Dạy trẻ kỹ năng thoát khỏi nhà cao tầng đang cháy

Khi xảy ra hỏa hoạn ở các đô thị, nhà cao tầng nhằm hạn chế thương vong thì trước hết cả người lớn và trẻ nhỏ cần phải “nằm lòng” những kỹ năng thoát hiểm khi cần thiết.

Mới đây, vụ cháy quán cafe 7 tầng trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy – Hà Nội) đang khiến xôn xao dư luận. Điều khiến nhiều người quan tâm nhất trong vụ cháy vừa qua không phải chỉ là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn và những thiệt hại do vụ cháy gây ra như các vụ cháy thông thường khác, mà là cách các nạn nhân bảo vệ bản thân khi thoát khỏi đám cháy.

Đặc biệt là hình ảnh một cô gái dùng áo ngực bịt mũi chạy ra từ đám cháy đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trong khi không ít cư dân mạng dè bỉu, chê bai và cười cợt cô gái kia khi mà cầm chiếc áo ngực chạy ra từ quán cafe, thì một số cư dân mạng lại khen ngợi cách xử lý thông minh của cô gái khi gặp hỏa hoạn.

Chính bản thân cô gái trong bức ảnh cũng lên tiếng rằng, khi ở trong căn phòng đang bị cháy, thay vì gào khóc vì hoảng sợ thì chiếc áo ngực được thấm nước là vật cứu cánh giúp cô không bị ngạt khói trong hoạn nạn.

Bức ảnh cô gái dùng áo ngực bịt mũi chạy khỏi đám cháy tại quán cafe 7 tầng trên đường nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Otofun

Ngày nay, nhà cao tầng, đặc biệt là các khu đô thị mọc lên rất nhiều, nguy cơ hỏa hoạn cũng rất dễ xảy ra và lan nhanh. Khi gặp hỏa hoạn cháy nổ rất dễ xảy ra thương vong, đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất là người già và trẻ nhỏ.

Vậy Khi xảy ra hỏa hoạn ở các đô thị, nhà cao tầng nhằm hạn chế thương vong thì trước hết chúng ta phải “nằm lòng” những kỹ năng thoát hiểm khi cần thiết.

Bởi trong trường hợp nạn nhân có thể bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hoặc có thể tìm được thoát ra ngoài nhưng việc hít phải khói và khí độc trong căn nhà bị cháy cũng vô cùng nguy hiểm, thậm chí đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong do ngạt khói, ngạt khí hoặc bỏng đường hô hấp.

Dưới đây là những kỹ năng thoát khỏi nhà cao tầng đang cháy, mẹ cần dạy con phòng khi nguy hiểm xảy ra:

Nếu bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa, chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, để huấn luyện cho trẻ kỹ năng thoát khỏi hỏa hoạn, thầy cô hoặc phụ huynh có thể thực tập cùng bé bằng những phương pháp chơi mà học. Ví dụ, cho bé đóng vai lính cứu hỏa hoặc nạn nhân, viết lên tấm bảng số cứu hỏa 114, số điện thoại của bố mẹ hoặc người thân và dạy trẻ nhớ.

Dạy trẻ 7 kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn
Khi có khói, cần dạy trẻ lấy khăn hoặc vải thấm nước bịt mũi và miệng để tránh bị ngạt. (Ảnh: News)

Để bắt đầu, cha mẹ có thể gợi mở bằng cách gợi ý cho trẻ trả lời các câu hỏi trắc nghiệm sau:

1. Số điện thoại cứu hỏa là gì:

a. 113

b. 114

c. 115

d. 1080

Câu 2: Nếu bị kẹt trong đám cháy mà có người lớn, các con sẽ làm gì?

a. Làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.

b. Kêu cứu.

c. Khóc lóc ầm ĩ.

d. Chạy ra ngoài.

Từ bài trắc nghiệm của các bé, cha mẹ hãy dẫn ra một câu chuyện để hướng dẫn và giúp các bé thực hành về kỹ năng thoát hiểm khi gặp phải đám cháy, gồm:

Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì các con phải gọi ngay cho các chú lính cứu hỏa. Số điện thoại các chú là 114.

Kỹ năng 2: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn bên cạnh, các con phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của người lớn.

Kỹ năng 3: Chỉ cho bé những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn. Dặn bé cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc nán lại gọi điện cho cứu hỏa.

Kỹ năng 4: Nếu gia đình bạn sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, hãy dạy bé rằng đừng bao giờ di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy khi có hỏa hoạn vì khi đó thang máy có thể ngừng giữa chừng do ngắt điện. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.

Kỹ năng 5: Nhớ rằng không những lửa mà khói và hơi độc cũng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh bị ngộp vì khói, hãy dạy bé di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể.

Kỹ năng 6: Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa hãy dạy bé phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.

Kỹ năng 7: Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.

 Theo MTT

Leave a Reply

Or