Để con không rơi vào tay bảo mẫu “đồ tể”

Sau nhiều vụ việc trẻ nhỏ bị thương hoặc tai nạn, thậm chí dẫn đến tử vong mà nguyên nhân do người giữ trẻ, những bà mẹ đang phải gửi con ở các nhà trẻ tự phát đang ngày đêm nơm nớp lo âu. Thế nhưng, biết làm gì khi mẹ không thể nghỉ việc ở nhà trông con?

Trước những sự việc thương tâm này, có nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động giữ trẻ tại nhà, xây dựng thêm nhà trẻ công.… Tuy nhiên, trong lúc chờ những thay đổi tích cực này, nhiều ba mẹ vẫn phải gửi con cho người ngoài trông hộ.

Dưới đây là những lời khuyên từ MarryBaby sẽ giúp bạn tìm hiểu, quan sát để yên tâm rằng con mình được an toàn khi ở với người giữ trẻ.

Để con không rơi vào tay bảo mẫu “đồ tể”

Kiểm tra đột xuất
Tốt nhất là bạn nên đứng ở xa và âm thầm theo dõi xem con được trông nom như thế nào khi không có mặt ba mẹ ở đó. Nếu cách này khó áp dụng, ba mẹ có thể tranh trủ giờ nghỉ trưa để ghé thăm con bất ngờ hoặc thỉnh thoảng “vô tình” đi làm về sớm đón con. Chỉ dăm ba phút thế thôi nhưng đủ cho bạn phát hiện ra những dấu hiệu đáng ngờ, nếu có, ở người giữ trẻ.

Quan sát con cẩn thận hơn
Cho dù bạn có bận như thế nào, nên dành ít nhất 15 phút mỗi tối để tắm hoặc lau người cho con. Đây là cách lý tưởng để kiểm tra xem bé có bị thương, bị đau mà không làm bé ngại ngùng, lo sợ. Nên nhớ rằng việc hỏi bé những câu trực tiếp như: “Cô có đánh con không?” thường không đem lại kết quả rõ ràng nào.

Không chỉ những vết bầm tím hay vết thương mới là dấu hiệu cảnh báo, ngay cả những thay đổi hành vi của trẻ cũng có thể cho thấy điều bất thường đang xảy ra. Nếu trước đây bé thường khóc lớn để bạn biết rằng bé đói, không ngủ được hoặc đang khó chịu trong người, nhưng từ khi được gửi cho cô giữ trẻ, bé không khóc mà chỉ thút thít khe khẽ và cố gắng chịu đựng cơn đói hay sự khó chịu, có thể người bảo mẫu đã làm gì đó khiến bé sợ.

Trò chuyện với con khi có thể
Nếu con bạn đã biết nói dù chỉ là những câu ngắn, đây là cách rất hay để nhận biết bé có đang an toàn và vui vẻ với người lạ hay không. Đừng hỏi những câu chung chung như: “Hôm nay con thế nào?” mà nên đặt những câu hỏi đơn giản và có vẻ vô tư với bé: “Hôm nay cô dạy con điều gì?”, “Con hay nói chuyện với bạn nào?”.

Kết
Những điều lưu ý trên không chỉ dành cho ba mẹ đang gửi con ở các nhà trẻ tự phát mà cho cả những ai thuê người giúp việc hay người trông trẻ tại nhà hoặc gửi con ở các nhà trẻ chính qui. Dĩ nhiên, có một điều thực tế rằng không ai có thể chăm sóc con tốt hơn ba mẹ, nhưng bạn cần biết đâu là giới hạn và khi nào cần tìm người giữ trẻ khác. Bạn có thể sẽ vất vả hơn khi đặt ra những tiêu chuẩn nhưng nếu so với những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi bạn nhắm mắt cho qua những dấu hiệu bất thường, việc làm này rất có giá trị.

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or