Dạy học trên truyền hình là biện pháp tối ưu khi học sinh không thể đến trường

Dạy học trên truyền hình là biện pháp Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị khi xảy ra thiên tai, dịch họa mà học sinh phải nghỉ như hiện nay.

Tính đến ngày 25/2, tất cả 16/16 bệnh nhân Covid-19 đã phát hiện tại Việt Nam đều được điều trị khỏi, hiện không có ca nhiễm mới. 

Tuy nhiên,theo đánh giá thì tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngoài Trung Quốc, dịch đã bùng phát tại một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Do đó, việc đang được các phụ huynh đặc biệt quan tâm và đây thực sự là việc cân não với những người có trách nhiệm trong việc quyết định nghỉ tiếp hay cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 sau một tháng nghỉ tránh dịch Covid-19. 

Với mong muốn trong thời gian học sinh không đến trường mà việc học của các em không bị gián đoạn, nhiều trường đã áp dụng việc dạy học online.

Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh,… để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà.

Nhìn nhận thấy thực tế đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho khôi phục việc DẠY HỌC TRÊN TRUYỀN HÌNH.

Dạy học trên truyền hình là biện pháp Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị khi xảy ra thiên tai, dịch họa mà học sinh phải nghỉ như hiện nay. (Ảnh chụp màn hình truyền hình Đồng Nai)

Trước kiến nghị của Hiệp hội, ngày 25/2/2020, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo ông Độ, đối với trình độ trên phổ thông (trung cấp, cao đẳng, đại học) thì việc học từ xa đã được triển khai và công nhận kết quả.

Bậc học này triển khai thuận lợi do người học đã trưởng thành.

Riêng với giáo dục phổ thông, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức còn phải dạy làm người. Bởi thế, việc dạy và học cần phải trực tiếp, tương tác tại chỗ…

Với điều kiện nước ta hiện nay thì chưa làm được và Bộ sẽ quan tâm nghiên cứu đến đào tạo từ xa ở bậc phổ thông để có phương pháp, kế hoạch cụ thể.

Ngay sau khi đọc được ý kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để dư luận hiểu rõ về quan điểm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch khẳng định: 

“Dạy học trên truyền hình là biện pháp Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị khi xảy ra thiên tai, dịch họa mà học sinh phải nghỉ học như hiện nay. 

Chứ chúng tôi không đề nghị dùng hình thức học trên truyền hình để thay thế cho việc dạy học trực tiếp”.


Đến khi thiên tai, dịch bệnh qua đi thì việc học trên lớp vẫn trở lại như bình thường. Thầy Nhĩ nói thêm, trong tình hình hiện tại, đối với những nơi học sinh chưa có điều kiện học online thì rõ ràng việc ở nhà lâu gây lãng phí thời gian mà đến trường thì phụ huynh chưa yên tâm trong khi Việt Nam có hệ thống kênh truyền hình rất phong phú, đa dạng do đó Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị, khi các kênh truyền hình cùng tham gia cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các sở Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình.

Học sinh ở nhà hoặc vài ba em học chung một lớp cùng ngồi học trực tuyến, bên cạnh có phụ huynh quản lý, theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm, chủ yếu qua mạng thông tin truyền thông quốc gia.

Tuy nhiên, khi áp dụng giảng dạy đại trà trên truyền hình thì bắt buộc các đài truyền hình phải rút bớt thời lượng dành cho những chương trình khác đi, ví như các chương trình chuyên khảo, giải trí…  Song với tinh thần “chống dịch như chống giặc” việc rút bớt đó là cần thiết vì đây là lúc cần ưu tiên cho việc học của học sinh, sinh viên hơn cả. 

Muốn làm được như vậy thì những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương cần sớm ra quyết định để các đài truyền hình chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai việc dạy học.

Tính đến ngày 27/2 đã có Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phát sóng chương trình ôn tập lớp 9 lúc 8h đến 11h thứ hai đến thứ sáu; lớp 12 lúc 14h đến 17h thứ hai đến thứ sáu trên kênh HTV Key.

Đài phát thanh – truyền hình Vĩnh Long cũng thực hiện các tiết ôn tập phát trên THVL4 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh lớp 9 và 12 từ thứ hai đến thứ bảy, sáng từ 10h15-11h, chiều từ 13h đến 13h45.

Đài phát thanh – truyền hình An Giang cũng tổ chức chương trình ôn luyện cho học sinh lớp 9 và 12 lúc 10h và chiều là 15h mỗi ngày. Mỗi buổi học 45 phút, với các môn ôn thi văn, toán, ngoại ngữ. Sau 23h sẽ phát lại liên tục các buổi ôn tập này. 

Đài phát thanh – truyền hình Trà Vinh phát sóng chương trình ôn tập kiến thức phổ thông cho các em lớp 9 và lớp 12 trong khung giờ 17h45 và 15h hằng ngày…

Đài phát thanh – truyền hình Đồng Nai cũng phát sóng chương trình ôn tập trên truyền hình. 

Theo Giaoduc

Leave a Reply

Or