Đề phòng nhiễm khuẩn rốn ở trẻ sơ sinh

Khi bé mới chào đời, việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh rất quan trọng vì rốn là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại vi khuẩn. Chăm sóc rốn cho trẻ phải được làm liên tục từ ngày sau sinh tới khi rốn rụng, lên sẹo khô. Phải đảm bảo vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn. Chăm sóc rốn không đúng sẽ dễ gây biến chứng nhiểm khuẩn rốn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh rất quan trọng. Ảnh minh họa: Internet

Nhiễm khuẩn rốn là gì

Nhiễm khuẩn rốn có nhiều loại khác nhau từ nhẹ đến trầm trọng. Khi trẻ mới sinh, rốn thường rụng từ 6 đến 8 ngày sau sinh. Rốn bị nhiễm khuẩn sẽ rụng muộn hơn bình thường hoặc có loại rốn lại rụng quá sớm sau 3 đến 4 ngày sau sinh.

Khi rốn rụng muộn, chân rốn bị ướt… nếu không được thay băng rốn hàng ngày rốn sẽ có mùi hôi gây nhiễm khuẩn nhẹ, hay còn gọi là viêm rốn. Tuy nhiên nếu không điều trị ngay thì sẽ dẫn đến viêm mạch máu ở rốn, khi đó chân rốn ướt và rỉ nước vàng. Loại nhiễm khuẩn này thường có hai loại là viêm tĩnh mạch rốn và viêm động mạch rốn.

Viêm tĩnh mạch rốn thường có dầu hiệu nổi tuần hoàn bàng hệ phía bụng trên rốn kèm theo chướng bụng, gan lách to dễ đưa tới nhiễm trùng huyết.

Viêm động mạch rốn lại có những biểu hiện như vùng da bụng dưới rốn tấy đỏ, vuốt từ xương mu của trẻ ngược lên rốn có mủ chảy ra.

Ngoài ra còn một loại nhiễm khuẩn gây hoại thư rốn, do các loại vi khuẩn kị khí xâm nhập, phát triển gây ra. Vùng da và tổ chức dưới da hoại tử quanh rốn sẽ có màu thâm tím, rốn chảy máu, mủ, có mùi hôi. Hoại thư rốn khiến cơ thể trẻ suy sụp, rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, bỏ bú…

Trẻ nhiễm trùng rốn nếu không được chăm sóc đúng cách có thể biến chứng nặng, khó điều trị, để lại di chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, vàng da.

Phòng tránh nhiễm khuẩn rốn

Để phòng tránh nhiễm khuẩn rốn cho trẻ, cần chủ động thực hiện cách chăm sóc rốn cho trẻ ngay sau khi sinh. Việc chăm sóc, theo dõi để phát hiện các bất thường của rốn là do chính các sản phụ hoặc người nhà sản phụ thực hiện.

Trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc chăm sóc rốn cần được thực hiện như sau:

– Rửa tay trước và sau khi chăm sóc rốn.

– Dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước sạch để rửa rốn. Không dùng dung dịch sát trùng trong chăm sóc rốn bình thường.

– Tháo kẹp rốn khi cuống rốn đã khô teo.

– Tháo băng rốn, để rốn hở, thông thoáng, tiếp xúc không khí, tránh che đậy rốn, mang băng thun rốn đầy dễ gây mủ rốn và rốn hôi.

– Hạn chế sờ vào cuống rốn và vùng quanh rốn.

– Để cuống rốn hở.

– Quấn tã và quần áo phía dưới rốn.

– Không đắp bất cứ thứ gì lên rốn (kể cả kháng sinh).

– Nếu rốn bẩn, rửa bằng nước sạch có thể kèm xà bông, lau khô bằng vải sạch.

– Chăm sóc rốn cho đến khi rốn khô và rụng.

Lưu ý:

Việc tắm bé hàng ngày, lau người, chăm sóc rốn cho trẻ không ảnh hưởng đến rốn, nhưng phải luôn để rốn khô thoáng sau chăm sóc.

Không nên che đậy hoặc rắc bột kháng sinh hay bôi thuốc đỏ, đắp bất cứ thứ gì vào rốn. Nếu trong quá trình chăm sóc, thấy rốn rỉ máu, chảy máu (cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng), rốn hôi, chảy nước màu vàng, rốn sưng đỏ, có mủ, rốn có lõi, không khô… cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

 Theo ebe

Leave a Reply

Or