Dạy con đương đầu với áp lực từ bạn bè

Bạn nhận thấy dường như con trẻ đang bị chúng bạn tác động quá nhiều? Trước khi thể hiện sự không hài lòng với trẻ về điều đó, bạn nên xét lại xem liệu khi ở nhà, con có tiếng nói của riêng mình? Nhiều ba mẹ không biết rằng sự áp đặt của họ lên con trẻ chính là nguyên nhân cho sự thiếu quyết đoán và độc lập ở trẻ trước bạn bè đồng lứa.

Bạn bè luôn có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ, đặc biệt khi con đi học. Với con cái ở tuổi dậy thì, tác động của bạn bè đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả tác động của ba mẹ. Làm thế nào để giúp con phát triển đúng đắn mà vẫn không làm mất đi tính tập thể tốt đẹp?

Học cách thương lượng cùng con
Một rắc rối thường gặp giữa ba mẹ và con cái là hai bên có hai luồng ý kiến trái ngược nhau với cùng một vấn đề, dẫn đến dễ xảy ra xung đột khi phải đưa ra một quyết định hoặc kết luận nào đó. Giải pháp cho bạn là lắng nghe và cân nhắc lời đề nghị của con, nếu đó là điều bạn không thể hoặc không muốn đáp ứng, nên cho con sự lựa chọn thay thế, thay vì nói “Không” 100%. Và bạn cần những lý do thuyết phục cho sự chối từ của mình chứ không nên chỉ giải thích qua loa rằng ba mẹ muốn như thế hoặc ba mẹ nghĩ thế là đúng.

Dạy con đương đầu với áp lực từ bạn bè

Dạy con biết quyết đoán
Bạn có từng nghe rằng cách tốt nhất để dạy dỗ con cái là làm gương cho chúng? Do đó, nếu bạn tỏ ra quyết đoán trong những tình huống nhất định, con của bạn sẽ học được điều đó. Khi con đủ lớn, bạn có thể dạy con cách đáp lại những lời yêu cầu của bạn bè sao cho hợp lý, có thể đơn giản chỉ là: “Không. Tớ không đi đâu vì chiều nay tớ phải ở nhà trông em.” nếu con muốn từ chối một lời rủ rê đi chơi.

Nói chuyện thay vì ép buộc
Bạn đã thật sự lắng nghe những điều con muốn, bao gồm cả những điều thể hiện qua lời nói và qua hành động? Kiềm chế những lời chỉ trích đang chực thốt ra và chờ cho không khí trở nên bớt căng thẳng hơn để nói với con những lo lắng của bạn. Nếu con gặp rắc rối chuyện trường lớp, bạn học, mà không biết phải ứng phó làm sao, bạn có thể thử giả định những tình huống có thể xảy ra, sau đó cùng con thảo luận hướng giải quyết.

Áp lực đồng lứa cũng có mặt tích cực
Bên cạnh mặt tiêu cực mà nhiều phụ huynh lo ngại khi nhắc đến áp lực từ bạn bè là những chuyện đua đòi, ăn theo phong trào, áp lực đồng lứa cũng có mặt tích cực cần được nhìn nhận khách quan. Các cuộc nghiên cứu trên nhiều nhóm trẻ vị thành niên kéo dài hàng chục năm đã cho thấy những đứa trẻ cảm thấy áp lực hơn từ bạn bè của chúng khi bước vào tuổi thiếu niên có khả năng xoay xở tình huống tốt hơn khi trưởng thành. Bên cạnh đó, những đứa trẻ này cũng có mối quan hệ tích cực với những đối tượng xung quanh, bất kể đó là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người yêu.

 

 

theo: marrybaby

Leave a Reply

Or