Đoán ý của trẻ khi bé quấy khóc

Nhiều phụ huynh cảm thấy rất căng thẳng khi con quấy khóc và tìm cách hiểu tiếng khóc của con để đáp ứng. Nhưng ‘giải mã’ tín hiệu này không phải điều dễ dàng, nhất là nếu bạn mới lần đầu làm cha mẹ. Không phải lúc nào bé cũng khóc vì đói hay tã bị dơ, bé có thể khóc vì muốn được ôm ấp hoặc ngược lại vì muốn được nghỉ ngơi.

Cách mà bạn ứng xử khi trẻ khóc chính là những ngôn ngữ chung đầu tiên. Nếu sự dỗ dành khiến con nguôi ngoài, cha mẹ sẽ cảm thấy mãn nguyện. Ngược lại, sẽ là cảm giác bất lực, mệt mỏi nếu bé cứ khóc dai dẳng và không thể dỗ dành. Cha mẹ cần hiểu rằng một số bé hay khóc hơn những đứa trẻ khác.

Nhìn chung, 3 tháng đầu sau sinh sẽ là giai đoạn cha mẹ khá vất vả vì đây là thời kỳ bé quấy khóc nhiều nhất, đặc biệt là lúc chiều muộn và chớm tối. Trong 3 tháng đầu đời, rất khó đoán biết lý do khóc của trẻ, bé có thể bất chợt khóc bất chợt nín và nhiều khi việc ôm ấp, dỗ dành hay cho bú cũng chẳng thể làm dịu tiếng khóc của trẻ.

Ngày càng có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm cho rằng tiếng khóc của trẻ là tín hiệu có thang bậc, âm thanh càng cao hoặc càng mạnh thì sự bất an của trẻ càng lớn, nhưng không thể dựa vào đây để đoán biết chính xác lý do khiến bé khóc. Khi bé được khoảng 3 tháng tuổi, tiếng khóc đã mang nhiều thông điệp hơn, và bé sẽ dùng các tiếng khóc khác nhau để thể hiện những điều khác nhau. Thay đổi này tương ứng với sự tăng trưởng khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.

be_yeu_cua_me
Sau đây là các lý do thường gặp khiến bé quấy khóc.

  1. BÉ ĐÓI
    Đây có thể là điều đầu tiên bạn nghĩ đến khi con khóc. Một số dấu hiệu nhận biết cơn đói ở bé sơ sinh: quấy khóc, nhóp nhép miệng.
  2. TÃ DƠ
    Một số trẻ sẽ gửi tín hiệu đến cha mẹ ngay khi muốn được thay tã. Một số khác có thể chịu đựng tã bẩn lâu hơn. Trong cả hai trường hợp, hãy kiểm tra tã của bé.
  3. BUỒN NGỦ
    Người lớn thường nghĩ rằng khi đã mệt trẻ có thể lăn ra ngủ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Trên thực tế mọi chuyện không dễ như vậy, trẻ có thể quấy khóc và gắt ngủ, nhất là nếu bé quá mệt.
  4. MUỐN ĐƯỢC ÔM ẤP
    Bé rất cần sự âu yếm, vỗ về. Bé thích được nhìn thấy khuôn mặt cha mẹ, nghe giọng nói và lắng nghe nhịp đập trái tim của cha mẹ mình. Thậm chí, trẻ còn nhận biết được mùi hương đặc trưng của từng người. Khóc có thể là cách bé đòi được ôm ấp. Cha mẹ có thể băn khoăn liệu mình có làm hư trẻ khi bế ẵm con quá nhiều, hãy yên tâm, trong những tháng đầu đời, bé sẽ không bị làm hư bằng cách này.
  5. KHÓ CHỊU VÙNG BỤNG (đầy hơi, đau bụng hoặc các vấn đề khác)
    Trong thực tế, chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh (colic) được định nghĩa là tình trạng khóc không thể dỗ dành, ít nhất 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần và kéo dài ít nhất 3 tuần liền. Nếu bé thường xuyên quấy khóc ngay sau khi bú, có thể bé bị đau bụng. Nhiều bố mẹ tự chữa cho con bằng thuốc chống đầy hơi. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc này.
    Kể cả nếu bé không bị chứng colic và chẳng bao giờ bị đau bụng sau khi bú, một vài đợt đầy hơi ở bụng cũng có thể hành hạ bé khổ sở. Nếu bạn nghi ngờ bé đầy hơi, hãy thử các biện pháp đơn giản như đặt bé nằm ngửa, nắm hai chân của con và cho bé cử động như đang đạp xe. Một số nguyên nhân khác có thể gây đau bụng ở trẻ nhỏ: trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày ruột, ….
  6. CẦN Ợ HƠI
    Cho bé ợ hơi không phải việc làm bắt buộc, nhưng điều này có thể tỏ ra rất hiệu quả nếu thấy bé khóc sau khi ăn. Trẻ nuốt nhiều khí khi bú mẹ hoặc bú bình, và khí bị kẹt lại có thể khiến bé khó chịu.
  7. QUÁ LẠNH HOẶC QUÁ NÓNG
    Khi con bạn cảm thấy lạnh ví dụ như khi bạn trút bỏ quần áo của bé để thay bỉm hoặc vệ sinh cho bé, bé có thể phản ứng bằng cách khóc.
    Trẻ sơ sinh thích được ủ ấm nhưng không quá nóng. Nhìn chung, trẻ ít khi phàn nàn vì bị nóng so với bị lạnh, và khi bị nóng chúng sẽ không khóc gay gắt như khi bị lạnh
  8. NHỮNG LÝ DO NHỎ NHẶT KHÁC
    Các bé có thể quấy khóc vì những chuyện hết sức khó phát hiện, như khi có sợi tóc thít chặt quanh ngón chân hoặc ngón tay, làm nghẽn tuần hoàn máu. Các bác sĩ gọi tình trạng gây đau đớn này là “hội chứng ga-rô ngón”. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cần tìm kiếm khi thấy bé khóc không rõ lý do. Một số bé đặc biệt nhạy cảm với những vật dụng như nhãn mác quần áo thô nhám. Trẻ có thể hết sức “kỹ tính” với từng chi tiết nhỏ, từ cách được bế ẵm đến loại bình đựng sữa bạn cho bé bú.
  9. MỌC RĂNG
    Mọc răng có thể là một trải nghiệm đau đớn khi từng chiếc răng nhú lên, xuyên qua lớp lợi cứng. Mức độ khổ sở vì mọc răng ở các bé rất khác nhau, nhưng nhìn chung chẳng bé nào tránh khỏi bực bội hoặc rơi nước mắt tại một thời điểm nhất định trong suốt thời kỳ mọc răng.
    Nếu bé có vẻ bị đau mà bạn không biết rõ nguyên nhân, hãy thử đưa tay thăm dò lợi bé. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên phát hiện ra những đầu răng cứng đang nhú lên nếu bé mọc răng.
    Thông thường, bé thường mọc chiếc răng đầu tiên khi được 4-7 tháng tuổi, nhưng chuyện này cũng có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn.
  10. KHÔNG MUỐN BỊ KÍCH THÍCH THÊM
    Trẻ học hỏi từ những kích thích của thế giới xung quanh, nhưng đôi khi bé không đủ khả năng xử lý tất cả các kích thích này – ánh sáng, âm thanh, bị truyền tay hết người này sang người khác… Khóc có thể là cách bé nói “con mệt lắm rồi”.
    Nhiều trẻ sơ sinh thích được quấn chặt trong tã. Dường như điều này giúp bé cảm thấy an toàn hơn trước một thế giới quá náo nhiệt. Nếu trẻ đã quá lớn không còn phù hợp với việc quấn tã hoặc nếu bé không thích điều này, hãy tìm một nơi yên tĩnh, ít kích thích, để cảm xúc của bé dần dịu xuống.
  11. MUỐN ĐƯỢC KÍCH THÍCH NHIỀU HƠN
    Trẻ “hiếu động” thường rất háo hức khám phá thế giới. Thông thường, cách duy nhất để trẻ thôi khóc là giữ cho bé luôn vận động. Tất nhiên, điều này có thể khiến bạn kiệt sức.
    Hãy lên ý tưởng cho nhiều hoạt động. Hẹn hò với các gia đình có em bé. Tới những nơi phù hợp với trẻ nhỏ như sân chơi, viện bảo tàng dành cho trẻ em hoặc vườn thú.
  12. BÉ KHÔNG ĐƯỢC KHỎE: Nếu bạn đã vỗ về và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản mà bé vẫn khóc thì cần tìm kiếm các dấu hiệu bệnh tật, chẳng hạn cặp nhiệt độ để xem bé có sốt không.

9-bi-mat-nuoi-con-se-thay-doi-cuoc-song-cua-ban-1086347

LÀM GÌ KHI BÉ QUẤY KHÓC?

  • Cố gắng giữ bình tĩnh. Thái độ bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ sẽ giúp bạn tỉnh táo nhận ra những thông điệp mà bé muốn chuyển tải. Dỗ dành con bằng giọng nói nhẹ nhàng.
  • Khám phá sức mạnh của sự vuốt ve. Khi cảm thấy bất an, bé thường muốn được cha mẹ vuốt ve để lấy lại bình tĩnh. Vuốt ve giúp bé bớt căng thẳng và có được cảm giác an toàn. Khi thấy an toàn, bé sẽ tự bình tĩnh trở lại. Hãy cố gắng bồng bế bé nhiều hơn, điều này có thể làm giảm bớt những cơn khóc của trẻ.
  • Sắp xếp các hoạt động trong ngày theo lịch trình của con. Ví dụ, nếu bé thường khóc vào một thời điểm nhất định buổi tối thì đừng bố trí làm việc gì vào lúc này. Cân nhắc để ăn tối trước thời điểm bé thường khóc.
  • Cho phép mình tách khỏi bé một lúc. Nhờ người thân hay bạn bè trông hộ bé ít phút để bạn có thể đi dạo quanh khu mình ở. Nếu không tìm được ai giúp và bạn cảm thấy mình sắp ‘nổ tung’, hãy đặt bé vào nơi an toàn, chẳng hạn như cũi của bé, và ‘trốn’ sang phòng khác hay chạy ra ngoài sân trong ít phút.
  • Cố gắng ngủ một chút. Tranh thủ chợp mắt giây lát khi bé ngủ ngày, nhất là nếu bé hay quấy khóc ban đêm. Nếu có thể, hãy nhờ bạn bè trông bé một lúc để mẹ tranh thủ ngủ thêm.

su_phat_trien_cua_be_12_thang_tuoi1

Nếu thời tiết thuận lợi, hãy đưa bé ra ngoài thay đổi không khí

Có thể những người xung quanh sẽ cho rằng bạn đang nuông chiều con thái quá khi bạn tìm cách đáp ứng các yêu cầu của trẻ mỗi khi bé khóc. Hãy an tâm rằng bạn không thể làm hư một đứa trẻ sơ sinh. Khi bạn phản ứng nhanh chóng mỗi khi con khóc, bạn tạo cho con cảm giác an toàn, rằng bạn luôn bên con và bảo vệ bé. Khi bạn bế con lên để dỗ dành, hãy tự hào vì mình đã làm theo bản năng của người làm cha mẹ.

Lê Mai (theo thebabycenter, aboutkidshealth)

Leave a Reply

Or