Dạy con theo luật hấp dẫn (P2): “Dụ” con làm việc nhà

Áp dụng luật hấp dẫn để nhẹ nhàng dạy con làm việc nhà, thay vì chúng ta phải quát mắng con mà cuối cùng vẫn phải “làm osin” cho con.

“Hấp dẫn” con làm việc nhà

Một buổi chiều, người mẹ đi làm về thấy bé Nam lớp 3 đang nằm nghe nhạc mà nhà cửa thì rất bề bộn nào là sách vở, quần áo vứt lung tung. Mẹ bực quá nên mắng con “sao con cứ nằm ườn ra như thế, không biết việc mà làm à?” Bé Nam giật mình ngồi dậy chào mẹ rồi lại ra lấy quyển sách ngồi đọc. Mẹ lại càng giận nên quát to hơn “ơ, con có bị điếc không đấy, nhà bao nhiêu là việc, con không chịu giúp mẹ lại còn ngồi đấy mà đọc sách, con coi mẹ là osin của con chắc”. Cậu bé ngơ ngác nhìn mẹ nhưng cũng chẳng biết mình nên làm gì, cu cậu lại xuống nhà bật TV lên xem.

Lúc này, người mẹ dường như đã quá nóng giận, chị giật lấy cái điều khiển TV trên tay con và hét lên “con định làm mẹ phát điên lên đấy hả, đồ lì lợm. Lên dọn phòng của con ngay đi”. Đến lúc này thì thông điệp mới được rõ ràng, cuối cùng thì cậu con trai đã biết mẹ muốn mình làm gì nên lẳng lặng về phòng dọn dẹp nhưng với tâm trạng không tốt, cu cậu chỉ làm qua loa cho xong.

Dạy con theo luật hấp dẫn (P2): Cách "dụ" con làm việc nhà

Giá như, ngay từ lúc mới đi làm về, dù nhìn thấy phòng ốc bề bộn nên khó chịu nhưng người mẹ chỉ cần giữ bình tĩnh một chút, hít thật sâu, thở ra thật chậm, lấy hơi rồi nhẹ nhàng nói với con:

– Mẹ: Mẹ về rồi đây, con đang làm gì đấy?
– Nam: Con chào mẹ, con đang nghe nhạc.
– Mẹ: Uh, con dậy đi, mẹ con mình có mấy việc phải làm trước khi bố về. Con muốn dọn phòng hay là xuống phụ mẹ nấu cơm. Nấu cơm xong hai mẹ con mình cùng dọn dẹp nhà cửa.
– Nam: Con muốn giúp mẹ nấu cơm trước rồi dọn nhà sau.
– Mẹ: Ok, vậy con muốn giúp mẹ làm gì nào?
– Nam: Con sẽ nhặt và rửa rau.
– Mẹ: Uh, vậy con nhặt và rửa rau nhé, mẹ đi thay quần áo rồi mẹ xuống.

Trong lúc nấu cơm, mẹ có thể dạy con khi nhặt và rửa rau đừng làm nát lá kẻo mất hết vitamin, mẹ có thể dạy con cách ướp thịt, cách nấu món nọ món kia ra sao. Sau đó, hai mẹ con cùng dọn dẹp phòng. Vừa dọn, mẹ vừa hướng dẫn con cách sắp xếp sách vở, đồ dùng sao cho gọn gàng, dễ lấy, quần áo thì treo hay gấp như thế nào… Khoảng thời gian hai mẹ con cùng làm việc nhà chính là lúc hai mẹ con có thể tâm sự chuyện trò vừa vui, vừa tình cảm. Sau một thời gian con đã quen với những việc làm đó, bố mẹ có thể giao phó việc đó cho con.

– Mẹ: Con trai mẹ bây giờ nhặt rau và rửa rau rất sạch, dọn nhà gọn gàng vậy hàng ngày mẹ sẽ làm bếp trưởng còn con phụ trách việc nhặt và rửa rau nhé, con sẽ giúp mẹ dọn mâm khi ăn và thu gọn bát đĩa ra chậu để mẹ rửa bát, con sẽ tự dọn phòng của con còn bố mẹ sẽ tự dọn phòng của bố mẹ xem phòng nào gọn gàng hơn nhé. Tối nay mẹ sẽ phải khoe với bố là con trai đã lớn và biết giúp đỡ mẹ rất nhiều việc. Cảm ơn con nhé!

Theo luật hấp dẫn những gì bạn lặp đi lặp lại sẽ đi vào tiềm thức của bạn và sẽ hấp dẫn điều đó đến với bạn. Nếu bạn nghĩ tiêu cực thì những điều tiêu cực sẽ đến. Có câu “ghét của nào trời trao của ấy” cũng có cơ sở của nó đấy. Ngược lại, những suy nghĩ tích cực, những ước mơ, dự định thật rõ ràng, cụ thể được bạn tập trung, dồn hết tâm huyết cho nó thì nhất định những điều tốt đẹp đó sẽ đến với bạn. Hãy gọi những “yêu cầu” trong cuộc sống của bạn một cách chính xác.Bạn cần xác định thật rõ và cụ thể mục tiêu của mình.

Vậy, để áp dụng luật hấp dẫn vào việc giáo dục con cái hiệu quả, bố mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ của mình, hãy hướng đến những điều tốt đẹp và khuyến khích con làm điều đó một cách rõ ràng.

Dạy con theo luật hấp dẫn (P2): Cách "dụ" con làm việc nhà

Dạy con tự lập, cha mẹ cần kiên nhẫn!

Trong giáo dục con cái, điều quan trọng là phải dạy con tính tự lập. Những đứa trẻ biết làm việc nhà cơ hội thành công sẽ cao hơn, tự tin hơn, biết chia sẻ và cảm thông với người khác hơn là người không biết làm việc nhà. Bố mẹ thường muốn con phải biết cư xử như người lớn, có tinh thần trách nhiệm, tự giác “biết việc mà làm” chứ không phải đợi bố mẹ dắt tay chỉ việc. Nhưng chẳng có em bé nào sinh ra, lớn lên mà tự biết làm việc cả. Tất cả đều phải được hướng dẫn, rèn luyện thường xuyên thì mới trở nên thành thục được.

Khi con đã biết làm việc gì đó rồi, bố mẹ sẽ giao việc đó cho con phụ trách, ban đầu có thể con vẫn chưa tự giác hoàn thành nhiệm vụ thì bố mẹ sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở con, từ từ tự khắc con sẽ có tinh thần trách nhiệm và tự giác làm nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, khi hướng dẫn, chỉ bảo cho con cách làm sẽ mất nhiều thời gian hơn là bố mẹ tự làm, thậm chí là còn làm bẩn nhà khiến bố mẹ phải dọn nữa nên nhiều bố mẹ không kiên nhẫn để dạy con mà tự mình làm cho nhanh. Khi giai đoạn ham học hỏi, tò mò và muốn được làm giống như người lớn của trẻ qua đi, trẻ không biết làm gì cả, con không được học cách sử dụng đôi tay cho linh hoạt, khéo léo. Sau này bố mẹ lại bắt con làm việc nhà, con tỏ ra vụng về, lóng ngóng thì lại bị bố mẹ mắng mỏ, chê bai. Như vậy, con sẽ luôn cảm thấy mình thất bại, vô dụng, con sẽ tự ti và đánh giá thấp bản thân mình.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or