Đừng ham sinh con to bởi trẻ sơ sinh nặng cân không hề khỏe mạnh như mọi người vẫn nghĩ

Người Việt Nam luôn có quan điểm cho rằng, trẻ sơ sinh nặng cân và béo là những đứa trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, sự thực lại hoàn toàn khác, các chuyên gia cho rằng, những đứa trẻ sơ sinh thừa cân, béo phì lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật hơn những đứa trẻ có cân nặng đạt chuẩn.

Mới đây, thông tin về một bé trai sơ sinh nặng 7,1 kg ra đời ở Bệnh Viện Đa khoa huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã khiến nhiều người quan tâm.

Theo VnExpress thông tin, tính đến nay, đây là trường hợp bé sơ sinh nặng cân nhất cả nước. Cách đây 9 năm, kỷ lục bé sơ sinh nặng nhất là bé gái ở Gia Lai, với cân nặng gần 7 kg. Năm 2006, một bé gái ở Đà Nẵng ra đời với trọng lượng 6,5 kg. Năm 2014, một sản phụ ở Quảng Nam nặng 102 kg cũng đã cho ra đời một bé sinh nặng 6,5 kg. Gần đây nhất, vào năm 2016, một bé trai nặng 5,1 kg cũng được ra đời ở Quảng Nam.

Bé trai nặng 7,1 kg được sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Tuổi Trẻ Online.

So với cân nặng chuẩn của một em bé khi chào đời là 3 kg thì hầu hết các trường hợp kể trên đều là vượt cân nặng quá mức bình thường. Các chuyên gia cho rằng, việc trẻ sơ sinh vượt cân quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại tới sức khỏe của cả sản phụ và bé sơ sinh.

Trẻ sơ sinh thừa cân dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm

Bệnh tiểu đường

Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh nặng hơn 3,8 kg thường trông rất bụ bẫm, khỏe mạnh những thực chất những em bé này lại rất dễ bị hạ đường huyết sau khi sinh. Bởi trong quá trình mang thai, nồng độ insulin ở cơ thể người mẹ rất cao, nên khi sống trong bụng mẹ bé đã quen với môi trường này, chính vì vậy, khi ra ngoài bé sẽ chưa thể thích nghi kịp. Hiện tượng này sẽ kéo theo một loạt các hiện tượng các như suy hô hấp, khó thở, suy tuần hoàn, suy tim, thân nhiệt giảm…

Chưa kể, khi lớn lên, những đứa trẻ sơ sinh thừa cân có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường cao hơn gấp 2 lần những đứa trẻ sinh ra với cân nặng bình thường. Đây là căn bệnh đáng sợ phá hủy mọi cơ quan trong cơ thể như: mạch máu, não, mắt, thận, gan, tim, xương khớp và da. Vì vậy, trẻ sơ sinh thừa cân cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là những ngày đầu sau sinh để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.

Bé sơ sinh thừa cân có nguy cơ mắc bệnh hơn những đứa trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường. Ảnh: Dailymail.

Bệnh tim mạch, não bộ

Với những em bé sơ sinh thừa cân, nếu không có kế hoạch cung cấp và bổ sung dinh dưỡng hợp lý, bé sẽ rơi vào tình trạng béo phì kinh niên, rất khó cứu vãn, cùng với đó là nguy cơ mắc tim mạch, thần kinh vô cùng nguy hiểm…

Sự tổn thương trong mạch máu do nồng độ cholesterol trong máu cao sẽ gây ra bệnh mỡ nhiễm máu, gây nên tình trạng xơ vữa thành mạch, khiến sự lưu thông máu đến não và tim bị ảnh hưởng, gây ra tai biến mạch máu não hoặc những cơn đau tim.

Đây chính là lý do, khiến những đứa trẻ béo phì ngay từ khi sinh ra sẽ gặp phải những nguy cơ tổn thương não và tim cao hơn những đứa trẻ có cân nặng bình thường.

Bệnh về xương khớp

Bởi cân nặng lớn, nên những khớp xương của trẻ sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn, gây nên tình trạng tổn thương và những cơn đau ở các khớp xương.

Bệnh về gan

Cũng như người lớn, những đứa trẻ béo phì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Ngay từ khi sinh ra, những đứa trẻ thừa cân đã có hàm lượng mỡ trong cơ thể cao hơn những đứa trẻ bình thường, chưa kể, trong tương lai, trải qua nhiều năm cholesterol lại càng được tích tụ nhiều trong tế bào gan, từ đó, làm chức năng gan suy giảm, dẫn đến suy gan, xơ gan…

Chế độ ăn cho mẹ để con sinh ra không bị thừa cân

Theo các nhà dinh dưỡng, để thai không quá to, bé sinh ra không bị thừa cân, béo phì, các sản phụ nên chú ý đến việc cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng trong các bữa ăn, gồm có protein, lipit, gluxit và đặc biệt là cần bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Đặc biệt, cần tăng cường các loại vitamin nhóm B, tăng cường uống viên sắt và canxi trong quá trình mang thai để bé sinh ra có hệ xương khớp phát triển, khỏe mạnh.

Bà bầu cần có chế độ ăn uống phù hợp để thai không quá to. Ảnh minh họa.

Cần phải bỏ tư tưởng ăn nhiều, “ăn cho 2 người”, để mẹ bầu không tăng quá nhiều cân, thừa chất dẫn đến tiểu đường thai kỳ, cùng với đó, là tránh được nguy cơ thai bị quá to, bé sinh ra bị vượt quá cân nặng tiêu chuẩn.

Ngọc Khôi (Tổng hợp)

Leave a Reply

Or