Dạy con phát triển tư duy sáng tạo bằng cách không áp đặt

Anh Minh (Ba Đình – Hà Nội) là một nhà báo có cá tính. Anh rất chịu khó học và làm bài tập cùng cậu con trai đang ở lứa tuổi tiểu học. Cách đồng hành của anh với con khác biệt ở chỗ, anh luôn khuyến khích con tìm ra những cách để phản biện trên lớp.

Có lần, cậu bé tự tin tranh luận với cô giáo dạy toán đến mức bị cô mắng vì sai. Một vài lần bị thầy cô có thái độ đã khiến cậu bé “nhụt chí” và quay sang trách bố là “con không thích học kiểu đấy nữa”.

Nhìn con nhụt chí, anh Minh thấy tiếc: “Vì có nhiều giáo viên quá máy móc đưa ra một bài mẫu và học sinh cứ thế là copy + paste. Ít người dám công nhận cái lệch chuẩn của học sinh”. Làm sao để dạy cho con phương pháp tư duy độc lập, theo bản chất của vấn đề chứ không phải cách tư duy máy móc, sao chép là một trăn trở của nhiều phụ huynh ngày nay. Đó là những phụ huynh tiến bộ với quan niệm học không chỉ lấy kiến thức mà quan trọng hơn là cách tư duy để ứng xử và hành động trong cuộc sống.

dạy con; sáng tạo; không áp đặt; tư duy ; phản biện; độc lập
Với mỗi đơn vị kiến thức, các thầy cô luôn kích thích học sinh tự tìm ra khái niệm (mà không phải là cung cấp khái niệm cho học sinh thuộc lòng). Trong ảnh là một buổi ôn tập tổng kết bằng hình thức khá độc đáo: Thiết kế poster Toán học.

Thay vì giảng giải để trẻ nhớ, trẻ hiểu các kiến thức thì hãy dạy cho trẻ cách tư duy, sáng tạo. Trong khi dạy kiến thức, trong khi yêu cầu trẻ thực hiện các “quy định có sẵn” trẻ cần được thách thức, được đặt trong tình huống, được tìm tòi và phát hiện ra. Từ đó trẻ phát huy được năng lực của bản thân và hiểu bản chất.

Nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Olympia cho biết đây là phương pháp được chú trọng tại Trường phổ thông liên cấp Olympia và để làm được điều này thì nguyên tắc chính là không áp đặt.

Trước tất cả các vấn đề, người lớn không vội vàng cung cấp, truyền đạt mà chỉ cần lùi lại một chút để thách thức để trẻ tự tìm ra. Tạm coi những kiến thức, những quy định là chưa có, là chưa ai phát hiện và trẻ chính là người “phát hiện ra kiến thức”, “làm ra các quy định” theo cách nhà khoa học, người đời đã làm. Trẻ tập là nhà khoa học nhỏ, phát huy khả năng tiềm ẩn của mình.

Dạy trẻ viết được văn thì đầu tiên hãy dạy trẻ trở thành người biết đồng cảm, nhiều cảm xúc.

Dạy trẻ có tư duy logic thì phải đưa ra tình huống buộc trẻ phải suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện.

Dạy trẻ làm theo các “quy định” thì chính trẻ phải là người nghĩ ra các quy định ấy. Trẻ hiểu rõ tại sao phải làm như vậy, tự lựa chọn, tự quyết định, tâm phục khẩu phục và sẵn sàng làm theo.

Cách học này không chỉ áp dụng trong các giờ học mà cả các giờ chơi. Vào ngày 11/4, nhà trường sẽ có một buổi hội thảo về phương pháp giáo dục tư duy bản chất vấn đề để giúp phụ huynh có thể hỗ trợ con hiệu quả trong việc học tập và ra quyết định trong cuộc sống.

Phụ huynh có thể tham khảo một số lời khuyên sau:

Để trẻ tự quyết định

Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào hỏi, phải đánh răng…Rồi đưa ra các phán xét: “ngoan” nếu trẻ làm theo và “hư” khi trẻ làm những việc cha mẹ cấm.

Để con nghe và tự giác làm mọi việc thì trước hết cha mẹ phải chỉ ra cho chúng biết lý do tại sao phải làm thế. Tại sao phải đi vệ sinh, tại sao phải rửa tay, tại sao phải đánh răng,…Cha mẹ có thể đặt ra các tình huống cùng bàn luận với trẻ, để chúng tự nói lên, tự viết ra những lý do vì sao phải làm thế.

Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ, vì bị ép buộc mà vì đó là điều đúng, cần thiết.

Chọn việc dễ làm trước

Thành công sẽ giúp con tự tin và phấn khởi để tiếp tục thực hiện các yêu cầu tiếp theo. Vì vậy để con thành công bố mẹ hãy bắt đầu từ những yêu cầu phù hợp, yêu cầu dễ thực hiện, dễ kiểm soát ví dụ như: ăn xong cất bát. Việc này có thể rất lâu mới đi vào quy củ nhưng khi con đã thực hiện được thì những việc sau sẽ dễ dàng hơn. Không nên tham lam bắt ép ngay từ đầu, giao cho con yêu cầu khó thực hiện hoặc nhiều yêu cầu một lúc. Yêu cầu khó và nhiều khiến con không thực hiện được, dễ bỏ cuộc và dễ thất bại, không tự tin.

Động viên khích lệ khi làm tốt

Dù chỉ thành công một việc nhỏ nhưng được cha mẹ động viên, trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ luôn yên thương và quan tâm đến mình, chúng sẽ tự tin vào bản thân có thể làm tốt được tất cả mọi việc. Động viên, khích lệ sẽ làm con thích thú, có động lực và nhớ để thực hiện.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, động viên khích lệ chứ không phải so sánh với ai khác. Cha mẹ có thể nói với con bằng những câu khích lệ như “Mẹ tin con có thể làm được”, “Mẹ tự hào về con”, “Mẹ nghĩ bố sẽ thích điều này”, “Việc này có vẻ đúng với khả năng của con”, “Chỉ cần cố gắng một chút là con đã làm được”…

Không trách cứ khi mắc lỗi

Để tập một thói quen tốt cho con cần có kế hoạch, từ từ, chậm chạp, không được nóng vội. Khi trẻ mắc lỗi thì nên giúp con tìm ra giải pháp khắc phục chứ không nên mắng mỏ, chê trách.

Sẽ không mấy hiệu quả khi cha mẹ vội khuyên bảo, trách mắng đúng lúc trẻ mắc lỗi. Lúc này con sẽ tìm ngay lý do “bào chữa” cho mình và đôi khi sẽ phản ứng tiêu cực như cãi lại, chối tội. Ngay cả khi biết mình sai con cũng không muốn thừa nhận.

dạy con; sáng tạo; không áp đặt; tư duy ; phản biện; độc lập
ảnh minh họa

Hãy bình tĩnh để cho con cảm thấy cha mẹ đang là “đồng minh” của con. Hãy cố gắng tìm ra cái lý của con, tỏ ra đồng lòng, đứng về phía con để con có thể bình tâm lại. Một lát sau hoặc chờ khi thích hợp, cha mẹ thảo luận cùng con về việc đã xảy ra, cùng con phân tích để con tìm ra giải pháp. Bỏ qua lỗi lầm tạm thời chứ không có nghĩa là bỏ qua luôn.

Những lỗi mà con vi phạm lần đầu với những lỗi mà con đã lặp lại nhiều lần sẽ cần có cách giải quyết khác nhau:

Khi con gặp lỗi lần đầu, cha mẹ giúp con tự nhận ra lỗi, nói ra được tên của lỗi đó và cam kết không lặp lại.

Khi con lặp lại lỗi cũ nhiều lần, cha mẹ cần tỏ thái độ không hài lòng và yêu cầu nghiêm túc thực hiện cam kết. Lúc này có thể không cần phân tích khuyên bảo nữa.

Không so sánh

Cha mẹ thường hay có thói quen nói ra những câu so sánh bởi vì trước đây chính cha mẹ cũng thường “được” người lớn mang ra để so sánh và cha mẹ cũng luôn có tâm lý mong con tốt hơn hoặc tốt bằng một bạn nào đó.

So sánh sẽ làm trẻ lầm tưởng là “mình chỉ giỏi khi mình hơn người khác”. So sánh hơn người khác – con sẽ tự kiêu, sẽ ích kỷ và sự tự tin có được chỉ là quả bóng ảo tưởng, không phải sự tự tin thật. So sánh kém người khác – con sẽ tự ti, mất đi sự tự tin (nghĩ là mình là người kém cỏi, không làm được), sẽ phiền muộn và lo âu.

Kiên trì với con

Để tập cho trẻ một thói quen nào đó không thể một sớm một chiều mà cần sự kiên trì của cha mẹ. Duy trì củng cố thì tự nhiên những yêu cầu sẽ trở thành “luật”, thành “nguyên tắc” mà cha mẹ mong đợi. Thái độ nhất quán của cha mẹ (kiểm soát những yêu cầu đã đề ra, lặp đi lặp lại nhiều lần, trong một thời gian dài) sẽ khiến con (không bằng lời) hiểu mình cần phải làm gì. Đừng vội vàng, đừng sốt ruột muốn mọi thứ phải tốt ngay, cha mẹ cần kiên trì củng cố cho con.

Theo vietnamnet

Leave a Reply

Or