Giữa ổ dịch tả lợn Châu Phi: Chọn thịt lợn thế nào để an toàn cho cả nhà

Mặc dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi được khẳng định là không gây bệnh cho người nhưng vẫn cần lựa chọn đúng thịt lợn sạch, không bị bệnh và cần chế biến kỹ.

Tính đến ngày 10/3, trên cả nước đã có 13 tỉnh và thành phố có dịch tả lợn Châu Phi.

Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, tốc độ lây lan của dịch tả lợn này rất nhanh và phức tạp. Ban đầu, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng, số tỉnh, thành có dịch đã tăng hơn 6 lần. Hiện dịch bệnh đang xảy ra ở gần 540 hộ tại 118 xã của 33 huyện, số lợn mắc dịch bị tiêu hủy đã lên tới gần 12.000 con.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại Việt Nam, nhiều người dân lo ngại không dám ăn thịt lợn.

Theo PGS Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Dịch tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn… Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ”.

Nhận diện thịt lợn nhiếm dịch tả lợn Châu Phi

Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước… thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.

Giữa ổ dịch tả lợn Châu Phi: Chọn thịt lợn thế nào để an toàn cho cả nhà - ảnh 1

Nhận biết thịt lợn nhiếm dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh minh họa.

Thịt lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.

Vậy làm thế nào để mua được thịt lợn sạch, không bị nhiễm bệnh ở chợ truyền thống thông qua kiểm tra bằng mắt thường?

Giữa ổ dịch tả lợn Châu Phi: Chọn thịt lợn thế nào để an toàn cho cả nhà - ảnh 1

Chọn thịt lợn sạch theo hướng dẫn của chuyên gia trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Ảnh minh họa.

Thịt lợn sạch là không nuôi cám tăng trọng, không tồn dư thuốc kháng sinh, không nhiễm bệnh, được giết mổ đảm bảo vệ sinh, không chứa chất bảo quản.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng bán thịt đảm bảo các yêu cầu này. Đa phần các bà nội trợ vẫn có thói quen mua thịt lợn tại chợ cóc, chợ truyền thống và chọn thịt theo cảm quan bên ngoài.

Thời điểm này, chị em hãy nắm một số bí kíp nhận diện thịt lợn sạch để tránh mua nhầm thịt lợn bệnh về cho cả nhà ăn. Cụ thể:

Chọn thịt lợn sạch theo hướng dẫn của chuyên gia trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ảnh minh họa.

– Màu sắc: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.

– Độ săn chắc: Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Trong khi đó, lợn đã bị tiêm thuốc, miếng thịt thường nhão, không có sự đàn hồi.

– Khi chế biến: Thịt lợn ngon khi chế biến sẽ săn lại, khi tẩm ướp gia vị thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.

– Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.

– Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.

– Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.

– Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.

Ngoài các dấu hiệu nhận biết bằng cảm quan, để chọn mua được thịt lợn sạch, tươi ngon, người tiêu dùng lưu ý nên mua thịt ở các địa chỉ tin cậy như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy sạp đã được cơ quan thú ý kiểm dịch, không nên mua thịt giá rẻ, thịt bán dạo không rõ xuất xứ.

Cơ quan Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho công chúng, người tiêu dùng về việc tiêu thụ thịt lợn, cụ thể:

– Nấu chín thịt lợn trước khi ăn;

– Không tới thăm khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng;

– Khi thấy lợn chết, hãy báo cáo cho cán bộ thú y xã hoặc chính quyền địa phương;

– Không mang lợn hoặc các sản phẩm thịt lợn ra nước ngoài. Nếu mang ra, hãy khai báo hoặc hỏi các cơ quan chức năng trước để trách bị phạt.

Theo Eva

Leave a Reply

Or