Đối phó chứng biếng ăn của trẻ bị chân tay miệng

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn để giảm các giác đau khi trẻ nhai nuốt.

Cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là khi trẻ còn sốt. Ảnh minh họa: Internet

1. Nên cho trẻ ăn những gì?

– Nước lọc: Thứ đơn giản nhất này kỳ thực lại vô cùng quan trọng, nhất là khi trẻ còn sốt. Việc mất nước đưa đến da khô, mắt trũng, trẻ sụt cân nhanh, lượng nước tiểu giảm…

– Sữa tươi, sữa bột: Nếu thấy trẻ từ chối không ăn, bạn đừng cố ép sẽ làm con khóc, mệt mỏi hơn. Hãy tạm thời thay các bữa ăn bằng những ly sữa để nguội, thật mát (đừng cho trẻ uống nóng sẽ làm đau rát vết thương). Sữa tươi cũng như một số loại sữa bột rất giàu dinh dưỡng, có thể tạm thời cung cấp đủ lượng chất đạm, chất béo cho trẻ, đảm bảo cho con không bị sụt cân, thiếu chất trong giai đoạn đang rất yếu này.

– Sữa chua: sữa chua rất giàu năng lượng, giúp tăng cường sức đề kháng. Ngay cả trẻ không mắc bệnh cũng nên được cho ăn 1-2 hộp sữa chua mỗi ngày giữa mùa dịch này, để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

– Bột hoặc cháo mịn: thay vì cho trẻ ăn cơm hoặc các thức ăn cứng, bạn nên tạm thời cho trẻ chuyển sang bột dinh dưỡng hoặc cháo mịn. Lưu ý cháo hoặc bột vẫn phải đủ thịt cá, rau củ đi kèm chứ không phải chỉ là cháo trắng, vì bữa ăn giàu dinh dưỡng sẽ giúp con tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục.

– Sinh tố và nước ép hoa quả: giúp tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng cho trẻ. Bạn cần biết rằng một khi bị các vết loét, trẻ cần rất nhiều vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.

2. Cho trẻ ăn như thế nào?

Không nên ép trẻ ăn nhiều một lúc vì như vậy sẽ gây cảm giác đau, khó chịu. Ảnh minh họa: Internet

Nên:

– Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích.

– Nấu mềm, loãng và nhạt hơn thông thường, nghiền hoặc xay nhuyễn thức ăn của bé.

– Chia nhỏ các bữa ăn.

– Tăng số lần bú nếu trẻ còn đang bú mẹ.

– Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi ( nhịn hoàn toàn) trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác.

– Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) cho bé quay ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp với lứa tuổi, không kiêng khem.

Không nên:

– Cố gắng ép trẻ ăn (Trẻ đau miệng, ăn nhiều một lúc sẽ gây cảm giác khó chịu).

– Cho trẻ ăn thức ăn còn nóng: có thể làm mát đồ ăn nhằm tạo cảm giác dễ chịu, kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn.

– Cho trẻ ăn thức ăn quá chua hoặc quá mặn.

– Cho trẻ em bằng những loại muỗng, thìa có cạnh sắc.

– Khi cho ăn đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.

 

 

theo: yeutretho

Leave a Reply

Or