Điều trị và dự phòng cận thị

Mục tiêu của điều trị cận thị là thị lực rõ nét và thoải mái, tình trạng thị giác hai mắt hiệu quả, theo dõi và kiểm soát các thoái hóa trên võng mạc.

1. Điều chỉnh quang học

Các điều chỉnh thông dụng nhất hiện nay là kính gọng và kính tiếp xúc. Trẻ bị cận thị cần được đeo kính cận thị đúng số. Để làm được điều này cần phải đưa trẻ đi đo mắt nhằm tìm ra mức độ cận thị chính xác, từ đó chọn kính có số thích hợp.

Việc đeo kính giúp trẻ có được thị lực tốt nhất và phát triển thị giác hai mắt một cách hoàn thiện. Đeo kính còn giúp khả năng nhìn của mắt người cận thị trở về như mắt bình thường, tức là nhìn xa rõ, nhìn gần ở khoảng cách bình thường.

Từ đó, trẻ sẽ giảm dần thói quen nhìn sát vào sách vở hay các đồ vật, do đó có tác dụng hạn chế được tốc độ tăng số của mắt. Vì vậy nên cho trẻ đeo kính thường xuyên, đặc biệt khi học hành, xem ti vi.

Gia đình nên tìm mua kính cho trẻ tại những địa điểm uy tín, vì kính cần được lắp đúng kỹ thuật, đúng độ, phù hợp với kích thước khuôn mặt. Nếu bệnh nhân đeo kính sát tròng cần được kiểm tra giác mạc 3 tháng một lần và phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc hoặc có phản ứng của mắt với kính.

Điều trị và dự phòng cận thị  2

2. Điều trị bằng thuốc và dược phẩm

Các thuốc liệt điều tiết được dùng để khám phát hiện và làm giảm điều tiết trong trường hợp cận thị giả.

3. Phẫu thuật khúc xạ

Điều trị này sửa chữa cận thị bằng cách định hình lại độ cong của giác mạc. Phương pháp phẫu thuật khúc xạ như Laser, chiết quang. Trong đó, phẫu thuật laser phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật khúc xạ hiện nay, nhất là dùng excimer laser.

Ưu điểm là không đau, thời gian phẫu thuật ngắn dưới 10 phút, độ chính xác cao, phục hồi thị lực nhanh. Hơn 90% bệnh nhân trở về dưới 0,5 đi ốp. Phẫu thuật này chỉ tiến hành với người từ 18 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật mắt vẫn có một số mức độ rủi ro, các biến chứng có thể bao gồm nhiễm trùng mắt, sẹo giác mạc, giảm thị lực và sai số trực quan, chẳng hạn như nhìn thấy quầng sáng quanh đèn chiếu sáng vào ban đêm. Hãy thảo luận về khả năng rủi ro với bác sĩ nếu bạn cảm thấy chưa yên tâm.

4. Vệ sinh thị giác

Để tránh nguy cơ cận thị và giảm khả năng bị tăng độ cận thị, cần bố trí hợp lý giữa thời gian học hành, xem sách báo với thời gian hoạt động ngoài trời cho trẻ. Khi đọc sách hoặc các công việc đòi hỏi nhìn gần lâu, hãy để trẻ được nghỉ ngơi mắt 5 – 10 phút sau mỗi 45 phút làm việc. Khi nghỉ, hãy hướng dẫn trẻ cần đi lại và nhìn ra xa.

Cần tập cho trẻ thói quen nhìn xa, tập nhìn xa 15 – 30 phút/ngày. Giờ ra chơi nên chơi ở nơi thoáng rộng. Học hành 40 – 45 phút nên cho mắt nghỉ ngơi. Thường xuyên mát xa quanh mắt để thư giãn điều tiết cho mắt.

Hãy giữ các khoảng cách gần của mắt phù hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách được đo từ đầu ngón tay cái và ngón trỏ khi cong lại tới cùi trỏ. Khoảng cách này đối với người lớn là 35-40cm. Ngoài ra ngồi cách truyền hình khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng màn hình là tốt nhất.

Khi đọc sách cần có đủ ánh sáng. Ngoài ánh sáng trong phòng cần có một ngọn đèn để bàn. Ngồi đọc cần ngồi ngăn ngắn, giữ lưng thẳng và thư giãn. Đừng để trẻ ngồi trong phòng suốt ngày. Hãy để trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, cho trẻ đi chơi công viên, bờ hồ… giúp cho mắt nhìn xa và thị giác được thư giãn.

5. Dinh dưỡng

Vitamin A được biết đến khả năng giúp cho đôi mắt sáng khỏe. Hãy cho trẻ ăn uống đủ chất, đặc biệt là rau củ quả màu xanh thẫm hoặc màu đỏ. Ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, các loại rau củ, quả có màu đỏ, màu cam, chúng chứa nhiều vitamin A.

Bạn cũng có thể cho trẻ uống các loại thuốc bổ về mắt hoặc thực phẩm chức năng để tăng sự khỏe mạnh và chống thoái hóa cho các thành phần của mắt. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng cũng nên theo hướng dẫn của bác sĩ.

Leave a Reply

Or