Dược sĩ Việt tại Canada liệt kê những dấu hiệu cần đi khám ngay hoặc cấp cứu

9 năm làm việc trong ngành dược tại Việt Nam và Canada, Thu Trang mong muốn cung cấp thông tin cơ bản giúp mọi người nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe.

Tốt nghiệp trường Đại học Y dược TP HCM, dược sĩ Phạm Trần Thu Trang đã có một thời gian làm việc tại Việt Nam trước khi chuyển sang định cư và tiếp tục công tác ở Canada. Tính đến nay, chị đã có 9 năm hoạt động trong ngành dược tại cả hai quốc gia. Thu Trang hiện là dược sĩ được cấp phép hành nghề lâm sàng (registered pharmacist) tại thành phố Calgary, tỉnh Alberta, Canada và thường xuyên có những bài viết về chăm sóc sức khỏe, được mọi người quan tâm. 

Với vai trò phụ trách chăm sóc sức khoẻ ban đầu (primary care), dược sĩ tại Canada được đào tạo và sử dụng Hướng dẫn từ Hiệp hội Dược sĩ Canada để đặt câu hỏi sàng lọc mức độ bệnh (triage), các dấu hiệu cảnh báo (red flags) cho từng loại bệnh hay triệu chứng thường gặp. Từ đó đưa ra hướng dẫn dùng thuốc không kê đơn, cách theo dõi, tự chăm sóc tại nhà hay hướng dẫn người bệnh biết khi nào cần đi khám hay nhập viện khẩn cấp. 

Phạm Trần Thu Trang chia sẻ bài viết về 11 nhóm dấu hiệu cho thấy bạn cần đi khám ngay hoặc cấp cứu với mong muốn cung cấp thông tin cơ bản, hữu ích, giúp nâng cao ý thức tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Dưới đây là bài viết của chị!

Ở Canada, dược sĩ là nghề có bảo hộ (registered title), không phải ai có bằng dược sĩ đều được phép hành nghề mà phải đăng ký với tỉnh/bang được cấp giấy phép. Khi qua tỉnh khác, dược sĩ phải đăng ký lại với tỉnh đó. Kể cả là tiến sĩ dược hay giảng viên dược mà không có bảo hộ thì cũng không được làm lâm sàng trong bệnh viện, nhà thuốc. Muốn giữ sự bảo hộ này, dược sĩ phải đảm bảo số giờ làm tối thiểu trong năm. Khi chuyển từ Việt Nam sang, Thu Trang cũng phải trải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt này.

Ở Canada, dược sĩ là nghề có bảo hộ (registered title), không phải ai có bằng dược sĩ đều được phép hành nghề mà phải đăng ký với tỉnh/bang được cấp giấy phép. Khi qua tỉnh khác, dược sĩ phải đăng ký lại với tỉnh đó. Kể cả là tiến sĩ dược hay giảng viên dược mà không có bảo hộ thì cũng không được làm lâm sàng trong bệnh viện, nhà thuốc. Muốn giữ sự bảo hộ này, dược sĩ phải đảm bảo số giờ làm tối thiểu trong năm. Khi chuyển từ Việt Nam sang, Thu Trang cũng phải trải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt này.

Trong chăm sóc sức khoẻ hằng ngày, bản thân chúng ta hoặc người nhà trải qua các triệu chứng, đôi khi rất căn bản như mẩn ngứa, đau đầu, sốt, đau bụng… đó có thể là bệnh đơn giản, lành tính, có thể tự điều trị với thuốc không kê đơn (Over The Counter – OTC) và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, khi có thêm các dấu hiệu khác đi kèm lại có thể là những tình huống cần đi khám ngay hoặc cấp cứu khẩn cấp. Triệu chứng ban đầu có thể ở mức thoáng qua hoặc chịu đựng được, khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua.

Như vậy, để chủ động bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, mọi người cần:

Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng. Khi nào cần gặp bác sĩ ngay lập tức, thậm chí cấp cứu?

Khi đi khám hay nhập viện, cần khai thông tin gì?

Nên khám ở đâu hoặc chuyên khoa nào?

Bài viết này nhằm giúp mọi người nhận thức được 15 tình trạng y khoa khẩn cấp (Medical Emergency), còn gọi là tình huống “Mạng  sống hay chân tay” (Life – or – Limb). Bởi các tình huống này có thể nguy hiểm tính mạng hoặc gây tổn thương, di chứng hoặc thương tật vĩnh viễn. 

– Cần đi khám ngay lập tức hoặc cấp cứu. Tuyệt đối không được trì hoãn dù chỉ vài giờ hay tự điều trị.

– Khác với các dấu hiệu cảnh báo cần khám ngay nhưng không khẩn cấp (ví dụ, dấu hiệu ung thư).

Tuy nhiên, xin lưu ý:

– Việc hướng dẫn nhằm giúp mọi người cảnh giác, chủ động và không trì hoãn đi khám. Không nên tự suy đoán gây lo lắng không cần thiết. Càng không tự chẩn đoán hay điều trị. 

– Các dấu hiệu chỉ mang tính gợi ý, nhưng bắt buộc phải do bác sĩ trực tiếp thăm khám để có kết luận chính xác.

1. Mẩn ngứa, mề đay mà kèm:

– Xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn thức ăn lạ, uống thuốc, côn trùng đốt (vẫn có thể xảy ra với đồ ăn, thuốc đã dùng trước đây)

– Phù môi, lưỡi, cổ

– ️Khó thở***

– ️Tụt huyết áp***

– ️Đau bụng, nôn mửa*** (đặc biệt khi dị ứng côn trùng mà có triệu chứng này thì có thể là sốc phản vệ)

– Đôi khi triệu chứng giảm nhưng lại tăng nặng sau 12 giờ (pha muộn của sốc phản vệ)

Đây là các triệu chứng dị ứng hay còn gọi phản ứng quá mẫn tuýp 1 (có 4 tuýp dị ứng khác nhau). Triệu chứng có thể nhẹ và tự hết sau khi ngưng tiếp xúc chất gây dị ứng, khiến người bệnh chủ quan bỏ qua. Tuy nhiên, loại dị ứng này có thể chỉ trong vòng vài phút hoặc vài giờ chuyển sang dạng nặng gọi là sốc phản vệ, là tình huống cấp cứu y khoa rất nguy hiểm. Cần đi khám ngay và bác sỹ có thể cho dùng thuốc chống dị ứng. Đặc biệt khi có các dấu hiệu *** thì cần gọi ngay cấp cứu. Ghi chú: Nếu dị ứng sau khi tiếp xúc tới vài ngày thì có thể không phải dị ứng tuýp 1/sốc phản vệ.

2. Sốt cao, nếu kèm:

– ️Cứng cổ, khó quay đầu hay cúi gập

– ️Đau đầu kèm nôn ói

– Mệt mỏi quá mức

– ️Co giật

– Có thể lơ mơ, hôn mê

Có thể là bệnh viêm màng não (meningitis), đặc biệt khi có cứng cổ và đau đầu, nôn ói. Cần đi khám ngay để bác sĩ cho làm xét nghiệm máu hoặc dịch não tuỷ. Nếu có viêm màng não thì người bệnh sẽ cần điều trị cách ly, đồng thời người tiếp xúc gần (cùng nhà, trường học, nhà trẻ) trong vòng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng có thể tăng tới 100 lần nguy cơ mắc bệnh. Do đó tránh tiếp xúc gần và những người tiếp xúc gần có thể cũng cần điều trị dự phòng trong vòng 24h từ khi xác định được người nhiễm bệnh (Theo Compendium of Theraputic Choice của Hiệp hội Dược Sĩ Canada).

Sốt cao kèm:

– ️Đang dùng các thuốc chống loạn thần, an thần, trầm cảm 

– Bồn chồn, bứt rứt

– ️Nhịp tim nhanh

– ️Thay đổi huyết áp

– ️Rối loạn vận động cơ (giật giật cơ, cơ không phối hợp bình thường)

Có thể là hội chứng Serotonin Syndrome. Hội chứng điển hình này hay gặp ở các thuốc tác động lên chất dẫn truyền thần kinh là serotonin, như thuốc chống loạn thần/trầm cảm, có thể diễn tiến nặng gây nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt nếu dùng chung một số thuốc phổ biến như: thuốc ho (chứa dextromethorphan), thuốc đau nửa đầu migraine (thuốc có đuôi .triptan như sumatriptan, rizatriptan), thuốc chống nôn (ví dụ: ondansentron, metoclopramide), thuốc giảm đau (tramadol), giảm đau gây nghiện opioid (fentanyl, meperidine, pentazocine)… Do không có cách chẩn đoán chuyên biệt nên việc khai thật kỹ lịch sử dùng thuốc, đồng thời nhận biết triệu chứng và các thuốc liên quan hội chứng này rất quan trọng.

Sốt có kèm:

– ️Ho kéo dài, đặc biệt ho có đờm

– ️Thở khò khè, khó thở

– ️Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc người trên 65 tuổi

– Lưu ý hơn khi có bệnh tiểu đường, đang hoá trị hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch; bệnh suy tim hoặc bệnh về hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Đi khám ngay để loại trừ viêm phổi. Viêm phổi có thể triệu chứng ban đầu giống viêm họng/viêm phế quản thông thường. Đôi khi triệu chứng không điển hình, đặc biệt trẻ nhỏ có thể không có biểu hiện viêm. Bạn có thể được điều trị ngoại trú nếu tình trạng nhẹ, nhưng đôi khi diễn tiến rất nhanh. Không nên tự ý dùng thuốc cảm có chứa chất ức chế phản xạ ho như dextromethorphan hay codein, vì sẽ khiến đàm nhớt bị lưu giữ lại. Luôn cần theo dõi, để ý sát sao và đi khám ngay, đặc biệt với trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Trẻ em và người già là hai đối tượng thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe.

Trẻ em và người già là hai đối tượng thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Ảnh minh họa: Raisingchildren.

3. Trẻ sơ sinh bị vàng da mà có:

– ️Ngủ nhiều bất thường

– ️Có vẻ lơ mơ, mệt mỏi

– Bú kém

– Vàng da nhiều và toàn thân (mắt, lòng bàn tay chân, bụng)

– Vàng da không hết 1-2 tuần sau sinh

– Đặc biệt lưu ý với trẻ sinh non

– Hoặc bất cứ dấu hiệu nào ba mẹ cảm thấy lo ngại như sốt, khóc nhiều, co giật, phân bạc màu…

Đưa trẻ đi khám ngay vì vàng da bệnh lý (khác vàng da sinh lý vốn khá phổ biến ở trẻ sơ sinh) có thể gây tổn thương não, co giật, hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

4. Tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ mà kèm dấu hiệu mất nước như:

– ️Mắt trũng, thâm

– ️Môi, da, niêm mạc khô

– ️Khóc không nước mắt

– ️Giảm đi tiểu (hoặc giảm số tã thay ở trẻ)

– ️Da mất đàn hồi, ấn lõm lâu không trở về hình dạng ban đầu

Cần bù dịch Oresol, tăng cường cho trẻ bú hoặc uống nước và đưa trẻ đi khám ngay. Cần biết rằng bên cạnh bệnh hô hấp/viêm phổi, tiêu chảy là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Ba mẹ cần lưu ý dấu hiệu mất nước khi trẻ có tiêu chảy hay nôn ói.

5. Đau đầu mà kèm:

– ️Xảy ra đột ngột, trong vòng vài giờ

– ️Nhìn thấy ánh sáng chói, thấy quầng sáng quanh vật thể, hoặc cầu vồng; kéo dài tương đối (20-30 phút)

– ️Đau nhức mắt một hoặc hai bên, cảm giác có áp lực bên trong

– ️Nhìn mờ

– ️Buồn nôn

– Đặc biệt nếu có tiền sử tăng nhãn áp (glaucoma)

Có thể là triệu chứng tăng nhãn áp góc hẹp cấp tính (Acute angle-closure glaucoma). Glaucoma, hay còn gọi là cườm nước, là bệnh mạn tính, có thể diễn tiến âm thầm không triệu chứng, khó nhận biết và dễ bị bỏ qua; thường hiện muộn thì thần kinh thị giác đã bị tổn thương không phục hồi, dẫn tới giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Đặc biệt, thể cấp tính có thể gây mất thị giác vĩnh viễn chỉ trong vòng 1-2 ngày, là tình huống cấp cứu khẩn cấp.

Do đó, việc phát hiện sớm rất quan trọng. Người trên 40 tuổi nên bắt đầu tầm soát mắt. Nhiều thuốc thông dụng có đặc tính gọi là anticholinergic như: thuốc cảm cúm (có thành phần antihistamine), chống nôn (dimenhydrinate), thuốc kháng viêm corticosteroid, an thần/chống loạn thần trầm cảm, thuốc giãn cơ trong đau nhức cơ… có thể làm nặng hoặc khởi phát tình trạng glaucoma. Cần báo thật kỹ với bác sĩ tất cả thuốc đang dùng. Nên khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay lập tức, không trì hoãn dù chỉ vài giờ. Sau đó, có thể khám thêm bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để loại trừ các bệnh có triệu chứng tương tự.

6. Sưng phù, đau tức chân, kèm:

– ️Xảy ra đột ngột

– Cảm giác đau nặng chân

– Đỏ hoặc thay đổi màu da

– Sờ vào thấy ấm

– ️Sau chuyến bay dài, ví dụ trên 16 tiếng

– ️Tiền sử bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, hút thuốc, dùng thuốc tránh thai hoặc hormone nội tiết nữ

– ️Sau phẫu thuật khớp gối, háng hoặc chấn thương chi dưới

Có thể là huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis – DVT). Đây cũng là một tình huống cấp cứu y khoa. Vì huyết khối có thể thuyên tắc lên phổi (Pulmonary Embolism) gây triệu chứng: đột ngột khó thở, đau ngực, đau khi thở, ho ra máu, nhịp tim nhanh bất thường… rất nguy hiểm.

7. Có các dấu hiệu đột quỵ:

Yêu cầu người bệnh thực hiện ba động tác NCG:

– ️Nói: Nói ngọng, khó nói, líu chữ bất thường, lú lẫn đột ngột. Không thể hiểu hoặc diễn đạt câu đơn giản

– ️Cười: Mặt bị méo một bên

– ️Giơ hai tay lên: Không thể giơ đều hai tay, dấu hiệu liệt nửa người

– Tiền sử có: Tăng huyết áp, loạn nhịp tim (arrhythmia), hút thuốc, cao mỡ máu

Gọi cấp cứu ngay lập tức tới nơi có trung tâm/chuyên khoa cấp cứu đột quỵ gần nhất như Bệnh viện 115 ở Sài Gòn hoặc Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội. Thời gian vàng để điều trị hiện nay có thể mở rộng lên đến 4,5 – 6h giờ đầu, thay vì 3 – 4 giờ như trước đây. “Thời gian là não” (Time is brain) nên càng sớm càng có cơ hội cao cứu sống tế bào não và tránh được di chứng.

8. Đau tức ngực mà kèm: 

– Tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, cao mỡ máu, bệnh mạch vành (Coronary Artery Disease – CAD), đau thắt ngực ổn định (stable angina)

– ️Xảy ra ngay cả lúc nghỉ

– ️Kéo dài trên 30 phút

– ️Ngồi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin ngậm/xịt (thuốc trị đau thắt ngực nếu đã được chẩn đoán trước đó) mà không đỡ sau 5 phút

– Đau thắt như bị bóp nghẹt hay dao đâm

– Đau phía sau lồng ngực, lan lên vai, hàm, cánh tay ra sau lưng

Có thể là cơn nhồi máu cơ tim (NMCT). Thực ra các triệu chứng này thuộc khái niệm rộng hơn gọi là Hội chứng mạch vành cấp (Acute Coronary Syndrome-ACS). Nguy cơ tử vong của NMCT rất cao so với đột quỵ, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong lúc chờ, không được dùng thuốc giảm đau như paracetamol hay Ibuprofen. Chỉ được dùng 2 viên aspirin 81mg loại nhai ngay lập tức, với điều kiện biết rõ về bệnh và được bác sĩ dặn trước đó.

Lưu ý: Với các bệnh tim mạch, tiền sử dùng thuốc rất quan trọng, vì nhiều thuốc thường dùng như: thuốc tránh thai, thuốc giảm đau kháng viêm nhóm NSAID (ví dụ: ibuprofen, meloxicam)… có liên quan tới việc tăng các nguy cơ tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, một số thuốc dùng trong tăng huyết áp phổi, rối loạn cương dương ở nam giới, phì đại tuyến tiền liệt (sildenafil, tadalafil) hay thuốc có đặc tính chống đông, tăng chảy máu (ví dụ: aspirin) cũng như lần dùng cuối cần khai rõ vì có thể liên quan đến hướng xử trí của bác sĩ.

9. Bệnh nhân tiểu đường có triệu chứng:

– Vã mồ hôi lạnh

– Run rẩy, mệt mỏi

– Cảm giác đói

– ️Đặc biệt khi dùng thuốc chích như insulin, hoặc nhóm Sulfonyureas (SUs) như: glyburide, gliclazide, glimepiride.

– ️Đôi khi xảy ra lúc đang ngủ gây nguy hiểm. Nên đặc biệt lưu ý khi có triệu chứng vã mồ hôi, ác mộng. 

Triệu chứng tụt đường huyết. Quy tắc 15-15, tức ăn hoặc uống 15g đường, tương đương 1 cốc nước trái cây (không dùng loại ăn kiêng), hoặc 1 muỗng canh (3 muỗng cafe) đường/mật ong hoặc kẹo. Lặp lại sau 15 phút nếu cần. Vẫn không đỡ thì đưa đi bệnh viện ngay. Trẻ nhỏ cần lượng đường ít hơn từ 6-10g. Tuân thủ nguyên tắc 15-15 để tránh dùng quá nhiều gây tăng vọt đường huyết. Tránh dùng đường kèm chất béo như chocolate làm giảm hấp thu đường (Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ – ADA và Hội đái tháo đường Canada – DC). Người bệnh cần lưu ý việc sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều, đồng thời thảo luận với bác sĩ để điều chỉnh trị liệu phù hợp, nhất là khi có sử dụng insulin.

Bệnh nhân tiểu đường có triệu chứng:

– ️Hơi thở có mùi trái cây

– ️Đặc biệt trong những ngày ốm hoặc có nhiễm trùng, tiêu chảy hoặc nôn ói tới mức không ăn uống được

– ️Đường huyết tự đo cao trên 13 mmol/l và thử thấy xê-tôn (ketone) trong nước tiểu

– Nặng hơn có thể lơ mơ và hôn mê

Triệu chứng tăng đường huyết quá mức (hyperglycemia), ngược với tình trạng tụt đường huyết (hypoglycemia). Nguy hiểm vì đường quá cao dẫn tới tình trạng gọi là nhiễm toan tiểu đường – ketoacidosis có thể gây tử vong nếu không trị kịp thời. Cần đi bệnh viện hoặc cấp cứu ngay lập tức.

10. Choáng váng, nhợt nhạt, kèm:

– ️Nôn ra dịch màu nâu như cà phê hoặc đỏ tươi

– ️Phân đen bất thường. Có thể xuất hiện vài ngày trước đó (Lưu ý: Nếu đang uống sắt thì phân đen là bình thường). Hoặc đại tiện ra máu tươi, nhiều.

– Tức ngực, đau bụng

– ️Mạch nhanh, tụt huyết áp, bất tỉnh

– Tiền sử viêm loét dạ dày hoặc đang dùng thuốc loãng máu

Có thể có xuất huyết tiêu hoá. Nguy cơ cao ở người lớn tuổi; đang dùng các thuốc giảm đau không corticosteroid (NSAID) nhiều loại rất thông dụng như ibuprofen, naroxen, meloxicam… hoặc corticosteroid đường uống, thuốc an thần/trầm cảm nhóm SSRI/SNRI.

Đặc biệt khi phải dùng dài ngày như trong điều trị đau khớp thoái hoá mạn tính hay bệnh Gút ở người lớn tuổi, cần khai báo kỹ lịch sử dùng thuốc với bác sĩ. Xuất huyết tiêu hoá không phải là bệnh, mà là triệu chứng của các căn nguyên bệnh khác mà bác sĩ sẽ kiểm tra thêm sau đó.

11. Đau bụng mà:

– ️Bắt đầu với hiện tượng chán ăn (dấu hiệu quan trọng cần nói rõ cho bác sĩỹ)

– Đau ở vùng bụng giữa, sau đó (1 đến 12 giờ) di chuyển sang góc bụng dưới bên phải. Cơn đau thường là liên tục và co thắt thành từng đợt

–  Đau hơn khi di chuyển và ho

– Vị trí cơn đau có thể khác nhau, tùy thuộc vào vị trí ruột thừa.

– Buồn nôn, ói mửa

Đi khám ngay loại trừ viêm ruột thừa cấp tính

Đau bụng mà:

– ️Xuất hiện đột ngột sau bữa ăn, đặc biệt bữa ăn thịnh soạn, dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu

– Phía bụng trên

– Đau lan ra sau lưng

– Đau nặng hơn sau khi ăn

– Tiền sử cao mỡ máu, đặc biệt nếu chỉ số triglyceride (TG) cao

Có thể là viêm tuỵ cấp (pancreatitis). Trường hợp nhẹ có thể tự hết, nhưng diễn tiến nặng có thể gây tử vong. Một số thuốc cũng có thể có tác dụng phụ gây viêm tuỵ như: kháng sinh ceftriazone, thuốc tiểu đường nhóm DPP-4 (Onglyza, Trajenta, Januvia) hoặc nhóm chích GLP-1 (Trulicity, Victoza), thuốc lợi tiểu… cần khai kỹ tiền sử dùng thuốc cho bác sĩ.

Lưu ý: Để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác, người bệnh cần chủ động:

– Khai bệnh càng chi tiết càng tốt. Sốt, đau đầu, đau bụng là các triệu chứng không điển hình, có thể gặp ở rất nhiều bệnh. Cần mô tả thật chi tiết như vị trí đau, thời điểm xuất hiện, kiểu đau (đau quặn, từng cơn…), mức độ đau, tiền sử bệnh và thuốc, yếu tố gây khởi phát…

– Khai kỹ lịch sử dùng thuốc: Thuốc đang dùng? Thuốc mới bắt đầu/mới ngưng dùng gần đây? Có tự tăng/giảm liều hay quên thuốc? Có ngưng đột ngột?

– Lưu các chỉ số huyết áp, đường huyết, chức năng gan thận, tiền sử bệnh, thuốc đang dùng, nhóm máu. Hướng dẫn người nhà biết cách đưa ngay bác sĩ khi cần.

Dược sĩ Phạm Trần Thu Trang

Theo Ngoisao

 
 

Leave a Reply

Or