Dở khóc dở cười khi bố mẹ cho bé ngủ chung

Cho bé ngủ chung với bố mẹ hẳn là bé sẽ rất thích rồi, mẹ cũng sẽ được nhàn hơn trong việc đêm dậy chăm sóc bé nhưng mà cũng nhiều rắc rối lắm nhé.

1. “Chồng ơi, con mình đâu mất rồi?!” Đó là câu hỏi của chị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) dành cho chồng hàng sáng sau khi ngủ dậy. Bé Nghé 3 tuổi, rất nghịch ngợm, đêm bé thường ngủ lăn từ trên giường xuống dưới đất đến 2-3 lần, có khi đêm bé lại lọ mọ dậy chơi 1 mình trong bóng tối, cứ men men thành giường rồi xuống đất chơi và ngủ luôn dưới đất từ lúc nào mà bố mẹ chẳng hay biết.
Có lần chị khóc dở mếu dở khi sáng dậy tìm mãi không thấy con đâu, hóa ra bé Nghé đang ngủ ngon lành dưới gầm giường, lần khác chị lại thấy bé đang nằm vắt vẻo ở chỗ mắc màn.
Thế là chị Hạnh phải tìm đủ mọi cách để nếu con ngã xuống không bị đau, chị kê miếng xốp, trải thảm lông, để thú bông khắp xung quanh chân giường, trên giường chị phải kê rất nhiều gối chặn để ngăn việc bé lăn xuống đất, rồi chị đặt chuông cứ 2 tiếng dậy xem con “đang ở đâu”.
Chị kể hồi Nghé còn nhỏ, lúc đó con bắt đầu biết bò, anh chị bị 1 phen hú hồn khi bé đang ngủ ngã lăn xuống đất, may chỉ xây xước ngoài da.
2. Bên cạnh việc lăn lộn khi cho bé ngủ chung, có nhiều bé lại thích ôm chặt lấy mẹ lúc đang ngủ. Yêu thì yêu thật, tình cảm thì tình cảm thật đấy nhưng đôi khi điều này cũng khiến bậc phụ huynh phải đau đầu.
Dở khóc dở cười khi bố mẹ cho bé ngủ chung 1

Cho bé ngủ chung vui thật là vui nhưng cũng quá nhiều rắc rối.

Vốn là con gái đầu lòng nên bé Cún ngay từ nhỏ đã được chị Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cưng chiều, vợ chồng chị luôn cho bé ngủ chung với mình, thế nên, bé quen trước khi đi ngủ buổi tối được bố mẹ ôm ấp, vỗ mông ru đi ngủ.
Hiện giờ bé đã 5 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen ngủ cùng bố mẹ, đêm nào cũng phải ôm chặt mẹ, giữ tay mẹ bất kể mùa đông hay mùa hè, bé còn có thói quen phải sờ tóc mẹ, sờ ti mẹ thì mới ngủ ngon được.
Trước đây chị Linh còn cố gắng chiều bé Cún nhưng từ khi mang bầu bé thứ 2, chị cảm thấy mệt mỏi vô cùng trước những cái ôm ghì của con.
Chị Linh đang mang bầu nên cơ thể nóng bức, khó chịu, những ngày hè nóng nực người chị như bốc hỏa vì cô con gái bé bỏng cứ ôm chặt mẹ để ngủ, chưa kể bé ngủ mơ còn hay khua chân khua tay vào bụng mẹ làm chị lúc nào cũng phải chặn 1 chiếc gối to đùng trước bụng để đề phòng.
Chị than thở: “Biết thế từ khi Cún còn nhỏ mình sẽ không chiều bé thế, giờ mình muốn cho con ngủ riêng hoặc ít nhất là lên ngủ với ông bà trong thời gian mình bầu bí và sinh bé thứ 2 mà thấy khó quá, con cứ ỉ ôi khóc cả buổi làm mình không biết phải làm sao”.
3. Còn trường hợp của anh Trường (Cổ Nhuế, Từ Liêm) lại trớ trêu hơn khi cậu con mới 11 tháng tuổi nhưng rất thính ngủ. Bé đang ngủ chỉ cần 1 tiếng động nhỏ cũng sẽ tỉnh dậy ngay.
Nhiều lần, vợ chồng anh cho bé nghịch cả tối, cứ ngỡ “quả này yên tâm, cậu sẽ ngủ thẳng cẳng cho xem, mệt thế cơ mà”, ấy thế mà bố mẹ đang chỉ “chụt chụt” thơm vào má nhau mà bé đã ọ ẹ rồi.
Anh Trường thở dài “Những lúc vợ chồng muốn gần nhau phải lén lút, nhẹ nhàng hết mức có thể, vậy mà quay đi quay lại đã thấy thằng cu con đang thao láo mắt nhìn chằm chằm vào bố mẹ rồi, may mà nó còn nhỏ quá chưa hiểu bố mẹ đang làm gì không thì  2 vợ chồng mình xấu hổ không biết chui vào đâu mất, phải sớm tính cách cho con ra ngủ riêng thôi”.
Thế là anh chị lên kế hoạch cho bé ra ngủ riêng thay vì cho bé ngủ chung cho đỡ “rách việc”.
Mách mẹ một số bí quyết cho con ngủ riêng
 
– Hãy tạo thói quen tự giác ngủ một mình cho con: Cha mẹ tuyệt đối không nên ép con đi ngủ một mình trong khi những người còn lại vẫn tiếp tục thức trò chuyện, xem tivi… Cha mẹ nên nhất quán về giờ giấc đi ngủ của cả gia đình để tạo cho con tính tự giác, chủ động và thoải mái khi ngủ một mình. Để cho con làm quen với việc ngủ một mình, cha mẹ có thể dựa vào những thời điểm trẻ mệt mỏi và muốn đi ngủ. Bởi lúc này giấc ngủ đến với trẻ nhanh và sâu hơn. Một lưu ý hết sức quan trọng cho cha mẹ là trước khi chuẩn bị cho con ngủ riêng, hãy chuẩn bị giường ngủ phù hợp, đảm bảo an toàn cho con.
– Tuyệt đối không nên để thói quen ngủ riêng của con bị gián đoạn. Thực tế có nhiều bậc cha mẹ sau một thời gian cho con ngủ chung thì lại mủi lòng trước lời năn nỉ của trẻ “một lần này thôi”. Chính sự mủi lòng của cha mẹ sẽ khiến trẻ phá vỡ các nguyên tắc mà mình đã lập trước đó.
– Giúp con giải quyết được nỗi sợ hãi: Bạn đừng phê phán hoặc lờ đi khi con sợ hãi phải ngủ một mình. Cha mẹ nên tìm hiểu và giúp con chế ngự những nỗi sợ hãi đó. Ví dụ, nếu con sợ bóng tối, hãy lắp một chiếc đèn ngủ và bảo với con đó là vị thần bảo vệ con. Cha mẹ có thể tặng con một món đồ chơi (búp bê, thú bông…) để trẻ có thể coi đó là người bạn đồng hành cùng mình khi ngủ.
– Khuyến khích con bằng việc trao thưởng cho con nếu con tự giác, hoàn thành tốt “nhiệm vụ” ngủ riêng. Vì đối với một đứa trẻ, phần thưởng chính là động lực để chúng hoàn thành mọi tiêu chí mà mẹ đề ra.
Theo Kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or