Dạy con tự lập qua những chuyến đi trải nghiệm

Cuối tuần, được ba mẹ chở về quê chơi, hai anh em Tèo háo hức dậy từ rất sớm. Đến nhà ngoại, các bé tíu tít cúi đầu chào ông bà. Khi thấy nhà dơ, đứa anh 7 tuổi lấy chổi quét rồi bảo đứa em 4 tuổi cầm gàu hốt rác dọn dẹp nhà cửa cho ngoại.

Nhìn hai con như “những chú ong chăm chỉ”, chị Hòa (quận 9, TP HCM) cười tươi bảo, từ khi các bé còn nhỏ, vợ chồng chị đã tạo cho con cảm nhận được niềm vui trong lao động và tự giác giúp cha mẹ làm việc nhà.

“Mỗi lần tôi nấu nướng, mấy bé hay quấn lấy chân mẹ. Thay vì đuổi con ra chỗ khác chơi cho khỏi vướng víu thì tôi nói cho con hiểu mẹ đang làm gì, có ý nghĩa như thế nào. Sau đó tôi giao cho bé việc dễ làm như nhặt rau hoặc quét nhà và không quên giải thích cho con hiểu: Nhặt rau để mẹ nấu canh ngon cho cả nhà ăn, quét nhà sạch đón bố đi làm về”, người mẹ 38 tuổi, quê gốc ở Vĩnh Long thổ lộ.

kim1-1376537792_500x0.jpg
Những chuyến đi chơi xa là cơ hội tốt để cha mẹ dạy cho trẻ thói quen tự giác, tính tự lập và thêm yêu cuộc sống. Ảnh: TT.

Theo chị Hòa, khi dạy con làm việc, lần đầu chị làm trước, để cho bé quan sát thật kỹ. Sau đó chị cầm tay con cùng thực hiện từng động tác một. Nếu thấy trẻ có thể tự làm được, mẹ mới buông tay cho bé thực hiện một mình.

Thông thường thời gian đầu được giao việc, trẻ hay đánh rơi đồ đạc, làm bể chén hoặc quét dọn nhà không sạch. Những lúc như thế chị không vội la mắng con hoặc bảo “đi chỗ khác, để đấy mẹ làm cho” mà chỉ cho bé chỗ nào chưa được, chỗ nào cần phải làm lại để chúng rút kinh nghiệm.

Chị Hòa bảo: “Ở nhà, hai vợ chồng cũng thường dặn dò con khi đi đến nhà ai phải chào hỏi người lớn. Nhất là khi về quê, ông bà đã già yếu rồi nên cố gắng làm được gì giúp ngoại thì làm. Bởi vậy mà thấy nhà ông bà dơ, các cháu biết tự giác dọn dẹp đấy”.

Còn chị Trang (quận Bình Thạnh, TP HCM) thú thật, vì vợ chồng chị đều là doanh nhân nên thời gian rảnh rỗi dành cho con cái không có nhiều. Do tính chất công việc phải đi công tác xa thường xuyên nên mọi thứ trong nhà, kể cả chăm sóc bé Susu (5 tuổi) đều do một tay bà vú nuôi đảm nhận. “Mặc dù vậy tôi luôn nhắc chồng vào những ngày hè, ngày lễ hoặc cuối tháng cố gắng dành từ một đến hai ngày để đưa con đi chơi xa đây đó để hâm nóng tình cảm gia đình”.

Nhất là vào các dịp lễ hội dành cho trẻ em như Tết Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi, Giáng sinh, vợ chồng chị Trang thường cùng các bạn đồng nghiệp trong câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Van Bay tổ chức những chương trình ngày hội cho các con của mình.

ninhvanbay-1376537792_500x0.jpg
Một “phiên chợ quê” do các phụ huynh trong câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Van Bay tổ chức cho con cái vui chơi. Ảnh: TT.

Câu lạc bộ này hiện có trên 3.000 gia đình, gồm các thành viên giám đốc, kỹ sư, doanh nhân, bác sĩ… Những trò chơi do chính các thành viên “sáng tác” ra trong mỗi chuyến đi xa đều mang lại sự trải nghiệm thực tế không gian ngoài trời cho con trẻ và gắn kết tình cảm cha mẹ – con cái, đồng thời tạo mối tâm giao, kết thân với các gia đình khác.

“Hàng ngày, vợ chồng, con cái, ai cũng có công việc riêng. Vì những nỗi lo trong cuộc sống nên dường như không còn thời gian quan tâm tới nhau. Trong những chuyến đi thế này, gia đình mình mới có dịp trò chuyện tâm tình để hiểu nhau hơn, tìm lại niềm vui trong tình yêu giữa mẹ cha mẹ – con cái và tình thân của bạn bè”, chị Trang, hiện là giám đốc marketing tại TPHCM chia sẻ.

Hiện tại gia đình chị Trang và các thành viên trong câu lạc bộ đang lên kế hoạch tổ chức một ngày hẹn hò khổng lồ dành cho các gia đình mang tên “Family playdate”. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra vào ngày 25/8, tại TP HCM, quy tụ khoảng 9.000 người.

Cùng đi chung hội với gia đình chị Trang trong một chuyến nghỉ mát mùa hè cuối tuần, vợ chồng anh Phú cũng đem theo 2 cậu quý tử 10 tuổi và 6 tuổi. Trong mỗi trò chơi do chính các phụ huynh tổ chức, anh Phú đều khuyến khích hai con tham gia, từ nhảy bao bố, đi cà kheo, đến những trò chơi múa hát tập thể dành cho cả nhà.

Ông bố trẻ nói: “Mỗi lần đi chơi xa thế này bọn trẻ thích lắm. Tôi luôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các con tự giác tham gia vào các hoạt động của tập thể, ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh”. Theo anh Phú, khi cho trẻ chơi ngoài trời, có thể khiến quần áo các con sẽ bị vấy bẩn hoặc thậm chí xảy ra rủi ro, chân tay trầy xước. “Thấy con đau cha mẹ cũng xót, nhưng điều quan trọng là qua những lần đó, con lớn lên, tự tin và dạn dĩ hơn là mình mừng rồi”.

nguyenthuyhang-1376537793_500x0.jpg
Niềm vui của các thành viên trong gia đình khi cùng nhau đạp xe dạo mát trên bãi biển. Ảnh: TT.

Chia sẻ dưới góc độ là một chuyên viên tư vấn giáo dục, ông Phạm Phúc Thịnh, Trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc cho biết, việc cha mẹ và con cái cùng nhau làm việc, vui chơi là một cách giáo dục rất tốt, tạo cho các em sự tự tin, thói quen tự giác làm việc và tính tự lập. Qua đó sẽ làm thắm thêm mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong gia đình. Nhất là khi cùng làm việc với cha mẹ, trẻ dễ dàng tâm sự cởi mở những vấn đề các em quan tâm hoặc những chuyện thầm kín đang lo lắng.

Mặt khác, theo đánh giá của ông Thịnh, hiện nay nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ ở thành thị phải học quá nhiều, mất đi những cơ hội được trải nghiệm thực tế cũng như tinh thần yêu lao động. Cha mẹ ở thành phố thường có thói quen ôm đồm hết công việc nhà hoặc khoán trắng cho người giúp việc. Từ đó vô tình hình thành nên một lớp trẻ “cậu ấm, cô chiêu” chỉ biết hưởng thụ mà không biết làm việc. Từ chỗ không được dạy cách làm việc, trẻ sẽ đánh mất cơ hội rèn luyện những kỹ năng cơ bản. Khi lớn lên, các em thường sống ích kỷ, không biết quý trọng giá trị của lao động và chỉ muốn người khác phục vụ mình.

 

theo: vnexpress

Leave a Reply

Or