Đây là những điều bé sơ sinh rất muốn “nói” với mẹ, mẹ thử lắng nghe nhé

Thông thường các ông bố, bà mẹ khi thấy con của mình “khua chân múa tay”, cau mày, nhăn trán… thì coi đó là một phản xạ bình thường của trẻ nhỏ.

Nhưng thực tế thì việc “khua chân múa tay” đó không đơn giản là hành động vô thức mà trong đó ẩn chứa những thông điệp, tín hiệu cảm xúc mà bé yêu muốn truyền tải đến bố mẹ của mình. Vì bé yêu chưa thể diễn đạt bằng lời nên chỉ biết cách dùng hành động để diễn tả. Các mẹ hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những thông điệp mà bé muốn nói qua những biểu hiện, hành động của bé nhé.

nhung-hanh-dong-thay-loi-muon-noi-cua-tre-so-sinh_550_401

1. BIỂU HIỆN KHUÔN MẶT

Những lúc trẻ cau mày, nhăn trán. Những biểu hiện này của bé có thể chỉ thoáng qua nên dễ làm cho mẹ không quan tâm. Nhưng thực tế, nếu mẹ quan tâm đến hành động này, mẹ có thể nhanh chóng nắm bắt được một số thói quen của bé.

2. BÉ MỈM CƯỜI

Khi ở 6 đến 8 tuần tuổi, mẹ đã có thể thấy được những nụ cười rạng rỡ đầu tiên của bé. Lúc này nụ cười của bé có thể chỉ là một tín hiệu vật lý nhưng sau đó nó trở nên có kiểm soát và xảy ra khi bé được cha mẹ cưng nựng hoặc khi bé nhìn thấy người thân.

Khi thấy bé cười, mẹ hãy khích lệ bé bằng cách cười lại thật tươi với bé và có thể nói: “con yêu, con cười đẹp lắm” hay “nụ cười của con thật tuyệt…”. Dù bé chưa hiểu bạn nói gì nhưng những lời nói của bạn sẽ có tác động tích cực đến bé.

3. KHI BÉ KHÓC

Khóc là cách nhanh nhất bé cho bạn biết rằng bé đang mệt, buồn ngủ, đói, đau và khó chịu trong người… Nhưng thông điệp tiếng khóc của bé là gì?

Khi đói thì xen giữa tiếng khóc là động tác mút tay của bé. Nếu sau khi cho bú, bé vẫn tiếp tục khóc thì có thể là do bé bú chưa no, hoặc sữa pha quá nhạt.

Khi bắt đầu buồn ngủ trẻ khóc tương đối nhỏ nhưng nếu không ngủ được thì trẻ sẽ khóc ngày một lớn hơn. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần ôm và dỗ cho bé ngủ.

Từ 2 – 3 tháng tuổi, tiếng khóc của trẻ sẽ dần đa dạng hơn. Khi mệt mỏi và muốn làm nũng bố mẹ, tiếng khóc của trẻ sẽ lúc cao, lúc thấp và thường không có nước mắt. Chỉ cần mẹ bế và vỗ về là bé sẽ nín.

4. KHUA TAY, ĐÁ CHÂN

Hành động này của bé có thể hiểu rằng bé đang có điều gì vui lắm. Lúc này mẹ hãy chia sẻ sự hào hứng đó với bé yêu. Việc vung chân múa tay như vậy sẽ giúp bé phát triển những cơ bắp cần thiết. Đối với bất cứ một cử chỉ nào, các chuyên gia khuyên rằng hãy luôn quan sát nét mặt của bé, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ý nghĩ của bé.

Hoặc hành động này cũng có thể là thể hiện bé đang muốn mẹ dành thêm thời gian cho bé. Bé hiểu rằng việc đạp chân vào đệm nôi không những tạo ra tiếng động thích thú mà còn giúp thu hút sự chú ý của bạn, người bé quan tâm nhất. lúc này bạn hãy đặt bé vào lòng mình và hát những bài bé thích. Những cú đạp chân của bé kèm theo nhịp điệu lên xuống của bài hát là một bài biểu diễn tuyệt vời phải không nào? Mẹ hãy dành nhiều thời gian riêng tư để chơi với bé yêu như thế nhé.

5. BÉ QUAY MẶT ĐI HƯỚNG KHÁC

Điều này thể hiện bé cần thời gian để hiểu được việc gì đang diễn ra. Trẻ em thường cố gắng nhận biết những gì chúng nhìn thấy. Xoay mặt đi chỗ khác cũng có nghĩa là để con nhai hết đã rồi bố, mẹ hãy đút muỗng khác nhé. Việc bạn nên làm là hãy để bé thoát ra khỏi những việc làm thường ngày của mình, đồng ý với việc bé thỉnh thoảng liếc nhìn ảnh của mình trong gương hay một món đồ chơi mới.

Đôi khi việc bé quay mặt đi hướng khác là do bạn đang xâm phạm vào không gian riêng tư của bé đấy! Cũng như người lớn, trẻ em sẽ cảm thấy khó chịu nếu có ai đó xâm phạm đến thế giới riêng của mình… Vì vậy hãy cho bé ở riêng trong phòng để thư giãn hoặc đặt bé xuống và để chúng tự chơi đùa trên sàn, khoảng 15- 20 phút, và mẹ hãy tận hưởng thời gian này để nghỉ ngơi nhé.

6. NÉ TRÁNH SỰ CƯNG NỰNG

Khoảng 2 tháng tuổi, đôi lúc, trẻ sơ sinh sẽ nghiêng đầu sang một bên để từ chối những cái hôn hay vuốt ve của bạn nếu chúng cảm thấy khó chịu. Trong trường hợp này, bạn không nên quá ngạc nhiên hay cố gắng tiếp tục hành động của mình. Tốt nhất, cố gắng di chuyển vào tầm nhìn của bé, tiếp tục nói chuyện hoặc lắc xúc xắc đồ chơi để gây sự chú ý của bé. Hãy tôn trọng tình cảm lúc thăng, lúc trầm của bé, kiên nhẫn chờ cho đến khi bé quay lại phía bạn và “yêu” lại bạn, rồi mỉm cười và tiếp tục nựng nịu bé.

7. DỤI HAY CHE MẮT

Có thể bé đang cố dụ bạn để chơi trò ú tim với chúng. Trẻ có thể nắm bắt được luật chơi rất nhanh, thậm chí khi mới 8-9 tháng tuổi chúng có thể là người bắt đầu trước đấy. Mẹ hãy thử kéo tấm chăn mỏng che qua tầm mắt bé để xem bé phản ứng với nó như thế nào; và hãy “cúp hà” với bé khi bé kéo được tấm chăn xuống. Sau khi bé đã thành thạo việc này, bạn hãy tự trùm mình lại và để bé giúp gỡ tấm chăn ra.

Nếu bạn đã thử cách trên mà không thấy bé đáp trả mà thay vào đó là bé ngáp dài và rúc vào người bạn nũng nịu, dĩ nhiên đã đến giờ đi ngủ rồi, cũng giống như người lớn, khi dụi mắt tức là bé đang rất mệt và buồn ngủ. Lúc này việc mẹ nên làm là hát một bài hát ru để đưa bé vào giấc ngủ.

8. BÉ BẮT CHƯỚC NGƯỜI LỚN

Khoảng từ 3 – 6 tháng tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ tìm hiểu để bắt chước nét mặt sợ hãi, ngạc nhiên, buồn bã hay tươi tỉnh của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Khi bé nhìn thấy một người lạ mặt, bé sẽ nhìn sang nét mặt của người thân, nếu bé thấy người thân của mình có biểu hiện nhăn nhó, không hài lòng thì cảm giác lo lắng của bé sẽ bắt đầu tăng lên. Thông thường bé sẽ khóc và đeo bám ngay người thân.

Trẻ em chính là những chuyên gia bắt chước và rất nhạy cảm. Nếu thấy cha mẹ căng thẳng, hẳn nhiên bé sẽ có biểu hiện không vui. Khi thấy bé bất an, hãy ôm và vỗ nhẹ vào lưng bé để bé thấy rằng mọi việc vẫn ổn. Trong trường hợp bạn đang tức giận với một ai hay một điều gì đó, tốt nhất bạn không nên gần bé, nên giao bé cho một người khác đáng tin cậy.

9. UỐN CONG LƯNG, VẶN MÌNH

Có thể hiểu rằng lúc này bé đang rất thất vọng, nếu kèm theo đó là tiếng thét hay bé cố làm ầm ĩ lên thì có thể dễ dàng hiểu bé đang muốn nói rằng: “Con đang rất bực mình và con cần có ai đó bên cạnh”. Điều bạn nên làm lúc này là trấn an bé theo cách tốt nhất bạn có thể. Vì có thể uốn lưng thỉnh thoảng là một trong những dấu hiệu bé muốn ám chỉ điều gì đó, như xoay mặt đi hay giụi mắt. Sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường để dỗ bé đấy, nhưng bạn phải cố gắng hết sức. Còn nếu nỗ lực của bạn làm cho tình trạng càng trầm trọng thêm, kiểm tra xem có phải trẻ đang đói, hoặc bị ướt hay đang đau ở đâu đó không, sau đó hãy đặt bé nhẹ nhàng vào nôi và dỗ bé từ từ vào giấc ngủ.

Hoặc cũng có thể bé yêu của bạn đang bị đau. Nếu trẻ oằn mình và la khóc sau khi vừa được cho ăn thì có thể điều đó chỉ ra rằng bé đang bị đau do dịch axit tiêu hoá đang trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Nếu trẻ không ngừng lại thì bạn nên đưa đến bác sĩ nhi để kiểm tra. Bác sĩ sẽ giúp kê thuốc để trung hòa lượng acid đó, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

10. DUỖI CÁNH TAY RA

Lúc này bé đang cảm thấy rất dễ chịu. Việc duỗi cánh tay cộng với lòng bàn tay và ngón tay mở ra chỉ ra rằng bé đang rất thoải mái và sẵn sàng khám phá những gì đang diễn ra xung quanh. Một lần nữa, hãy quan sát nét biểu cảm trên gương mặt trẻ để hiểu rõ hơn!

Cũng không loại trừ khả năng bé yêu của bạn đang tập ngồi. Cánh tay duỗi ra giúp trẻ mới tập ngồi giữ được thăng bằng cho cơ thể. Hãy giúp bé một tay nếu bạn cảm thấy cần, điều đó giúp phát triển cơ bụng của trẻ. Hãy kê nhiều gối êm xung quanh để bảo vệ bé khỏi đập đầu khi ngã xuống do ngồi chưa vững.

11. BÉ TỰ KÉO MẠNH LỖ TAI

Có thể bé đang cảm thấy căng thẳng hay rất buồn bực. Giật lỗ tai là biểu hiện của điều gì đó quá mức đối với trẻ, như sữa quá nóng, hay bé đang bị đầy hơi. Mẹ hãy cố gắng giúp bé cảm thấy đỡ hơn. Nhưng nếu sau khi ợ, hay những nỗ lực của bạn không giúp ích, hãy kéo rèm lại và đổi sang một phòng khác, hoặc tắt ti vi đi.

Hoặc điều đó cũng có nghĩa là bé đang bị đau! “Việc kéo tai thể hiện bé đang cảm thấy không thoải mái ở một bộ phận nào đó trong cơ thể” Điều bạn nên làm là cố gắng nhớ lại xem còn có những nguyên nhân nào khác không? Như cho bé ăn quá nhiều? Nếu thế, hãy để bác sĩ kiểm tra giúp tình trạng của bé.

12. PHẢN XẠ GIẬT MÌNH Ở TRẺ

Phản xạ giật mình hay xảy ra nhất khi bé mới sinh. Nhưng từ 3 – 6 tháng tuổi, phản xạ này sẽ mất dần. . Biểu hiện này thường thấy ở trẻ, đặc biệt khi bạn to tiếng, khi nghe âm thanh lớn như tiếng sập cửa hay tiếng chó sủa hoặc ánh sáng chói… trẻ sẽ duỗi tay, mở các ngón tay và cong lưng. Ngay sau đó, bé nắm chặt bàn tay rồi kéo cánh tay về phía ngực, và bé khóc. Để giúp bé lấy lại cân bằng và cảm giác an toàn, mẹ hãy dùng tấm chăn mỏng quấn nhẹ vào người bé rồi bế bé lên nựng nịu.

Hy vọng sau bài này các mẹ sẽ hiểu hơn về những gì mà bé muốn nói với mẹ để có thể chăm sóc cho bé một cách tốt nhất.

Theo methongthai

Leave a Reply

Or