Dùng con trả thù tình cũ

Ly thân hai năm, anh chị đã có khoảng thời gian dài để suy nghĩ thấu đáo trước khi đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân bằng một phiên tòa. Tòa tuyên án xong, anh một đường, chị một nẻo, chỉ thương cho bé Cốm ngoái cổ nhìn bố rồi lại nhìn mẹ, rồi níu tay dì hỏi: “Dì ơi, bố mẹ cháu không về nhà cùng nhau nữa sao?”. Nhìn đôi mắt ngây thơ, trong trẻo như giọt sương mai, trái tim em như dao cứa.

“Không còn là vợ chồng nhưng mình sẽ làm những điều tốt nhất cho con”, anh chị đã thỏa thuận với nhau như thế phải không? Anh vẫn đều đặn gửi tiền đầy đủ cho con vào tài khoản của chị hàng tháng, cố gắng ghé thăm con những lúc rảnh rỗi. Và thường những khi đó anh sẽ dẫn con đi chơi, mua cho con rất nhiều quà. Còn chị, chị thương con hơn cả bản thân mình. Từ ngày ly hôn, chị dường như tránh xa mọi cuộc vui để dành thời gian ở bên con nhiều hơn. Ngay cả buổi tiệc mừng lễ thành hôn muộn mằn của cô bạn “ruột” chị cũng xin “cáo” vì con gái không khỏe. Nhà có nhiều người, chị có thể gửi con cho mẹ, cho em trông nhưng chị không làm thế. Nghe chị nói mà em thấy thương: “Con đang bệnh, chị chẳng còn tâm trí nào mà tiệc với tùng”. Đi tập huấn, đồng nghiệp nán lại vài ngày thăm thú đó đây, chị về ngay vì nhớ con và biết con ở nhà ngóng mẹ. Chứng kiến tất cả những gì chị đã làm vì con, làm sao em có thể hoài nghi về tình thương của chị?

tình cũ, trả thù, con cái

Nhưng em nói ra điều này mong chị đừng giận. Có lúc, em cảm giác chị đang dùng con làm vũ khí trả thù chồng cũ. Chị cũng biết anh chỉ có thể gặp con vào những ngày cuối tuần vì công việc của anh rất bận. Nhưng thường những ngày đó chị lại xếp lịch kín mín cho Cốm: nào là học vẽ, học hát, nào là lên Tam Đảo thăm ông, nào là đi cùng mẹ đến dùng bữa ở nhà bạn… Nhiều lần anh đến hồ hởi được gặp con thì chị lạnh lùng: “Mẹ con em phải đi bây giờ”. Có khi anh đến, vắng tiếng chào của con, đành lẳng lặng gửi quà cho con rồi về. Cũng có lúc anh nhớ con gọi điện muốn gặp, con đang thức, chị lại nói dối là con đã ngủ không nỡ gọi dậy. Nhưng có khi con đang ngủ chị lại lay con dậy, bấm máy giục con gọi cho ba. Ấy là khi chị biết anh đang có kỳ nghỉ vui vẻ với người con gái đó. Cũng có lúc con chỉ bị cảm nhẹ nhưng chị đưa ảnh lên Facebook cùng vài dòng tâm trạng thống thiết vì chị biết anh nhớ con nên cũng hay ghé lên đó. Anh đang đi công tác xa, lòng dạ chẳng yên, sốt sắng gọi điện về. Chị nghe chuông đổ nhưng không bắt máy. Ngay cả khi anh ấy gọi bằng máy cố định hay gọi vào điện thoại của em, chị cũng không muốn em nghe. Để anh ấy lo lắng, chị mới thấy thỏa mãn phải không? Chị có nghĩ rằng sự thỏa mãn ấy đã vô tình tước đi của con chị rất nhiều niềm vui mà lẽ ra nó được nhận không?

Còn anh, em cũng chẳng nghi ngờ về tình cảm anh dành cho con. Nhưng dù có giận chị đến mấy thì trước mặt con cũng đừng kể vanh vách tội của vợ cũ. Con còn nhỏ, nó không hiểu những lời bố nói, nào là “ích kỷ”, nào là “chiêu trò”. Nó hỏi dì, dì cố “chèo lái” nhưng rồi một ngày tự nó cũng hiểu ra ý nghĩa thực sự của những từ đó phải không anh? Dù anh có yêu, có tin cô bạn gái mới đến mấy, đừng vội bắt con anh gọi người không đẻ ra nó bằng “mẹ”. Có thể bạn gái mới của anh hoàn hảo và rằng anh đang hạnh phúc thì cũng đừng tìm mọi cách trưng hết ra, đừng so sánh “cái mới” tốt hơn, hay hơn “cái cũ”. Lời nói nhiều khi sắc hơn cả mũi tên, khi đã phóng ra làm đau biết bao người.

Nếu thực sự anh chị muốn bé Cốm có được những gì tốt đẹp nhất, xin hãy cẩn trọng với từng lời nói, việc làm. Và nếu không thể sống tốt với nhau thì cũng đừng cư xử với nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Vợ chồng dẫu hết duyên vẫn còn nợ, dẫu hết tình cũng nên giữ cho nhau chút nghĩa, phải không? Mỗi người đừng tự đội một cái “tôi” to tướng ở trên đầu, vì người gánh chịu thiệt thòi, tổn thương nhiều nhất không phải là anh, là chị mà là đứa con anh chị hết mực yêu thương.

(Theo PNO)

Leave a Reply

Or