Đừng vội dùng thuốc, hãy để con “chiến đấu” hết mình khi bị ốm!

Đồng nghiệp của tôi, một chị 35 tuổi, 2 con. Mỗi khi con ốm, là cả phòng như muốn phát sốt theo chị.

Mỗi lần con ốm là chị gọi điện về nhà xem con bé còn sốt không, có ăn được không, chị gọi cho bác sĩ, hỏi có thuốc gì khác nhanh hơn không, chị lùng sục trên mạng, xem có đứa trẻ nào sốt cao liên tục 3 ngày mà chỉ uống thuốc hạ sốt… Tôi không hiểu được, thậm chí nhiều khi cảm thấy khó chịu với chị, cho đến khi tôi làm mẹ.

Tôi bị hội chứng thuốc

Thật hiếm bà mẹ nào có thể bình tĩnh khi con bị bệnh. Lo lắng, dằn vặt, hoang mang, mệt mỏi… tôi ước ao mình mình có thể đau ốm, ho sốt thay con. Từ môi trường vô trùng và an toàn nhất là bụng mẹ, bé yếu ớt nhập cuộc với môi trường mới, bụi bặm, ô nhiễm, nóng lạnh thất thường. Em bé rất dễ nhiễm bệnh. Sổ mũi ròng ròng, có khi nước mũi xanh lè tanh lòm, ho xé ruột, rồi ói như cầu vồng, sốt cao tới 39, 40 độ, tiếng khở khò khè như viêm phổi, viên aminđan, viêm phế quản… rồi có khi tiêu chảy tới chục lần một ngày…

Mother Taking Son's Temperature
Khi con ốm, mẹ chỉ cần bình tĩnh để trao cho con cơ hội “chiến đấu”, đó mới là điều tốt hơn cho sức khỏe của con! (Ảnh minh họa)

Cũng như mọi bà mẹ khác, tôi nghe như ruột mình thắt lại. Những hậu quả xấu ám ảnh trong đầu tôi. Tôi dỗ dành, tôi ép uổng miễn sao con ăn được vài muỗng cháo, rồi bé ho một cái, ói hết! Quần áo, ga giường, gối nệm tanh nồng, chua lòm.

Người thì bảo… kệ rồi nó khỏi. Người thì bảo “phải dập ngay từ đầu bằng thuốc kháng sinh mạnh. Không dập ngay thì mai mốt nó sẽ nặng lên khổ lắm, hoặc rồi nó dai dẳng thành bệnh mãn tính!”… Tôi rối như mớ bòng bong.

Tôi nghỉ làm, vác con đi bác sĩ. Có bác sĩ kê đơn thuốc nhẹ, hết mấy tuần không khỏi bệnh. Có bác sĩ thì bảo, họ chẳng nghe thấy “có vấn đề” gì trong phổi con tôi cả, chẳng qua để điều hòa thổi mạnh quá khi ngủ mà không buộc cho con cái khăn ở cổ. Có bác sĩ kê ngay kháng sinh khá nặng.

Và rồi tôi cũng như mọi bà mẹ Việt Nam khác, thay vì đem con đi bác sĩ, thì tự rút kinh nghiệm, rồi cho con uống thuốc: Trên 38,5độ là đặt thuốc hạ sốt, húng hắng ho là tống ngay thuốc ho, long đàm để chặn trước. Ho trên 1 tuần là tôi có trong tay cả vốc thuốc kháng sinh…

Cho đến một lần, khi tôi đi mua thuốc, hỏi chị bán hàng: Chị cho em một lọ kháng sinh abc. Một chị khác, chừng cũng có con nhỏ thốt lên hỏi tôi: “Con bao nhiêu tuổi mà cho thuốc nặng thế?” thì tôi chột dạ…

Nhưng thuốc không phải chiếc chìa khóa vạn năng

Mẹ nào cũng thương con và lo cho con. Nhưng nếu dựa vào thuốc nhiều quá thì đó là mối nguy hiểm cho chính con mình.

Một lần, đưa con đến khám ở một bác sỹ có tâm, tôi nhận được lời khuyên: “Thuốc không mang lại sức khỏe! Bạn đừng can thiệp bằng thuốc sớm quá. Uống thuốc, dù đúng liều, đúng bệnh chăng nữa, cũng không hoàn toàn tốt. Khi bạn “can thiệp” sớm bằng thuốc là bạn đã làm giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của con. Giảm khả năng miễn dịch tức là giảm khả năng chống chọi với bệnh tật la liệt ngoài cuộc sống sau này”.

Cứ tưởng tượng thế này, con chúng ta vừa bước vào một trận chiến, chưa đánh đấm được gì, chưa hiểu tương quan lực lượng giữa ta với địch là thế nào, chúng ta đã vội mang quân tới tiếp viện, trang bị toàn vũ khí hạng nặng. Thế là, trận chiến này con chúng ta sẽ thắng vì có mẹ giúp sức, nhưng trên cả cuộc chiến suốt đời người thì chính chúng ta đã tước đi của con cơ hội được luyện tập, được chiến đấu với virut, với bệnh tật.

Hơn nữa, thuốc nào cũng có những tác dụng phụ. Hãy thử đọc tờ hướng dẫn sử dụng dài dằng dặc mà xem, tác dụng phụ nào nghe cũng nguy hiểm cả. Ngay cả những loại thuốc đông y, không ghi tác dụng phụ, cũng không hẳn là không có tác dụng phụ đâu. (Là một bà mẹ 7x hay 8x, rất có khả năng bạn cũng đang buồn rầu vì hàm răng xỉn màu do ngày nhỏ bạn bị uống nhiều thuốc đó thôi).

Tốt nhất là tìm được một thầy thuốc thực sự có tài, tâm, nếu xác định được những bệnh này do virus thì cứ để con tự “chiến đấu” thêm một thời gian, rồi xem tình hình thế nào, nếu con có vẻ thua cuộc, khi đó bạn và thuốc hãy tới ứng cứu.

Bạn từng nghe những nguy hiểm nếu cơ thể bị suy giảm khả năng miễn dịch. Tại sao cùng hội đá bóng trong một cơn mưa mà có bạn ngày mai vẫn đi học ngon lành, có bạn sụt sụt cảm nguyên một tuần? Tại sao trong chuyến đi picnic, có bé đạp gai góc cũng vô tư còn con chỉ cần muỗi đốt, hay trầy xước tí teo mà cũng bị làm mủ hoài không khỏi? Đó chính là khả năng miễn dịch cuả mỗi người khác nhau.

Cuộc đời còn rất dài phía trước, tôi và các bà mẹ khác, cần kiên nhẫn, và cũng tập cho các con kiên nhẫn, rèn luyện hệ miễn dịch tự nhiên để có đủ sức chiến thắng các thể loại virus sau này.

Theo Afamily

29 thoughts on “Đừng vội dùng thuốc, hãy để con “chiến đấu” hết mình khi bị ốm!

Leave a Reply

Or