“Dụ” con uống “kẹo thuốc”: sẩy một ly, đi một dặm

Trẻ em ở độ tuổi tập đi rất thích khám phá thế giới xung quanh, sự hiếu động, tò mò của bé rất dễ xảy ra các trường hợp ngộ độc thuốc đáng tiếc.

An toàn cho bé là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết và quan trọng mà bất cứ một bậc phụ huynh nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, với bản tính tò mò, muốn khám phá thế giới xung quanh, nhiều trẻ đã phải đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết khi bị ngộ độc thuốc.

Tai hại vì “dụ” con uống “kẹo thuốc”
Theo báo chí đưa tin, ngày hôm qua (13/9), bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp ngộ độc. Bệnh nhi là bé L.T.N.Y. (4 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, khóc, nôn ói liên tục, toàn thân tím tái… Gia đình bé cho biết, vì muốn dụ bé uống thuốc nên lần nào bé bị ốm, cha mẹ bé cũng “dụ” cháu thuốc là kẹo. Rất có khả năng vì điều này mà bé Y. đã ăn nhầm thuốc tây.

Hôm đó, mẹ bé về nhà thấy con có biểu hiện lạ, lại thấy mấy vỉ thuốc paracetamol vương vãi dưới đất và trống nhiều ô thuốc, linh cảm mách bảo chuyện chẳng lành, chị đưa bé tới bệnh viện địa phương để cấp cứu. Nhận thấy đây là một ca ngộ độc nặng, phức tạp, nguy cơ xấu xảy ra là rất cao nên các bác sĩ tại đây đã quyết định chuyển thẳng bệnh nhân đến bệnh viện Nhi Đồng 1 để chữa trị.
Tại đây, bé được rửa dạ dày, cho uống thuốc giải độc, kết hợp với truyền dịch. Trong 2 ngày điều trị tích cực, bé đã qua khỏi giai đoạn nguy hiểm.
Cũng bị ngộ độc thuốc là trường hợp bé trai M.T (4 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Ngày 8/7, bé nhập viện Nhi đồng 1, TP HCM trong tình trạng mạch đập chậm, giảm trường lực cơ, hay ngất xỉu. Nguyên nhân đó là bé uống nhầm thuốc động kinh của anh trai. Sự việc này cũng do bố mẹ bé bất cẩn để thuốc trong tầm mắt của trẻ.
"Dụ" con uống "kẹo thuốc": sẩy một ly, đi một dặm 1
Trẻ em ở độ tuổi tập đi rất thích khám phá thế giới xung quanh, sự hiếu động, tò mò của bé rất dễ xảy ra các trường hợp ngộ độc thuốc đáng tiếc (Ảnh minh họa)
Phòng và cách sơ cứu trẻ bị ngộ độc thuốc
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Duệ – Khoa chống độc – bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị ngộ độc thuốc là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn. Ngộ độc thuốc là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe ở trẻ, thậm chí nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.
Cách phòng chống hiệu quả nhất đó là cha mẹ không nên để thuốc hay hóa chất độc hại trong tầm với của trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể bảo quản và lưu trữ thuốc ở tủ thuốc đặt nơi cao khỏi tầm với của trẻ. Đựng thuốc trong các lọ có nắp đậy kín có miếng chống ẩm, dán nhãn có thể, hạn sử dụng rõ ràng nhằm tránh hiện tượng thuốc bị hỏng và sử dụng nhầm thuốc.
Tuyệt đối không nói thuốc là kẹo vì trẻ sẽ hiểu sai lệch và dẫn đến hậu quả khôn lường như trường hợp trên. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ hãy nói cho trẻ biết tác dụng của thuốc song trước khi dùng phải được sự đồng ý của cha mẹ, không được tự ý uống tùy tiện.
Cha mẹ tránh dùng thuốc trước mặt trẻ, bé không biết lại tò mò, bắt trước người lớn. Bậc phụ huynh nên để mắt thường xuyên đến trẻ.
Đó là phòng bệnh, trong trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc, bậc phụ huynh cần bình tĩnh hết sức có thể và tìm hiểu xem bé đã uống phải thuốc loại gì, liều lượng là bao nhiêu (nên mang theo vỏ thuốc bé đã sử dụng tới bệnh viện để bác sĩ biết và tìm cách xử lý phù hợp). Cha mẹ có thể căn cứ vào phản ứng trúng độc của trẻ, vỏ thuốc quanh nhà để biết được bé đã uống nhầm loại thuốc gì để có cách xử lý kịp thời.
Trong trường hợp này nhiều cha mẹ trách mắng khiến bé càng sợ, hành động này là thừa bởi làm vậy sẽ khiến bạn mất thêm thời gian, bỏ lỡ cơ hội để cứu con. Nhiều trường hợp, trẻ uống nhầm thuốc sẽ có những biểu hiện rõ ràng như: ngất lịm, bủn rủn, nôn ói, tím tái.

"Dụ" con uống "kẹo thuốc": sẩy một ly, đi một dặm 2

Cách tốt nhất đó là bạn hãy xác định được bé đã uống nhầm loại thuốc gì với liều lượng bao nhiêu, việc tìm ra chính xác thuốc uống nhầm, bạn sẽ giúp bé bình phục, tránh được tác động xấu từ thuốc.

Thuốc giúp khỏi bệnh song thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Ví dụ: nếu uống nhầm thuốc an thần, hệ thống thần kinh của bé sẽ bị ảnh hưởng. Biểu hiện của ngộ độc đó là buồn nôn, nôn, ngủ gật, rối loạn thần kinh cơ, rối loạn tim mạch,…
Uống nhầm thuốc giảm đau, kháng sinh, bé có thể bị tổn hại tới hệ thống tạo máu. Dấu hiệu ngộ độc tùy thuộc vào từng loại thuốc, liều lượng, đường ngộ độc (uống, tiêm hoặc thở), triệu chứng thường gặp là: đang bình thường, bỗng nhiên bé tím tái, co giật, lừ đừ, hôn mê…
Khi biết con bị ngộ độc thuốc, bạn hãy giữ con bạn ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào lên thực quản. Không đặt trẻ ở tư thế nằm. Nếu thấy bé tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, phản ứng tốt, cha mẹ hãy giúp bé nôn ra, cha mẹ có thể dùng ngón tay của mình kích thích vào cổ họng bé.
Tuyệt đối không gây nôn trong trường hợp bé bị hôn mê, co giật. Sau những sơ cứu ban đầu tại nhà, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để cứu chữa và theo dõi sau đó. Đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành cho bé được rửa sạch dạ dày và giải độc.
theo: afamily

One thought on ““Dụ” con uống “kẹo thuốc”: sẩy một ly, đi một dặm

Leave a Reply

Or