phúc sẽ mỉm cười ở cuối đường hầm… Hy vọng các mẹ hiếm muộn sớm có con yêu!“.

 

 T.Q (ghi) / Theo Trí Thức Trẻ

Leave a Reply

Or