Giải đáp 8 thắc mắc phổ biến trong thai kỳ

Lần đầu làm mẹ, chắc hẳn bạn sẽ gặp phải vô vàn bối rối, nhất là khi mọi người xung quanh mỗi người “mách” một kiểu kinh nghiệm khác nhau. Nên làm gì khi mang thai cũng như cần tránh điều gì? Mẹ có thể tìm hiểu câu trả lời mình cần ngay trong bài viết dưới đây

Mang thai có được nhuộm tóc không? “Yêu” khi mang thai thế nào để an toàn cho cả mẹ và bé? Tập thể dục thế nào, ăn uống ra sao… là những thắc mắc thường gặp của những người lần đầu làm mẹ. MarryBaby giúp mẹ giải đáp nhé!

Giải đáp thắc mắc lần đầu làm mẹ

Lần đầu làm mẹ, bạn sẽ cảm thấy rất bối rối khi kinh nghiệm mọi người truyền lại thường không giống nhau

1/ Sử dụng đồ uống có cồn khi mang thai: Nên hay không?

Không chỉ rượu, bia, đồ uống có cồn các loại, các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế sử dụng các loại sản phẩm chứa chất kích thích để đảm bảo sự an toàn nhất cho thai nhi. Khi mẹ uống rượu, bia, chất cồn sẽ theo nhau thai đi vào máu của thai nhi. Tuy nồng độ bằng với độ cồn trong máu của mẹ nhưng bé cưng sẽ phải mất gấp đôi thời gian để thải đồ uống này ra ngoài. Hơn nữa, rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức y tế đã chứng minh: Uống rượu khi mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh cũng như làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu.

2/ Mang thai có nên ăn hải sản hay không?

Chứa một lượng canxi dồi dào, hải sản là thực phẩm không thể thiếu giúp mẹ và thai nhi có đủ lượng canxi cần thiết trong thai kỳ. Tuy nhiên, trong hải sản, nhất là những loại ở vùng nước sâu thường chứa nhiều thủy ngân, có thể gây ảnh hưởng tiêu cức đến sự phát triển của thai nhi.

Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu chỉ nên ăn một lượng hải sản vừa phải, không nên ăn quá nhiều. Đặc biệt, tránh các loại hải sản có nồng độ thủy ngân cao như: cá mập, cá kình, cá thu lớn, cá chẽm…

3/ Bà bầu có nên dưỡng da, trang điểm, sơn móng tay?

Dưỡng da và trang điểm sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, miễn là bạn cẩn thận. Hơn nữa, trong thời gian mang thai, sự thay đổi hoóc-môn có thể làm bạn trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều, dễ bị dị ứng với các loại mỹ phẩm. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chọn sản phẩm chăm sóc da, hoặc đồ trang điểm có nguồn gốc tự nhiên. Đặc biệt, tránh những sản phẩm có mùi gây khó chịu.

Những mẹ bầu có thói quen sơn móng tay, móng chân cũng nên cẩn thận. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự ảnh hưởng của phthalates, hợp chất chứa nhiều trong sơn móng tay đến sự phát triển trí thông minh của trẻ.

4/ Mang thai cần hạn chế vận động?

Đúng là khi mang thai, mẹ bầu nên tránh các loại hình vận động mạnh, nhưng điều này không có nghĩa bạn chỉ nằm yên và không vận động đâu nhé! Tập thể dục khi mang thai không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh, duy trì cân nặng hợp lý mà còn giúp quá trình sinh con diễn ra nhẹ nhàng hơn. Đồng thời, nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học Montreal, bà bầu tập thể dục sẽ giúp hỗ trợ sự phát triển trí não của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Chỉ những trường hợp đặc biệt có sự chỉ định của bác sĩ, bạn mới cần hạn chế vận động.

5/ Tắm có thể gây nguy hiểm?

Điều này chỉ đúng với những mẹ bầu thường xuyên ngâm mình trong bồn nước nóng. Bởi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên quá 38 độ C trong một thời gian dài có thể làm nhịp tim bạn tăng cao cũng như giảm tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp ô-xy cho thai nhi. Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể tăng cao trong 3 tháng đầu cũng làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Tốt nhất, nhiệt độ nước tắm chỉ nên khoảng 36 độ C, và không nên tắm quá lâu.

6/ Nhuộm tóc khi mang thai có ảnh hưởng?

Thực tế, chưa có một nghiên cứu chính thức nào chỉ ra tác hại của việc bà bầu nhuộm tóc, nhưng để đảm bảo an toàn, các chuyên gia vẫn khuyến cáo mẹ bầu nên chờ đến tam cá nguyệt thứ 2 nếu có ý định nhuộm tóc. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh không để thuốc nhuộm tiếp xúc trực tiếp với da đầu. Thông qua da, cơ thể sẽ hấp thu các hóa chất chứa trong thuốc nhuộm.

7/ Bà bầu đi máy bay có được không?

Đi máy bay không gây hại cho sự phát triển của thai nhi nhưng có thể làm mẹ bầu mệt mỏi hoặc cảm thấy buồn nôn. Với những mẹ bầu có sức khỏe tốt, bạn vẫn có thể trải nghiệm các chuyến bay, ngay cả khi ở tuần thứ 36 của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ quy định của các hãng hàng không để có sự chuẩn bị. Chẳng hạn, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sẽ không thực hiện chuyến bay với những mẹ bầu ở tuần cuối trước ngày dự sinh hoặc mẹ bầu ở tuần thứ 32 không có chứng nhận sức khỏe.

8/ Quan hệ khi mang thai: Khi nào cần nói “Không”?

Trái với lo lắng của hầu hết những người lần đầu làm mẹ, “yêu” khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Ngược lại, quan hệ khi mang thai còn mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe bà bầu, như gia tăng lưu lượng máu đến vùng chậu, cải thiện tâm trạng…

Tuy nhiên, những mẹ bầu nằm trong nhóm sau đây thường được các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế quan hệ để bảo đảm an toàn.

– Chảy máu âm đạo bất thường

– Bất thường với nhau thai: Nhau tiền đạo, nhau bám thấp, nhau bong non…

– Cổ tử cung hở

– Có tiền sử sảy thai, sinh non

– Mẹ bầu bị viêm nhiễm phụ khoa

Theo Marrybaby

Leave a Reply

Or