Dạy con ngoan: Trung thực với bản thân

Trẻ nói dối có thể vì nhiều nguyên nhân như quên, muốn được chú ý, hay do trí tưởng tượng sinh động. Bạn cần khéo léo và bình tĩnh trong cách dạy dỗ để trẻ hiểu và không có phản ứng tiêu cực.

Không đặt mục tiêu quá sức con

Đề cao sự cố gắng nhưng không yêu cầu con phải bằng mọi giá để có thành tích tốt chính là lời khuyên dành cho cha mẹ. Nếu một cuộc thi vẽ tranh có những 300 thí sinh tham dự, bạn cứ muốn con mình đoạt giải nhất, liệu đó có phải là một yêu cầu công bằng với con? Vì sao trong lớp học có những 30 học sinh mà bé phải luôn giỏi hơn các bạn? Chính thái độ xem trọng thành tích, muốn con hơn người của cha mẹ sẽ tạo nên áp lực nặng nề cho trẻ.

Hãy nói với trẻ rằng, bạn mong con cố gắng hết sức mình và thực hiện nghiêm túc mọi thứ. Đặt ra một mức sàn và đảm bảo bé không dưới mức sàn ấy. Bé không cần phải giỏi hơn bạn bè mà phải hơn chính mình là được. Nếu hôm qua, bài tập toán của bé được 7 điểm, hôm nay được 8 điểm. Đó là một bước tiến lớn. So sánh với bạn bè chỉ khiến bé sinh lòng tị nạnh và phải dùng mọi cách để có được thành tích.

daycontrungthuc

Gia đình luôn là chỗ ấm áp và an toàn cho trẻ

Hãy luôn tự hào về con

Đừng so sánh bé với những đứa trẻ khác bởi cũng như người lớn, không ai thích bị mang lên bàn cân để xét nét. Mỗi đứa trẻ khác nhau về tính cách, cấu tạo cơ thể và cả hoàn cảnh sống. Đừng vội thất vọng vì con bạn kém thông minh hơn đứa trẻ khác. Hãy hiểu con mình cùng những mặt mạnh và yếu của bé và tìm cách để giúp bé phát triển tự nhiên. Dù con bạn thế nào, hãy luôn cho trẻ biết bạn luôn cảm thấy tự hào và yêu quý chúng. Đó là động lực khuyến khích trẻ tự tin vào bản thân mình khi lớn lên.

Đánh giá cao sự trung thực

Khi đã cho trẻ biết là bạn luôn tự hào về trẻ, bước tiếp theo, hãy dạy bé trung thực với bản thân mình. Đồng thời, khuyến khích bé nói ra suy nghĩ, những điều bé muốn. Nếu trẻ không vui hay có thái độ né tránh khác thường ngày, hãy khuyến khích bé nói ra. Không may, bé bị điểm kém, hãy cùng bé rà soát lại kiến thức và kịp thời giúp bé hiểu ra vì sao mình chưa học tốt. Nếu bé không thích phải làm việc nhà, gấp quần áo, đi tắm, đánh răng, rửa tay…, bạn hãy kêu gọi cả nhà vào cuộc, tạo thành những trò chơi vui nhộn để bé tham gia hay đặt ra những luật lệ như: “Chưa rửa tay thì chưa được ăn cơm, chưa gấp quần áo gọn gàng thì chưa được xem hoạt hình…”. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra bé thiếu trung thực, hãy cho trẻ biết đó là hành vi sai trái và bé phải gánh chịu hậu quả.

Trong cuộc sống thường ngày, bạn hãy phân tích cho trẻ hiểu những hành động đúng và sai mọi lúc mọi nơi như: khi đi trên đường, khi chơi ở công viên,… Những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt này sẽ in sâu vào lòng trẻ và dần hình thành quan điểm sống.

Luôn để mắt đến con

Điểm mấu chốt nhất của việc dạy con chính là phải luôn để mắt tới bé. Những ông bố, bà mẹ thành công là những người biết âm thầm quan sát con từ xa, nhận ra những thay đổi ở bé và gần gũi với con. Trẻ sẽ tìm mọi cách quanh co để đối phó nếu trẻ quá sợ bạn la mắng. Bên cạnh đó, hãy luôn cho trẻ một tôn chỉ, đó là: tự nói ra thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với chuyện ba mẹ phát hiện ra lỗi lầm của bé. Hiểu, chia sẻ và trở thành những người bạn lớn của con để kịp thời uốn nắng những mầm non này bạn nhé!

Theo Marrybaby

Leave a Reply

Or