Điều cần phải biết về miếng dán hạ sốt

Miếng dán hạ sốt không phải thuốc, không có tác dụng chữa trị bệnh. Ngoài ra, việc lạm dụng miếng dán đôi khi làm hại da của bé.

Trẻ em thuộc nhóm người dễ bị sốt, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lạnh. Miếng dán hạ sốt trở thành một vật luôn có mặt trong tủ thuốc để xử lý những tình hướng như vậy. Tuy nhiên, sản phẩm này vốn không có tác dụng thần kỳ trong việc chữa sốt. Việc lạm dụng, dùng sai cách có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Phương pháp hạ sốt của miếng dán

Đa số các miếng dán hoạt động theo cách dùng chênh lệch nhiệt độ để giúp vùng được dán giảm được nhiệt độ. Vì thế hầu hết các miếng dán đem đến cảm giác mát lạnh, thành phần chủ yếu là hydrogel. Cách thức này được xác định là không mang lại hiệu quả tối ưu vì chỉ có thể giảm nhiệt độ ở những vùng được dán. Ngoài ra, sản phẩm chỉ dán ngoài da nên không có tác dụng trị bệnh từ bên trong.

Những điều nên biết về miếng dán hạ sốt - ảnh 1

Trẻ nhỏ rất dễ bị sốt

Nguy cơ dị ứng da

Miếng dán được sử dụng bằng cách dán trực tiếp lên các vị trí trên cơ thể trẻ. Các mẹ chủ yếu vẫn dán lên trán. Tuy nhiên, làn da của trẻ nhỏ khá mỏng và non nớt.  Thêm vào đó, một số miếng dán hạ sốt sử dụng tinh dầu. Nổi bật là tinh dầu bạc hà như menthol, có khả năng kích ứng mạnh. Những tinh dầu này dễ dàng thấm vào da gây dị ứng cho trẻ. Các bác sỹ khuyến cáo, việc điều trị dị ứng da cho trẻ sẽ vất vả và khó khăn hơn việc điều trị sốt.

Ảnh hưởng hệ hô hấp

Phương pháp chườm lạnh vốn được khuyến cáo không sử dụng vì không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, miếng dán lại sử dụng cách thức này để hạ sốt. Với các trẻ sốt do viêm phổi, việc dùng miếng dán khiến hệ hô hấp của trẻ càng tổn thương do phải hoạt động nhiều hơn, gây khó khăn cho bác sỹ trong việc điều trị.

Những điều nên biết về miếng dán hạ sốt - ảnh 2

Các phụ huynh luôn tìm đến miếng dán hạ sốt đầu tiên

Khiến bệnh nặng hơn

Miếng dán vốn không có tác dụng chữa bệnh. Những cảm giác hạ nhiệt của thân thể trẻ nhỏ dễ khiến phụ huynh lầm tưởng con đang khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi sờ vào những vị trí không dán có thể thấy thân nhiệt của trẻ vẫn ở mức cao. Các bác sỹ cho biết chưa một công trình khoa học nào chứng minh miếng dán có thể chữa sốt. Một số trường hợp chỉ được dùng để hỗ trợ việc chữa bệnh. Vì thế, việc chỉ dùng miếng dán mà không cho trẻ dùng thuốc sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Nguy hiểm tính mạng

Do miếng dán không thể chữa bệnh nên việc lạm dụng miếng dán hạ sốt có thể dẫn đến nhiều trường hợp nguy hiểm cho tính mạng của trẻ nhỏ. Đặc biệt khi trẻ sốt cao, phụ huynh không cho đi khám mà lại giữ nhà dùng miếng dán. Việc này khiến tình trạng của bé dễ trở nên nguy kịch, ảnh hưởng tính mạng.

Giải pháp

Khi trẻ bị sốt, phụ huynh nên dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Khi xác định trẻ sốt, nhiệt độ trên 37,5oC, bố mẹ có thể dùng khăn ấm hơn 2 độ với cơ thể bé để lau người, tập trung lau nách, bẹn.

Cởi bớt quần áo cho bé, tuy nhiên không được cởi hết. Giữ cho da bé được thông thoáng để cơ thể điều tiết được nhiệt độ.

Những điều nên biết về miếng dán hạ sốt - ảnh 3

Nên kết hợp chườm khăn ấm và dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ

Bổ sung nước cho trẻ bằng nước ép hoa quả hoặc nước lọc. Nên kiên nhẫn cho trẻ uống từng ngụm nhỏ. Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ để nắm bắt tình hình kịp thời và có cách giải quyết đúng đắn.

Tuyệt đối không nóng vội sử dụng nhiều loại thuốc hạ sốt một lúc. Việc này có thể gây ngộ độc thuốc hạ sốt, quá liều, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Nếu trẻ có nhiệt độ lớn hơn, sốt kèm biến chứng hoặc dùng thuốc mà không hạ sốt, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để dùng thuốc, điều trị sốt cho bé hiệu quả, đúng cách.

Cuối cùng, với những phụ huynh vẫn muốn sử dụng miếng dán hạ sốt, cần hỏi ý kiến của bác sỹ và chỉ xác định dùng để bổ trợ hạ sốt. Tuyệt đối không dùng khi trẻ bị dị ứng hoặc sốt do viêm phổi. Ngoài ra, không được dùng trong thời gian quá lâu, dễ khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy kịch.

Thanh Nguyên

Leave a Reply

Or