Dạy con những hành vi tích cực để tự tin

Muốn con có thái độ sống tự tin, cha mẹ cần biết lắng nghe, làm gương và hướng dẫn bé rèn luyện từng bước những hành vi tích cực.

Trong cuộc sống, một đứa trẻ sẽ có 3 môi trường hình thành nên nhân cách: gia đình, nhà trường và xã hội. Ở 2 môi trường bên ngoài là nhà trường và xã hội, trẻ cần có đủ sự tự tin để kết bạn, học hỏi và khẳng định bản thân. Tuy nhiên nhiều bé vẫn rất nhút nhát và ngần ngại khi giao tiếp, đó là bởi trong môi trường gia đình trẻ đã không được cha mẹ quan tâm đúng cách để bồi dưỡng sự tự tin.

Trẻ em, đặc biệt là các bé từ 6 đến 12 tuổi rất nhạy cảm vì đang trong giai đoạn hình thành những thói quen và tư duy mới trong cuộc sống. Ở độ tuổi này, các bé có nhu cầu được học hỏi, trải nghiệm nhiều hơn và muốn được khẳng định bàn thân. Do đó cha mẹ cần quan tâm và hướng dẫn bé có những thói quen và hành vi tích cực để con tự quý trọng mình và được người khác quý trọng, đồng thời giúp con giảm bớt những hành vi tiêu cực khiến người khác không thích con.

Trẻ em học bằng cách nhìn vào những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ. Do đó, bố mẹ cần là người dẫn đường, đồng hành cùng con, lắng nghe, tôn trọng cá tính và những gì con mong muốn. Khi bạn luôn có thái độ lạc quan và hành vi tích cực, bạn đã dạy con một cách trực quan và thuyết phục thay cho những lời mắng mỏ hay giáo điều khuôn sáo.

Có 4 nguyên tắc quan trọng cha mẹ cần biết để dạy con những hành vi tích cực:

1. Giảm bớt hành vi sai bằng cách tập cho con hành vi đối lập.

1
Để giúp con tự tin, bên cạnh việc sửa hành vi sai, cha mẹ cần giảng giải và tập cho con điều đối lập

Sai lầm chung của các bậc cha mẹ là chỉ chú ý đến những lỗi sai nhiều hơn là những hành động đúng, tuy nhiên với tâm lý tiếp nhận của trẻ nhỏ thì những lời nhắc nhở, mắng mỏ khi con làm sai sẽ không đem lại hiệu quả bằng việc khuyến khích khi con làm được việc tốt. Để giúp con tự tin, bên cạnh việc sửa hành vi sai, cha mẹ cần giảng giải và tập cho con điều đối lập, tức là những hành vi đúng đắn. Dần dần, trẻ sẽ quen với hành vi đúng và hình thành những thói quen tốt, đồng thời tin rằng mình là người có giá trị.

Ví dụ: Muốn con bớt khom lưng và gục đầu trên bàn khi ngồi học, thay vì chỉ mắng mỏ rằng con làm thế là sai, cha mẹ nên từ tốn giảng giải cho con rằng ngồi như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vóc dáng và thị lực của con: con sẽ bị đau lưng, thấp bé hơn các bạn và sẽ phải đeo kính rất xấu, điều đó là không tốt. Điều tốt là con cần ngồi thẳng lưng, vuông góc với sàn nhà, hai tay đặt trên bàn chứ không phải chống cằm. Mẹ cần làm mẫu luôn để con phân biệt giữa 2 tư thế sai và đúng, trẻ sẽ thấy là mẹ ngồi thẳng trông đẹp hơn khi khom lưng, và do đó trẻ sẽ tự giác học theo tư thế đúng.

2. Công nhận, khích lệ và khen thưởng hành vi đúng kịp thời

2
Hãy luôn dành cho con những lời khen đúng lúc và đúng chỗ

Muốn khuyến khích hành vi đúng, cha mẹ phải khen thưởng ngay khi con làm thì hành vi mới có nhiều triển vọng lặp lại, nhất là đối với trẻ nhỏ. Những lời khen luôn có tác dụng tích cực đối với trẻ nhưng bạn đừng đưa ra lời khen chung chung, hãy dành cho con những lời khen chính xác, cụ thể, gắn với những việc tốt con làm. Khi đó trẻ sẽ tự hào, cảm thấy mình quan trọng và hào hứng phát huy việc tốt trong những lần sau. Trẻ càng nhỏ, phần thưởng càng phải tức thì hơn, nhưng lời khen ngợi thì phải đưa ra ngay khi con làm hành vi tốt, dù con ở độ tuổi nào.

Với con lớn, nếu không thể thưởng ngay vì nhiều lí do thì nên khen con trước, rồi hứa sẽ thưởng vào một thời điểm thích hợp cụ thể. Một khi đã hứa, cha mẹ cần phải giữ lời hứa với con và mức độ khen thưởng cũng cần tương xứng với cố gắng của con, điều đó sẽ giúp trẻ thêm tin tưởng và tôn trọng bạn.

Ví dụ: Bạn có hai con, một bé học cấp 1 và một bé ở tuổi mẫu giáo. Ở trường, bé học cấp 1 sẽ được tặng giấy khen khi kết thúc 2 học kỳ, tức là 2 lần/năm, còn bé học mẫu giáo sẽ được cắm cờ thi đua hàng ngày, cuối tuần được phiếu bé ngoan và cuối năm lãnh phần thưởng. Tương tự như vậy, bạn nên học cách khen và thưởng cho con nhỏ hàng ngày, khen con lớn ngay khi bé ngoan và hứa thưởng khi thích hợp. Nếu bé muốn được thưởng một chuyến đi chơi vì đạt học sinh giỏi kỳ 1, trong khi cha mẹ đang bận việc cuối năm ở cơ quan, bạn có thể hứa thưởng cho con một chuyến nghỉ mát vào mùa hè. Hoặc nếu bé muốn được thưởng một món đồ chơi mà mẹ lại đang bận nấu cơm, bạn có thể hứa mua cho bé vào cuối tuần, bé sẽ càng thêm háo hức đấy!

3.  Định hình hành vi từng bước theo chuỗi

3
Thói quen, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày đóng vai trò quan trọng đối với mọi đứa trẻ

Nếu hành vi xấu là kết quả của nhiều hành vi khác tích hợp lại, thì để giúp con định hình hành vi tốt, cha mẹ cũng cần hướng dẫn và khuyến khích con từng bước. Tuyệt đối không nên bắt con làm quá nhiều thứ một lúc hoặc chỉ đưa ra mệnh lệnh chung chung, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nếu bị bố mẹ gây quá nhiều áp lực. Thói quen, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày đóng vai trò quan trọng đối với mọi đứa trẻ, bạn nên giúp con hình thành thời gian biểu một cách khoa học, sau đó thực hiện đều đặn, nghiêm túc.

Ví dụ: Sáng nào mẹ cũng đi làm muộn vì con đến lớp muộn. Đó là kết quả của một chuỗi hành vi sai như: dậy muộn, không đánh răng rửa mặt ngay, ăn sáng chậm chạp, không nhanh chóng thay quần áo, gần đến giờ đi học mới soạn cặp…  Trong trường hợp này, hành vi bạn muốn tập cho con là sẵn sàng ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng, do đó mẹ cần lên kế hoạch và nhắc nhở con một chuỗi hành vi trước đó như:

– Soạn cặp rồi đi ngủ vào 9:30 giờ tối hôm trước, thức dậy vào 6:30 giờ sáng hôm sau

– Vệ sinh ngay khi thức dậy

– Ăn sáng ngay sau khi vệ sinh, hoàn tất trong 15 phút

– Thay quần áo tối đa trong 5 phút.

Mẹ không nên đợi con làm đúng hành vi mình mong muốn rồi mới khen thưởng mà cần khen thưởng ngay khi con làm được bước 1. Khi bước 1 hình thành ổn định, mẹ tiếp tục tập và khen thưởng cho con khi con làm được bước 2 và cứ thế tiếp tục cho đến khi hành vi cuối cùng được hình thành. Cụ thể là khi con ngủ sớm, dậy sớm mẹ có thể thưởng cho con món ăn sáng yêu thích, khi con vệ sinh nhanh nhẹn mẹ có thể cho phép con tự chọn quần áo để mặc trong ngày, nếu con thay quần áo nhanh thì sẽ được mẹ mua cho quần áo mới, và cứ tiếp tục như vậy, con sẽ hình thành được thói quen nhanh nhẹn và đúng giờ, là điều mà mẹ muốn tập cho con.

4. Tập hành vi cụ thể giúp con tự tin: Nụ cười

4
Cách tốt nhất để dạy trẻ tự tin là tập cho trẻ làm những điều mà người tự tin làm một cách dễ dàng và thường xuyên

Các nhà tâm lý theo Thuyết Hành Vi tin rằng: cách tốt nhất để dạy trẻ tự tin là tập cho trẻ làm những điều mà người tự tin làm một cách dễ dàng và thường xuyên. Ở tuổi từ 6 đến 12, trẻ dành hầu hết thời gian ở trường, vì vậy khả năng tương tác tạo thiện cảm với các bạn giúp trẻ được quý mến và trở nên tự tin hơn. Nụ cười tự tin là bước đầu giúp con vượt qua những rào cản, khó khăn trong cuộc sống, hướng con đến một tinh thần lạc quan để đón nhận những điều tốt đẹp.

Để tập cho trẻ thói quen tươi cười với mọi người, tùy thuộc vào vấn đề mỗi trẻ đang gặp phải và hoàn cảnh cụ thể, cha mẹ có thể làm theo những gợi ý sau đây:

– Nếu con buồn vì ít bạn chơi với mình, cha mẹ có thể giải thích cho con hiểu rằng nụ cười giúp con dễ làm quen và được các bạn yêu mến hơn.

– Tạo những tình huống làm con cười: như nói đùa, kể chuyện vui, chơi chung một trò chơi hào hứng khiến trẻ cười thích thú… Khi con cười, cha mẹ hãy khen rằng nụ cười làm gương mặt con sáng lên và rất dễ thương.

– Tập cho con cười trong môi trường khích lệ: hãy nói với người thân trong nhà rằng bố mẹ đang tập hành vi này cho con và mong mọi người khuyến khích, khen ngợi khi con cười.

– Hỏi con về một người con thích mà chưa làm quen hay kết thân được, cùng con lên kế hoạch kết bạn bằng nụ cười.

– Dạy con chăm sóc răng miệng để cười tự tin: con cần đánh răng đều đặn vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ để có hàm răng trắng sáng, chắc khỏe, không sâu răng, hơi thở thơm mát. Điều đó sẽ giúp nụ cười của con luôn tự tin và tỏa sáng.

Cha mẹ cũng cần dạy con những kiến thức cần thiết khác như: cách bộc lộ cảm xúc, cách bắt đầu câu chuyện, cách tặng quà, nói lời chào, cảm ơn và xin lỗi đúng cách…  để luôn tự tin khi giao tiếp. Một điều cần ghi nhớ nữa là: những gì bạn làm quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn nói. Nếu bạn muốn con chủ động trong giao tiếp, hãy luôn thân thiện với tất cả mọi người. Nếu muốn con hiểu giá trị của nụ cười, cha mẹ cũng cần luôn tươi cười và chăm sóc răng miệng của mình thật tốt, như vậy cả gia đình sẽ luôn vui vẻ, lạc quan và có nụ cười tự tin.

Khóa học Online “Mẹ thông thái – Con tự tin” của nhãn hàng P/S – Chuyên gia chăm sóc sức khỏe răng miệng – là khóa học giúp các bậc phụ huynh khám phá những bí quyết để hiểu con hơn và rèn luyện cho con sự tự tin tốt nhất. Đây là nơi giúp mẹ trả lời câu hỏi “Mẹ hiểu con đến đâu?”, là nơi bật mí cho mẹ những bí quyết dạy con cực hay và là nơi khiến mẹ trở nên thông thái hơn bao giờ hết!

Nhiều phần quà hấp dẫn và Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học “Mẹ thông thái – Con tự tin” đang chờ đợi mẹ! Hãy tham gia ngay hôm nay!

Theo Trí Thức Trẻ

Leave a Reply

Or