Gửi phụ huynh: Đừng hoảng vì Momo, Youtube mới chính là thứ đang hại con bạn hàng ngày!

Điều này chẳng có gì là mới vậy mà nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ và coi thường để rồi gián tiếp “giết chết” tâm hồn trẻ thơ non nớt của con mình, bằng việc để chúng hàng ngày xem Youtube.

 

Những ngày cuối tháng 2, cuộc sống của người dân ở Anh bỗng nhiên bị xáo trộn, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ vì ai cũng nơm nớp lo sợ con mình sẽ trở thành nạn nhân của một con quái vật kinh dị có tên Momo xuất hiện trong các video trên Youtube Kids vô thưởng vô phạt dành cho trẻ em.

Rồi thì, khi hàng loạt các chuyên gia, các tổ chức xã hội và cả chính Youtube lên tiếng thì người ta mới ngớ người ra, tất cả chỉ là tin giả. Hóa ra thử thách tự sát Momo rầm rộ trên mạng mấy hôm nay thực sự chỉ là một trò lừa bịp, một câu chuyện gây sốc về một con quái vật có bộ dạng đáng sợ và khiến người ta lo lắng về sự an toàn của trẻ em.

Nghĩ đi nghĩ lại, mấy hôm rồi, Momo đã dọa cho nhiều phụ huynh phải “xanh mặt” cấm con không được xem YouTube rồi thậm chí còn cắt luôn cả mạng để con tránh xa hiểm họa. 

Thế nhưng người ta cũng nhận ra, Momo không phải là mối nguy hiểm khủng khiếp và đâu mới là thứ phụ huynh cần cảnh giác cao độ? Có một thứ mà tôi có thể gọi là “sát thủ thầm lặng” đang từng ngày giết chết tâm hồn non nớt của trẻ thơ bằng những video chứa nội dung độc hại – đó chính là thứ mà bấy lâu nay các ông bố bà mẹ vẫn dùng để “dỗ con ăn”, “cho con giải trí”, “tránh để con gây phiền nhiễu khi mình làm việc”… – Ấy chính là những video “bẩn” trên YouTube và thậm chí là cả YouTube Kids.

Tôi biết, đã có những video trên YouTube Kids với lời khuyên tự tử được ghép vào những bộ phim hoạt hình vô thưởng vô phạt như một trò đùa độc hại trên mạng – chúng không hề liên quan đến Momo nhé. Thực tế, là nhiều phụ huynh đã phát hiện ra chúng từ trước khi Momo rộ lên cơ đấy. 

Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Free Hess đã ghi lại tài liệu làm bằng chứng trên pedimom.com. Nhưng nó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi nói đến nội dung không phù hợp, độc hại trong các video dành cho trẻ em.

Gửi phụ huynh: Đừng hoảng vì Momo, Youtube mới chính là thứ đang “hại” con bạn hàng ngày! - Ảnh 1.

Rất nhiều video có nội dung không phù hợp với trẻ em tràn lan trên Youtube.

YouTube đã chiến đấu với các video đáng lo ngại đó trong nhiều năm, nhưng vẫn không thể quét sạch được. Một bài đăng vào năm 2017 của nhà văn James Bridle đã khiến vấn đề được chú ý rộng rãi, khởi đầu một loạt câu chuyện về những nỗi kinh hoàng khác nhau có thể tìm thấy thông qua ứng dụng YouTube Kids.

Gửi phụ huynh: Đừng hoảng vì Momo, Youtube mới chính là thứ đang “hại” con bạn hàng ngày! - Ảnh 2.

Momo gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều người nhưng nó chưa đáng lo ngại bằng những video “bẩn” trên Youtube núp bóng phim hoạt hình dành cho trẻ em, theo quan điểm của Keza MacDonald trên tờ The Guardian.

Những video đáng sợ về Peppa Pig hoặc chuột Mickey bị tra tấn đã xuất hiện tràn lan trên YouTube, những đoạn phim tình dục phản cảm của các nàng công chúa Disney cũng rất dễ tìm.

YouTube đã loại bỏ rất nhiều video có nội dung xấu nhưng họ vẫn phải tiếp tục tìm kiếm những cách mới để giải quyết thuật toán. Vụ bê bối lớn gần đây nhất liên quan đến việc phát hiện ra một nhóm tội phạm ấu dâm, hoạt động trong các bình luận trên YouTube.

Điểm mấu chốt của YouTube ở đây là họ dựa vào hệ thống gắn cờ của YouTube để tìm và lọc nội dung không phù hợp. Điều đó có nghĩa là người xem phải nhận thấy nội dung độc hại và gắn cờ báo cáo thì Youtube mới biết được.

Khi bạn tải xuống ứng dụng YouTube Kids, bạn sẽ thấy ngay lời nhắn trong trong màn hình giới thiệu rằng: “Chúng tôi luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ để cung cấp trải nghiệm YouTube an toàn hơn nhưng không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo”.

Gửi phụ huynh: Đừng hoảng vì Momo, Youtube mới chính là thứ đang “hại” con bạn hàng ngày! - Ảnh 3.

Một kênh YouTube chứa hàng loạt video có nội dung lệch lạc ảnh hưởng đến tâm lý trẻ thơ.

Sự thật là YouTube không bao giờ có ý định trở thành một nền tảng tốt cho trẻ em và tôi không có niềm tin vào khả năng thích ứng của họ với vai trò đó.

Youtube có thể trở thành công cụ cho phụ huynh dạy con nhưng không hẳn thế, không ai kiểm soát được mọi thứ. Bạn biết không, khi cậu con trai 5 tuổi của tôi bị ám ảnh về tàu hỏa (xin nhấn mạnh là nó còn chưa biết đọc đâu), chúng tôi từng để nó xem những đoạn phim về những chuyến tàu lăn bánh nhẹ nhàng vào ga trên iPad trong vài phút. Ấy thế mà khi quay lại, tôi lại thấy thằng bé vô tư xem một video tai nạn tàu hỏa xuất hiện trong “danh sách gợi ý” của Youtube.

Gửi phụ huynh: Đừng hoảng vì Momo, Youtube mới chính là thứ đang “hại” con bạn hàng ngày! - Ảnh 4.

Youtube Kids là kênh video ưa thích của nhiều trẻ em.

Phần lớn nội dung YouTube Kids không gây phiền nhiễu hay đáng lo ngại nhưng chúng hoàn toàn vô tác dụng. Một lượng lớn các video thân thiện với trẻ em được tải lên là “rác rưởi”: những bài hát rẻ tiền, những câu chuyện vô nghĩa có mô hình 3D hoặc đồ chơi của các nhân vật nổi tiếng như Elsa, Spider-Man và Peppa Pig. Chúng được làm ra hoàn toàn là để “câu view” và kiếm tiền từ các cụm từ tìm kiếm phổ biến – xin nhấn mạnh là chúng không phải để giải trí hoặc giáo dục trẻ em.

Và đâu chỉ có Youtube Kids, những đứa trẻ lớn hơn, khi đã biết đọc biết viết, các bé hoàn toàn có thể truy cập vào Youtube dành cho người lớn, và ai mà biết được chúng sẽ xem phải những nội dung như thế nào trên hệ thống video chia sẻ lớn nhất thế giới này?

Giải pháp đơn giản nhất cho tất cả các bậc phụ huynh là hãy nhanh chóng “thanh lọc” YouTube ra khỏi mọi thứ – điện thoại, TV, máy chơi game, iPad. Đây là cách chúng tôi đã áp dụng trong chính gia đình mình. Dù không phải là một người am hiểu về công nghệ bạn cũng có thể nhận ra Youtube Kids thực sự rất vô dụng. Không thiếu những trò giải trí dành cho trẻ em cực tốt và hấp dẫn có sẵn trên Netflix, hay những kênh truyền hình được sản xuất riêng cho trẻ em. Và ở đó, ít ra bạn cũng sẽ yên tâm là con mình không bao giờ gặp phải lời khuyên tự tử như Momo làm mưa làm gió trong những ngày gần đây.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Keza MacDonald.

Theo Afamily

Leave a Reply

Or