Giúp con cai tật cắn móng tay

Căng thẳng và buồn chán là hai nguyên nhân chính làm cho người ta hay cắn móng tay. Ngoài ra, đây còn có thể là biểu hiện của một bệnh tâm lý nào đó.

Cắn móng tay là một thói quen thường hình thành trong khoảng thời gian thơ ấu. Các nghiên cứu ở các nước phương Tây nhận thấy rằng có khoảng 60% trẻ nhỏ và 45% các em ở tuổi teen mắc phải tật này. Và một khi nó đã trở thành một thói quen, nhiều em nhỏ và cả người lớn nữa, không hề nhận ra mình đang cắn móng tay.

Một cách để giảm lo lắng?

Quả thực vậy, thói quen này là cách để giải tỏa căng thẳng của rất nhiều người. Nó cũng là một cách giết thời gian khi chúng ta đang ở trong trạng thái buồn chán. Cô đơn, thất vọng cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng này. Tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCPD), thường biểu hiện bằng sự cầu toàn thái quá, chi tiết đến mức khó chịu cũng là một trong những vấn đề tâm lý gây ra chứng gặm móng tay. Việc gặm móng tay đến mức làm tổn thương những vùng da quanh móng cũng có thể là biểu hiện của hội chứng tự rạch tay.

Những tác động đến sức khỏe

Cả tinh thần lẫn thể chất đều có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen này. Cắn móng tay và da tay thường xuyên sẽ khiến tay bị đỏ và đau. Việc thường xuyên cắn móng tay còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và từ đôi tay, vi trùng có thể lây lan lên mặt, miệng… ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung.

Thói quen này còn làm hại răng, khiến răng yếu hơn và mọc lộn xộn hơn.

Hậu quả gặm móng tay

Giúp con từ bỏ thói quen không đẹp

Dù nhiều bạn nhỏ sẽ từ từ bỏ được tật gặm tay, bố mẹ tốt hơn nên bắt đầu can thiệp từ trước khi nó trở thành một thói quen.

  • Phủ móng tay với một loại hương vị nào đó khó ăn như vị đắng, vị cay… hoặc sơn màu khác thường sẽ giúp bé chú ý và không còn thích gặm móng tay nữa.
  • Cắt móng tay gọn gàng, nhờ đó bé không còn nhiều móng tay để mà cắn nữa.
  • Giúp bé giải tỏa sự căng thẳng bằng cách khác: Đọc sách, chơi trò chơi, tâm sự với bố mẹ…
  • Mang bao tay cho đến khi nào bé cảm thấy hết hứng thú với việc gặm móng tay.

Nếu tình trạng cắn móng tay không được cải thiện sau khi đã áp dụng hết các biện pháp trên, hoặc bé đã hình thành thói quen này trong thời gian dài, mẹ nên liên lạc với các bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn. Như đã nói ở trên, đây có thể là biểu hiện của các vấn đề rối loạn về tâm lý và cần được đánh giá, chữa trị một cách thấu đáo hơn.

Nguồn : marrybaby

Leave a Reply

Or