Ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2018

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2018

Theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho gần 90 ca mắc sởi, thủy đậu, trong đó, ghi nhận 1 ca tử vong do sởi là bé trai N.K. (sinh năm 2014, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Đây cũng là trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2018 mà Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận.

Ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2018 - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho gần 90 ca mắc sởi, thủy đậu.

Ngoài ra, chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 ca mắc cúm vào điều trị nội trú.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga (Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi trung ương) cảnh báo, người dân vẫn cho rằng bệnh ho gà, thủy đậu, cúm hay sởi là các căn bệnh thông thường, lành tính nên chủ quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biến chứng viêm não , biến chứng vào nội tạng là điều có thể xảy ra. Không chỉ những bệnh nhân có nền thể trạng không tốt, bất thường, mà những người có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể gặp biến chứng với diễn tiến bất ngờ.Virus gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.

Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ được hiểu là, một em bé bị sởi, kèm theo ho hoặc sốt mà xuất hiện nhịp thở nhanh hơn những ngày thường.

Ngoài ra, biến chứng viêm não có thể xuất hiện khi sởi đã bay hết nên cha mẹ lại chủ quan. Biến chứng càng nặng nề khi trẻ nhỏ tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thể trạng yếu.

Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella). Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Khi thấy triệu chứng của các bệnh này, bệnh nhân cần được đưa đi khám sớm, theo dõi cẩn thận.

Ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh sởi trong năm 2018 - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất. Ảnh MT

Chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh sởi tại nhà

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ. Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.

Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.

Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ. Cắt móng tay tránh gãi làm xước da.

Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần. Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.

Tránh tối đa việc dụi mắt,mũi, vệ sinh đường mũi.

Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)

Cách chế biến thức ăn: Mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biên theo khẩu vị người bệnh.

Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.

Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.

Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.

 M. Tuyết / Theo Helino

Leave a Reply

Or