Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ

Để phát triển chiều cao cho trẻ một cách tối ưu, bạn cần nắm rõ những thời điểm nào là thời điểm vàng để cơ thể tăng trưởng chiều cao một cách nhanh nhất.

Có ba giai đoạn cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì.

Trong giai đoạn 9 tháng mang thai, nếu người mẹ ăn uống tốt, tăng từ 10 – 25kg thì con sẽ đạt được chiều cao từ 50cm trở lên và có cân nặng khoảng 3kg lúc chào đời.

Trong 3 giai đoạn để phát triển chiều cao tối ưu, có thể nói giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao một cách mạnh mẽ nhất. Theo đó, trong 12 tháng đầu trẻ có thể tăng 25cm; ; 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.

Trong giai đoạn dậy thì (con gái từ 10 – 16 tuổi, con trai từ 12 – 18 tuổi) cơ thể sẽ có 1 – 2 năm chiều cao tăng vọt từ 8 – 12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm, tổng cộng số tăng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của thời kỳ dậy thì.

Tại sao trẻ em Việt Nam thấp hơn trẻ em nước khác?

Theo TS.BS Từ Ngữ (Phó chủ tịch – Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam) Có một điều đáng quan tâm là đa số trẻ em Việt Nam sinh ra với chiều dài trên 50cm, tức không khác biệt bao nhiêu so với chiều dài lúc sinh của trẻ em nước khác.

Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ

Những năm đầu đời, độ chênh lệch này cũng không nhiều. Thế nhưng từ khoảng 3 tuổi trở đi, khoảng cách chiều cao giữa trẻ em Việt Nam và trẻ em các quốc gia khác trên thế giới lại lớn dần. Đến độ tuổi trưởng thành, thanh niên Việt Nam thấp bé hẳn so với thanh niên các quốc gia khác trên thế giới.

Nhìn suốt “chặng đường” ấy, có thể thấy đây là kết quả do sự nuôi dưỡng và chăm sóc không phù hợp, làm mất tiềm năng chiều cao trên con đường trưởng thành của trẻ.

Cũng theo TS.BS Từ Ngữ, các bậc phụ huynh nên chú trọng đặc biệt đến giai đoạn 3-10 tuổi của trẻ, vì nhiều bậc cha mẹ cho rằng đây là giai đoạn “không quan trọng” nhưng kỳ thực, nó đóng vai trò quyết định đến 60% tiềm năng phát triển chiều cao ở trẻ.

Dinh dưỡng thế nào để phát triển chiều cao tối ưu?

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn dinh dưỡng, trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TP HCM, quan trọng nhất của việc tăng chiều cao là dinh dưỡng phù hợp, tức là phải cung cấp các chất dinh dưỡng đúng theo nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn phát triển.

Giai đoạn Nhũ nhi: Thời kỳ nhũ nhi cần được bú mẹ hoàn toàn, đến 6 tháng tuổi cho ăn bổ sung. Một ngày cho trẻ ăn 3 bữa ăn chính vào sáng, trưa, tối và thêm 2-3 bữa phụ vào giữa buổi sáng và sau giấc ngủ trưa để giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao hàng tháng đúng tiêu chuẩn. Thức ăn cần đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời phải phong phú chủng loại thực phẩm, tốt nhất nên có trên 20 loại thức ăn mỗi ngày.

Các chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng chiều cao gồm: chất đạm (protein) rất cần để cơ thể tăng trưởng và phát triển. Thức ăn chứa nhiều đạm là thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đậu nành.

Gia đoạn 3 – 10 tuổi: Giai đoạn này, năng lượng cung cấp cho trẻ phải đủ, phù hợp với lứa tuổi, không quá dư vì dễ dẫn tới béo phì, cũng không quá ít vì dễ đưa đến suy dinh dưỡng.

Bữa ăn của trẻ bao giờ cũng phải đầy đủ 4 nhóm: đạm – bột – béo – rau. Chất đạm nên chiếm khoảng 10-15% tổng năng lượng nói chung, tinh bột chiếm 60-65% và chất béo 10%.

Nên cho trẻ ăn đa dạng không kiêng khem, không ăn uống thiên lệch. Các vi chất cần thiết trong giai đoạn này gồm: Vitamin và khoáng chất có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Canxi có nhiều trong sữa, cua, ốc, tôm, tép, đậu nành và các loại rau, trong đó sữa là quan trọng nhất, canxi trong sữa dễ hấp thu do có vitamin D và phospho với tỷ lệ hợp lý. Ngoài ra, sữa còn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao, chứa đủ các acid amin thiết yếu.

Vitamin A vừa giúp phòng chống khô mắt, tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, vừa góp phần trong việc phát triển chiều cao, các thức ăn giàu vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt…

Sắt, kẽm cũng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chiều cao. Sắt có nhiều trong thức ăn động vật như gan, huyết, thịt, cá… và các loại đậu đỗ, rau dền. Kẽm có trong con hàu, gan heo, thịt bò, sữa, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành…

Giai đoạn dậy thì: Một ngày trẻ phải đảm bảo ăn được 2.200 – 2.400 calo, tức tương đương với lượng ăn của người trưởng thành,. Năng lượng là tiêu chuẩn để xác định ăn thiếu, đủ hay thừa. Năng lượng được tạo ra bởi các chất dinh dưỡng là đạm, béo, bột đường nên các chất này cần phải có một tỷ lệ hợp lý thì mới đạt hiệu quả tối ưu là vừa cung cấp năng lượng, vừa cung cấp chất dinh dưỡng cấu tạo nên cơ thể.

Trẻ dậy thì phát triển cơ bắp nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành. Chất đạm chiếm 14 – 15% năng lượng (70 – 80 g/ ngày). Lượng đạm lấy từ thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua, các loại đậu… (khoảng 200 – 300 g/ngày).

Vì đạm động vật nhiều chất sắt, là chất tạo máu nên khuyến khích trẻ ăn nhiều đạm động vật (đạm động vật nên chiếm trên 30% lượng đạm chung). Ví dụ, trẻ cần ăn 80 g đạm thì có thể ăn 150 g thịt hoặc cá, còn lại là ăn khoảng 200 g các chế phẩm từ sữa (yaourt), từ đậu (tàu hũ).
Chất béo là chất cung cấp năng lượng cao và là dung môi tăng hấp thu vitamin D (rất cần cho sự hấp thụ canxi) nên cần chiếm 20 – 25% (50 – 60 g/ngày). Chất béo no có trong thức ăn chứa đạm động vật còn chất béo chưa no thì phải bổ sung bằng dầu ăn và cá.

Bột đường là chất cung cấp năng lượng chính chiếm 60 – 70% năng lượng (300 – 400 g), là những thực phẩm giàu bột đường như gạo, bột mỳ, khoai củ… Nên chọn những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.

Ngoài ra, do tăng trưởng nhanh nên nhu cầu về vitamin và muối khoáng cũng rất cao như:

Canxi: mỗi ngày cần 1.000 – 1.200 mg. Canxi có nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa như pho-mai, yaourt hoặc trong những loại đậu, trong xương cá, cua đồng. Ít nhất một ngày cần uống 300 – 500 ml sữa. Thiếu canxi trẻ sẽ dễ bị “vọp bẻ”, loãng xương…

Sắt: mỗi ngày cần 18mg, trẻ gái cần hơn trẻ trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Sắt có nhiều trong thịt, cá, rau xanh (rau ngót, rau muống…). Thiếu sắt trẻ sẽ bị thiếu máu triệu chứng là mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ, da xanh…

I ốt: khoảng 15 mcg mỗi ngày. I ốt có nhiều trong hải sản và phải sử dụng muối i ốt khi nấu ăn. Thiếu i ốt trẻ sẽ bị bướu cổ, kém thông minh…

Các nhu cầu vitamin nhóm B, C, A, D, axit folic… cũng cao do tăng chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, cần phải ăn đa dạng thực phẩm và là những thực phẩm tươi càng ít qua chế biến thì càng ít mất chất dinh dưỡng. Lượng rau cần thiết trong ngày là 300 – 500g.

Để phát triển chiều cao một cách tối ưu, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần khuyến khích trẻ có lối sống năng động, tập thể dục thể thao thường xuyên. Ngủ đủ, ngủ sâu cũng làm hoóc môn tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn.

Theo dinhduong

15 thoughts on “Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ

Leave a Reply

Or