Dọa con, đến đâu là đủ?

Dọa con, phạt con là cách mà nhiều bậc bố mẹ đã làm và đang làm, nhưng dọa đến đâu là đủ, phạt thế nào cho hiệu quả là việc bố mẹ nên tự hỏi mình một chút trước khi áp dụng “công cụ” này.

Ảnh minh họa.

Thời gian trước, trên khắp các báo điện tử và mạng xã hội xôn xao về một bài báo với cái title “Hoặc con đi tiếp, hoặc ba sẽ ném con xuống cái vực kia”. Bài báo viết về một người bố, mang theo hai đứa con mình, một đứa 8 tuổi, một đứa lên 5 leo lên đỉnh Fanxipang. Người ủng hộ, thì đồng tình với nhân vật bố, cho rằng con cái được đưa đi chơi, tiếp xúc với thiên nhiên, thay vì ngồi nhà ôm máy tính suốt mấy tháng hè và phải chấp nhận đối diện với những thử thách của cuộc sống… Nhưng số người phản đối cũng không ít. Nhiều người cho rằng, việc đưa những đứa trẻ 5 tuổi và 8 tuổi leo núi – lại là đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á là chuyện vô cùng nguy hiểm. Thử thách này là quá lớn với ngay cả người lớn, chứ không nói đến trẻ con. Điều gì sẽ xảy ra nếu có tai nạn đối với một trong hai đứa trẻ, và còn tệ hơn nữa,  2 đứa trẻ sẽ ra sao nếu ông bố gặp nạn? (người bố này đưa con đi độc lập, không có bạn bè đi cùng, cũng không thuê người dẫn đường hay vận chuyển đồ đạc). Nhiều người kết tội ông bố trẻ là ích kỷ, chỉ muốn thỏa mãn mong muốn cá nhân, mà không nghĩ đến con cái…

Một cuộc trao qua đổi lại giữa độc giả và nhân vật người bố cũng đã diễn ra – người ngay sau chuyến đi Fanxipang này đã kịp đưa con đi xuyên Việt. Ai cũng có lý lẽ của mình… và cá nhân tôi, chẳng phản đối chuyện của anh hay quan điểm của những người khác. Bởi vì, mỗi người có một quan điểm, một cách để dạy con. Người bố, người mẹ, trước hết là những người yêu con mình nhất, hiểu con mình nhất và mong muốn làm điều tốt đẹp nhất cho con mình. Tôi chỉ suy nghĩ đến câu mà anh đã nói với con: “Hoặc con đi tiếp, hoặc ba sẽ ném con xuống cái vực kia”.

Cho con lựa chọn một cách làm mà con thích là một phương pháp rất hay khi nuôi dạy trẻ. Đây là cách để cho con một khoảng tự do nhất định, để con được chọn cái mình thích làm và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Nhưng lựa chọn, phải là phép lựa chọn tương đương, chứ không phải là cho lựa chọn đấy, nhưng thực ra, chỉ có một con đường. Bạn có đặt cho con sự lựa chọn: Có cơm và cháo, con thích ăn gì, chứ không phải là: Hoặc là ăn cơm, hoặc là đi ra khỏi cửa! Đấy không phải là cho con sự lựa chọn, mà là ép con phải lựa chọn duy nhất một con đường. Sẽ là hợp lý hơn, nếu anh đặt cho con một sự lựa chọn: Nếu con chưa mệt, mình sẽ đi tiếp, nếu con đã mệt, mình sẽ nghỉ lại thêm chút nữa, ngày mai sẽ đi tiếp?

Khi nghe câu hỏi này của anh, tôi tự đặt câu hỏi: Anh ấy có thực sự dám ném con mình xuống vực? Câu trả lời, chắc chắn là Không – chẳng có người bố, người mẹ nào có thể làm việc này, với một lý do như thế cả! Đặt ra một sự lựa chọn, mà anh biết chắc chắn chỉ là để dọa con mà thôi, thì liệu có nên hay không? Trẻ con, rất tinh ý, nó biết khi nào bố mẹ chỉ dọa mình, khi nào bố mẹ sẽ làm thật.  Nếu bố mẹ chỉ dọa, thì chỉ sau vài lần, lời dọa của bố mẹ sẽ là vô nghĩa, con bạn sẽ không bao giờ biết sợ khi bị dọa nữa!

Giống như câu chuyện trong nhà tôi. Bố của con trai tôi cũng đã có lần đặt con vào sự lựa chọn, mà tôi chắc chắn, anh không thể làm được: Hoặc là con nghe lời bố, trật tự để em ngủ, hoặc là bố đuổi con ra khỏi nhà! Tối hôm đó, khi con đã ngủ, tôi hỏi chồng: Liệu anh sẽ đuổi được con đến khi nào? Anh nghĩ sao khi một ngày, anh đuổi con và nó đi thật? Anh sẽ để nó đi chứ? Hay anh sẽ đi tìm nó về?…  Tôi gợi ý với chồng rằng, anh hoàn toàn có thể yêu cầu con trật tự để cho em ngủ, nếu không, con có thể phải nhận một hình phạt – không được ăn kem, không được đi chơi cuối tuần này, không được xem ti vi – những thứ mà con rất thích, chứ nhất định không được đuổi con – vì đơn giản là, chẳng bao giờ bố đuổi được con, hoặc nếu có đuổi, thì sớm muộn cũng phải đi tìm con về mà thôi!

 

theo: camnanggiadinh

Leave a Reply

Or