Dạy trẻ tự lập từ nhỏ

Người xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ” cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục con cái từ khi còn nhỏ. Việc tạo cho bé thói quen tự lập ngay những năm đầu đời là cách giúp bé trưởng thành, năng động, mạnh mẽ và dễ thích nghi với cuộc sống hơn.

Dạy trẻ tự lập từ nhỏ

Hãy khuyến khích bé  cùng làm việc nhà (Hình: Internet)

Ngay từ lúc được 6 – 7 tháng tuổi, bé bắt đầu cảm nhận thế giới xung quanh, thích khám phá và thích làm theo những gì người lớn làm. Bạn nên hiểu rằng càng trưởng thành bé sẽ càng có nhiều điều muốn được làm một mình mà không cần đến sự hỗ trợ của bạn, bạn hãy tạo cơ hội để bé tự làm những việc mình muốn, không nên làm hộ bé.
Bất cứ cha mẹ nào cũng lo lắng và muốn chăm sóc con tốt nhất nhưng nuông chiều hay làm thay mọi việc khiến bé có thói quen ỷ lại. Bạn nên khuyến khích tính tự lập bằng cách cho bé tự làm những việc trong khả năng có thể, giúp bé dần thích nghi ngay từ nhỏ, không phải bỡ ngỡ và gặp khó khăn khi tiếp xúc với một môi trường mới.

Một số phương pháp rèn luyện tính tự lập cho bé
1.    Dạy bé từ khi còn nhỏ
Ngay từ khi bé chập chững, bạn có thể dạy cho bé làm những việc của người lớn để giúp bé tự giác và ý thức hơn trong việc tự phục vụ nhu cầu bản thân. Ban đầu chỉ là những việc nhỏ như tự ăn một mình, sắp xếp đồ chơi cho ngăn nắp, sau đó  nâng dần độ khó lên theo thời gian. Với mỗi một việc làm, bạn nên tách thành những bước nhỏ và thật kiên nhẫn để dạy bé làm đúng.
2.    Dạy bé tự chủ trong tư duy
Khi được 1 tuổi, bất cứ việc gì bạn làm trước mặt bé cũng khiến bó tò mò, trong trường hợp này bạn nên giải thích rõ ràng cho bé hiểu, đồng thời chỉ cho bé biết tại sao lại làm như vậy. Ví dụ như bạn có thể chỉ cho con biết cách đi dép thế nào là đúng, thế nào là sai hoặc cách mặc quần áo như thế nào. Hoặc bạn cũng có thể dạy con sau khi đi nhà vệ sinh xong cần phải rửa tay sạch sẽ… Bé sẽ tiếp thu nhanh và có thể tự mình mặc quần áo, mang dép một cách thành thục.
3.    Luôn dành lời khen cho sự nỗ lực của bé
Ngay cả khi kết quả công việc của con không thực sự xuất sắc, bạn vẫn nên mỉm cười và tỏ ra hài lòng với nỗ lực của bé. Giai đoạn chập chững là thời kỳ quan trọng và cốt lõi nhất để dần hình thành và phát triển nhân cách ở các bé. Vì thế, dù làm việc nhỏ nhất bạn cũng nên thưởng cho bé bằng những lời khen thiện chí, giúp bé có thêm động lực.
Đồng nghĩa với điều đó, bạn tuyệt đối không phê phán, không dùng những từ “Không được! Hỏng hết rồi! Hậu đậu thế!…” với bé khi đang tập làm quen một kỹ năng nào đó.
4.    Cùng hành động
Trước khi bé có thể tự lập hoàn toàn về một kỹ năng nào đó, cần cho bé trải qua quá trình “cùng hành động”. Cả bạn và con hãy làm cùng nhau, chẳng hạn như: Cùng dọn đồ chơi, cùng đi giày, cùng rửa tay,… Cho bé tham gia bất kỳ việc gì bé muốn cùng làm với bạn. Tuy hơi mất thời gian nhưng nó sẽ rất hiệu quả.
5.    Kiên quyết với việc làm sai của bé
Tuy nhiên, không phải lúc nào bé cũng làm đúng. Trong trường hợp đó, bạn nên tỏ thái độ kiên quyết khi bé làm sai điều gì đó. Bạn hãy cho bé biết là mình không hài lòng với hành động đó và yêu cầu bé làm lại cho đúng. Sau khi bé đã làm đúng ý rồi, bạn hãy nhẹ nhàng nói cho bé biết vì sao như vậy và dành lời khen khi bé đã làm đúng.

Những bài tập rèn luyện tính tự lập cho bé, mỗi người đều có thể nghĩ ra dựa trên tính cách và đặc điểm về tâm sinh lý của con mình. Tuy nhiên, để việc dạy tính tự lập ở bé đòi hỏi bạn phải là người sâu sắc, hiểu rõ con muốn gì, cần gì thay vì đòi hỏi ở bé những điều mà mình kỳ vọng. Những việc làm nhỏ nếu giáo dục đúng cách sẽ giúp bé khi lớn lên có thể thích nghi với môi trường xung quanh một cách dễ dàng, không ỷ lại vào người khác.

theo: baby.marry.vn

Leave a Reply

Or