Gợi ý trò chơi dân gian cho trẻ mầm non phát triển kỹ năng

Những trò chơi dân gian không những giúp trẻ rèn luyện thể chất mà còn giúp trẻ phát huy khả năng phản xạ, phản đoán và cả tư duy logic…  Vậy còn chờ gì nữa mà không hướng dẫn những trò chơi dân gian cho trẻ mầm non cực kỳ bổ ích sau nhé!

Không đòi hỏi dụng cụ, những trò chơi dân gian cho trẻ mầm non vẫn vô cùng thu hút với trẻ nhỏ bởi sự thú vị, rộn ràng và đặc biệt là có thể chơi cả khi ít và nhiều bạn. Với trẻ mầm non,

1/ Kéo cưa lừa xẻ

Lợi ích: Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non này giúp bé vận động nhẹ nhàng, như một bài tập thể dục hàng ngày cho bé.

Cách chơi: Trò chơi này 2 bé có thể chơi với nhau hoặc có thể mẹ chơi với bé. Mẹ và bé ngồi đối diện nhau, dang chân ra, hai bàn chân chạm vào nhau, hai bàn tay nắm chặt nhau. Mẹ vừa hát vừa kéo tay đẩy qua đẩy lại, giống động tác hai người thợ ngồi hiệp sức cưa gỗ.

Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ.

Độ tuổi thích hợp: Từ 2 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi khả năng ngôn ngữ và vận động của bé đã khá tốt để hiểu được nhịp điệu, vần thơ và cách chơi.

2/ Chi chi chành chành

Lợi ích: Trò chơi này giúp trẻ rèn luyện tính phản xạ nhanh.

Cách chơi: Con xòe bàn tay và mẹ giơ ngón tay cái chỉ vào lòng bàn tay con, Lúc nay con và mẹ đọc to lời bài đồng dao:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Dắt dế đi tìm

Ù à ù ập

Đóng sập cửa vào

Đọc đến chữ “sập” con nắm tay lại, mẹ rút tay ra thật nhanh. Nếu mẹ rút tay ra không kịp thì sẽ bị phạt.

Độ tuổi thích hợp: Từ 12 tháng. Đây là một trò chơi không đòi hỏi bé phải vận động nhiều nhóm cơ, chỉ cần bàn tay khéo là đủ.

3/ Oẳn tù tì

Lợi ích: Trò chơi này giúp trẻ rèn phản xạ nhanh và óc phán đoán.

Cách chơi: Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non này có thể chơi khi có từ 2 bạn nhỏ trở lên, hai người giơ tay ra đồng thồi với câu hát “Oẳn tù tì, ra cái gì? Ra cái này!”. Sau đó tất cả người chơi cùng xòe tay ra với các hình: dùi, búa, lá, kéo. Người thắng cuộc được tìm ra theo quy tắc sau:  dùi đâm thủng lá; dùi khoan được kéo;  kéo cắt được lá; búa nện được kéo, dùi;  lá bao được búa.

Độ tuổi: Từ 3 tuổi.

4/ Thả đỉa ba ba

Lợi ích: Giúp trẻ rèn khả năng vận động, sự nhanh nhạy.

Cách chơi: Vẽ một vòng tròn giữa sân hoặc giữa nhà để làm sông, sau đó, tất cả người tham gia đứng thành một vòng tròn vây quanh. Một người ở giữa đóng vai đỉa sẽ đọc bài:

Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo mềm như nước

Đổ mắm, đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà ấy phải chịu.

Vừa đọc, bé lần lượt vỗ vào từng bạn. Tiếng cuối cùng của bài rơi và người nào thì phải làm đỉa. Bạn nào làm đỉa thì không được vượt ra khỏi vòng tròn, còn các bạn còn lại thì phải chạy nhanh chân để không bị “đỉa” bám phải.

5/ Dung dăng dung dẻ

Lợi ích: Đây là một trò chơi như một bài thể dục nhẹ nhàng cho trẻ.

Cách chơi: Sắp xếp trẻ cao đứng giữa, các trẻ còn lại đứng hai bên, tất cả nắm tay nhau vừa đi vừa đung đưa ra phía trước rồi ra sau theo nhịp bài đồng dao:

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà  bới bếp

Ù à ù ập

Ngồi xập xuống đây.

Đến câu “Ngồi xập xuống đây” thì tất cả cùng ngồi xổm một lát, rồi đứng dậy vừa đi vừa hát tiếp bài đồng dao. 

Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non: Dung dăng dung dẻ

Trò chơi dung dăng dung dẻ là một trong những trò chơi phổ biến ở các trường mầm non

6/ Mèo đuổi chuột

Lợi ích: Trò chơi này giúp bé vận động, rèn luyện sức khỏe.

Cách chơi:                                            

Trò chơi này càng đông càng vui, ít nhất là 5-7 người. Một trẻ được chọn làm mèo và một trẻ được chọn làm chuột. Tất cả đứng thành vòng tròn, mèo và chuột đứng vào giữa, quay lưng vào nhau. Mọi người quanh vòng tròn tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu rồi hát:

Mèo đuổi chuột

Mời bạn ra đây

Tay nắm chặt tay

Đứng thành vòng rộng

Chuột luồn lỗ hổng

Mèo chạy đằng sau

Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo

Co cẳng chạy theo, bắt mèo hóa chuột.

Khi những trẻ khác hát thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Nhưng mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo bắt được chuột thì mèo thắng, sau đó trẻ đổi vai mèo chuột cho nhau rồi chơi tiếp.

7/ Tập tầm vông

Lợi ích: Đây là một trò chơi dân gian cho trẻ mầm non giúp bé rèn luyện khả năng quan sát và phán đoán.

Cách thức chơi: Một bạn ngồi đối diện với các bạn còn lại, tay cầm một món đồ nhỏ, giấu ra sau lưng để không ai biết bạn cầm món đồ đó bằng tay nào. Bỏ món đồ đó vào một tay rồi nắm hai tay lại, đưa ra trước mặt các bạn còn lại, vừa xoay tay vừa  hát:

Tập tầm vông 

Tay không tay có 

Tập tầm vó

Tay có tay không

Tay nào không, 

Tay nào có

Tay nào có

Tay nào không? 

Cuối cùng, đưa tay ra để các bạn còn lại đoán xem món đồ nằm trong tay nào. Trò chơi lại được tiếp tục.

Độ tuổi: Thích hợp cho các bé từ 18 tháng.

 Theo Marrybaby

Leave a Reply

Or