Để con không mè nheo, lề mề lúc ngủ dậy, bố mẹ tuyệt đối không nên làm những điều này trước khi con đi ngủ

Buổi sáng ngủ dậy là thời điểm vô cùng nhạy cảm của trẻ nhỏ và cũng là lúc các bố mẹ dễ bực bội, giục giã, quát tháo nhất vì sự lề mề, mè nheo của các con.

Mè nheo và lề mề và biểu hiện chung của hầu hết trẻ nhỏ, đó hoàn toàn không phải là “dấu hiệu” của những em bé hư hay không biết nghe lời. Chỉ đơn giản ở từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý và cảm xúc của trẻ, trẻ trở nên nhạy cảm hơn, có nhu cầu thể hiện bản thân mạnh mẽ hơn, cũng như muốn được bố mẹ thấu hiểu và lắng nghe mình hơn mà thôi.

Hoạt cảnh thường thấy ở các gia đình có con nhỏ vào buổi sáng đó là tiếng bố mẹ giục giã “Nhanh lên nào!”, “Có nhanh lên không thì bảo?”, “Con mà không nhanh lên là mẹ sẽ cho ở nhà một mình luôn đấy!”…, thậm chí là những tiếng quát tháo trong tiếng khóc lóc, ỉ ôi của các con.

Để con không mè nheo, lề mề lúc ngủ dậy, bố mẹ tuyệt đối không nên làm những điều này trước khi con đi ngủ - Ảnh 1.

Đừng vội kết luận hành vi mè nheo của con là thói hư tật xấu. Bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con vượt qua điều này bằng một số điều chỉnh đơn giản. (Ảnh minh họa)

Có hàng ngàn ý do khiến buổi sáng ngủ dậy là thời điểm mà trẻ dễ mè nheo, lề mề, khóc lóc nhất, đó có thể vì trẻ muốn ngủ thêm; có thể vì trẻ muốn tự rửa mặt, đánh răng hay không muốn ăn bữa sáng mà bố mẹ đã chuẩn bị… nên có những phản ứng tiêu cực thử thách sự kiên nhẫn của bố mẹ. Tuy nhiên, nếu không có sự điều chỉnh và các biện pháp giúp trẻ trở nên sảng khoái, hào hứng hơn vào mỗi buổi sáng thì những biểu hiện của sự mè nheo, lề mề rất có thể sẽ trở thành một thói quen không tốt của trẻ.

Vì thế, để dần dần khắc phục tình trạng rối loạn mỗi buổi sáng do sự lề mề, mè nheo của trẻ giúp cả nhà có thể khởi động một ngày mới thật vui vẻ và tràn đầy năng lượng, bố mẹ hãy nhớ tuyệt đối không nên làm những điều sau vào buổi tối của ngày hôm trước nhé!

Không cho con ăn tối quá muộn

Để con không mè nheo, lề mề lúc ngủ dậy, bố mẹ tuyệt đối không nên làm những điều này trước khi con đi ngủ - Ảnh 2.

Bữa tối quá muộn có nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. (Ảnh minh họa)

Bữa tối quá muộn là nguyên nhân chủ yếu khiến cho mọi hoạt động của trẻ vào buổi tối bị vội vàng và muộn hơn; ngoài ra, điều này còn ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, hấp thu thức ăn và sức khỏe của trẻ. Thời gian ăn bữa tối tốt nhất của trẻ là vào khoảng 6h đến 6h30 tối, để sau đó trẻ có ít nhất khoảng 2-3 tiếng để thư giãn, nghỉ ngơi, hấp thu thức ăn trước khi đi ngủ.

Không cho con ăn quá nhiều đồ ngọt

Đây là điều bố mẹ cần tuyệt đối tuân thủ. Khi trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt vào buổi tối, trẻ rất dễ bị “tăng động”, quá khích ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian đi ngủ và chất lượng giấc ngủ của trẻ. Đó là chưa kể những ảnh hưởng cực kì không tốt khác của đường đối với sức khỏe trẻ, vì thế, tốt nhất sau khi trẻ ăn bữa tối, bố mẹ không nên cho trẻ ăn thêm bất cứ thứ gì nữa.

Không cho con chơi đùa, vận động mạnh

Để con không mè nheo, lề mề lúc ngủ dậy, bố mẹ tuyệt đối không nên làm những điều này trước khi con đi ngủ - Ảnh 3.

Các hoạt động mạnh nên được thay bằng các hoạt động nhẹ nhàng thư giãn trước giờ đi ngủ của trẻ. (Ảnh minh họa)

Theo lời khuyên của bác sĩ nhi khoa Collin, một bác sĩ người Pháp được nhiều bố mẹ Việt tin cậy thì bố mẹ không nên cho trẻ xem tivi, chơi điện tử hay chơi các trò chơi kích động mạnh trước giờ đi ngủ. Thay vào đó, để giúp trẻ ngủ ngon, cả nhà nên cùng có những hoạt động nhẹ nhàng, thư giãn như ôm ấp, vuốt ve, massage, hát ru, đọc truyện cho con nghe.

Không cho con đi ngủ muộn

Cùng với việc không cho con đi ngủ muộn thì bố mẹ cũng không nên để con thích ngủ lúc nào thì ngủ. Hàng ngày, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần và tạo môi trường cho trẻ 1 tiếng trước giờ đi ngủ. Thói quen đi ngủ đúng giờ phải là một thói quen được duy trì đều đặn hàng ngày.

Một số việc giúp bố mẹ cùng con chuẩn bị tinh thần và tạo môi trường trước khi đi ngủ là giảm dần cường độ các hoạt động, tắt dần đèn sáng, cùng nhau thực hiện các thói quen trước giờ đi ngủ như tắm nước ấm, cùng chuẩn bị giường ngủ, chăn gối, nghe nhạc thư giãn, đọc sách… Tùy từng độ tuổi trẻ sẽ có khung giờ đi ngủ khác nhau, tuy nhiên, trước 6 tuổi, trẻ nên được đi ngủ muộn nhất là trước 8h tối.

Không quát tháo, gây căng thẳng cho con trước khi đi ngủ

Chất lượng giấc ngủ của trẻ rất quan trọng và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái tâm lý, cảm xúc của trẻ trước khi đi ngủ. Bố mẹ tuyệt đối không nên mắng mỏ, dọa dẫm hay quát tháo con khiến trẻ cảm thấy căng thẳng. Thay vào đó, hãy cùng con nói chuyện về những cảm xúc của con và của chính mình, lắng nghe nhau, bao dung với nhau và ôm nhau thật chặt cũng như tặng nhau những nụ hôn ngọt ngào.

Ngoài ra, một thói quen rất quan trọng khác đó là “30 phút chuẩn bị chào ngày mới” cũng sẽ giúp các bố mẹ và con tránh được sự vội vàng, căng thẳng vào sáng hôm sau. Đây là những việc bố mẹ nên làm cùng con trong “30 phút chuẩn bị chào ngày mới”:

– Hướng dẫn con chọn quần áo, giày dép, mũ… sẽ mặc vào hôm sau.

– Cùng chuẩn bị ba-lô đi học.

– Đặt ba-lô và giày dép ra vị trí ghế ngồi đeo giày của trẻ ở gần cửa.

– Cùng chia sẻ những điều mà con muốn làm ngay sau khi thức dậy.

– Lên ý tưởng cho bữa sáng.

– Hướng dẫn con xem đồng hồ và hẹn giờ thức dậy.

– Chọn một người bạn thú bông sẽ đi ngủ cùng con.

 Happy Moms / Theo Helino

Leave a Reply

Or