Hạn chế nôn ói trong thai kỳ với 8 phương pháp tự nhiên

Rất khó để phòng tránh triệt để hiện tượng nôn ói nhưng có thể hạn chế và xoa dịu cảm giác khó chịu này với 8 phương pháp tự nhiên dưới đây.

Buồn nôn và nôn ói là hiện tượng rất bình thường trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ. Theo ước tính, có khoảng 3/4 mẹ bầu ít nhiều gặp hiện tượng này. Rất khó để phòng tránh triệt để hiện tượng nôn ói nhưng có thể hạn chế và xoa dịu cảm giác khó chịu này với 8 phương pháp tự nhiên dưới đây.

1. Không ép buộc bản thân

Nếu cảm thấy muốn ăn món ăn nào đó hoặc mùi vị của món ăn đó kích thích khẩu vị của bạn thì bạn nên ăn, dù biết món đó có thể không cung cấp chất dinh dưỡng như bạn muốn. Đừng ép mình phải ăn những món ăn bổ dưỡng nhưng đem lại cảm giác khó chịu khi ăn xong. Thà rằng “nạp” được chút gì đó vào bụng còn hơn là ăn đồ bổ dưỡng xong lại nôn hết ra ngoài.

2. Ăn thức ăn nguội

Mùi vị của các món ăn để nguội hoặc làm lạnh sẽ được làm giảm bớt so với lúc còn nóng. Vì thế ăn thức ăn nguội sẽ giúp khứu giác không bị kích thích, làm giảm khả năng gây ra hiện tượng nôn ói.

3. Để đồ ăn nhẹ gần giường ngủ

Để bánh quy hoặc một số đồ ăn nhẹ ở tủ đầu giường hoặc gần giường ngủ để khi thức dậy, bạn có thể ăn ngay một vài chiếc bánh hoặc đồ ăn nhẹ, sau đó nghỉ ngơi 20 – 30 phút rồi mới ra khỏi giường. Làm như vậy vừa giúp bạn bổ sung năng lượng vừa giúp làm giảm cảm giác buồn nôn trong ngày.

Nếu nửa đêm thức giấc và cảm thấy buồn nôn, bạn cũng có thể ăn vài chiếc bánh quy để làm giảm cảm giác khó chịu này.

om-nghen

4. Chia nhỏ bữa ăn

Bạn có thể ăn đồ ăn nhẹ vào bất cứ khi nào bạn muốn, như thế sẽ giúp dạ dày không bị trống rỗng (bị đói hay để dạ dày rỗng rất dễ gây ra hiện tượng nôn ói). Ngoài ra, bạn nên ăn những thực phẩm vị thanh đạm nhưng giàu protein cũng rất có tác dụng trong việc khống chế các cơn nôn ói.

5. Tránh ăn đồ ăn có nhiều chất béo

Bởi đồ ăn có nhiều chất béo cần nhiều thời gian mới tiêu hóa hết được. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, thức ăn có vị cay, chua… là những thực phẩm có thể gây kích thích cho hệ tiêu hóa “mong manh” trong những tháng đầu thai kỳ của bạn.

6. Chia nước uống thành từng lượng nhỏ

Uống nước rất quan trọng trong việc phòng chống mất nước cho cơ thể nhưng không vì thế mà bạn ra sức uống một lượng nước lớn trong mỗi lần uống nước, bởi như thế nước sẽ chiếm nhiều thể tích khiến dạ dày không chứa nổi thức ăn mà bạn mới ăn, rất dễ gây ra hiện tượng nôn ói. Vì vậy, bạn nên uống nước nhiều lần trong ngày, mỗi lần uống thành từng ngụm nhỏ. Nếu thường xuyên bị nôn ói, bạn có thể uống nước dành cho hoạt động thể thao có chứa đường, muối, kali để bổ sung chất điện giải.

7. Không uống vitamin dành cho bà bầu vào lúc đói

Không nên uống các loại thuốc vitamin dành cho giai đoạn mang thai vào buổi sáng sớm khi chưa ăn gì hoặc vào những lúc đói.

8. Sử dụng vitamin B6

Chưa có nghiên cứu nào giải thích nguyên vì sao vitamin B6 có tác dụng làm giảm triệu chứng buồn nôn, nôn ói ở các bà bầu nhưng một số bà mẹ cho biết nó thực sự có hiệu quả. Có thể bổ sung loại vitamin này với liều lượng 1,9 mg/ngày. Tuy vậy, bạn không nên tự ý uống hoặc quyết định liều lượng mà nhất thiết phải hỏi bác sĩ sản khoa xem có được dùng vitamin B6 không.

Theo Afamily

Leave a Reply

Or