Đau lòng vì con nhất định không chào họ ngoại

“Mẹ vẫn nói con không nên tiếp xúc với người lạ. Người ta sẽ bắt cóc con rồi đem bán cho “ông Bị”. Giờ mẹ lại kêu con chào hỏi, nói chuyện với người lạ.

Tết là dịp đoàn viên. Mẹ chờ đợi giây phút được họp mặt với các anh chị em trong nhà và mẹ cũng muốn khoe con gái đáng yêu, ngờ đâu con khiến mẹ một phen thật xấu hổ khi tỉnh bơ bảo: “Con không chào đâu, con đi chơi đây”.

Những ngày chơi ở nhà cậu, con không thèm nói chuyện với ai. Misu cứ khinh khỉnh, tỉnh bơ, phớt-ăng-lê trước tất cả những lời mời gọi vui chơi của các anh chị con cậu. Con không chủ động cư xử với mọi người, hễ có gì con cũng hỏi ý kiến mẹ. Đúng là con rất ngoan, nhớ những lời mẹ dạy, nhưng tùy tình huống mà xử lý chứ. Mẹ chỉ dạy con lúc có người lạ hỏi han, dỗ phỉnh gì, con cần hỏi ý mẹ rồi mới được làm. Còn mẹ đâu có dạy con phải đề phòng với cả người thân của mình.

 Mẹ đâu có dạy con phải đề phòng với cả người thân của mình

Nhiều lần, mẹ tía tai khi nghe con oang oang ngay trước mặt cậu: “Mẹ à, sao nhà mình mà mình không ở. Mình qua nhà cậu làm chi. Ở đây lạ quá, con không quen. Con không nói chuyện với cậu đâu”. Mẹ kéo Misu đến và nói nhỏ vào tai con: “Misu này, cậu thương con lắm mà. Nhà cậu cũng như nhà mình. Nơi này ông bà ngoại từng sống nè con. Mình ở đây chơi vài ngày cho cậu và các dì vui rồi về”. Nàng nghe xong, lắc đầu làm rung rinh hai bím tóc. Mẹ vừa có chút giận vừa buồn cười.

Chịu đựng con bướng bỉnh mấy ngày Tết, mẹ tạm biệt cậu và mấy dì về nhà. Con hớn hở ra mặt. Lúc mẹ kêu con cúi đầu thưa cậu, mợ rồi mới ra xe, Misu một mạch cắm đầu chạy trước, né tránh việc chào hỏi. Cậu cười giả lả cho mẹ đỡ ngượng nhưng mẹ thấy bực bội dâng cao. Ngày thường mẹ dạy con đàng hoàng lắm, gặp mấy cô chú hàng xóm, con tự giác chào hỏi rất đáng yêu, cớ sao người nhà của mình con lại vô phép như thế.

Mẹ dạy con chào hỏi

Đêm hôm đó, khi nhà mình chuẩn bị tắt đèn đi ngủ, mẹ mới hỏi nàng: “Misu sao lại không chào cậu mợ, không nói chuyện với họ hàng mình ở quê vậy? Thường ngày con vẫn chào cô chú hàng xóm rất lễ phép mà?”. Cái miệng nhỏ xíu của Misu bắt đầu khua lên khua xuống. Nàng điệu đà nói: “Mẹ vẫn nói con không nên tiếp xúc với người lạ. Người ta sẽ bắt cóc con rồi đem bán cho “ông Bị”. Giờ mẹ lại kêu con chào hỏi, nói chuyện với người lạ. Nhỡ con quen thân rồi, khi không có ba mẹ, con bị họ bắt đi thì sao”. Mẹ phì cười cho suy nghĩ ngộ nghĩnh của con. Nhưng trời đã khuya rồi, mẹ phải để cho thiên thần nhỏ ngủ thôi, kẻo lỡ giấc.

Con gái của mẹ được cái hồn nhiên, mới đặt lưng xuống chút đã “khò khò” rồi. Còn mẹ vẫn trằn trọc suy nghĩ, làm sao cho để con hiểu và phân biệt thế nào là cảnh giác, thế nào là vô phép với người lớn. Suy cho cùng, trong vấn đề này cũng có phần lỗi của mẹ. Lẽ ra, mẹ phải có bước chuẩn bị tâm lý để con không phải ngỡ ngàng khi tiếp xúc với họ hàng ở xa.

Chuẩn bị tâm lý cho con khi gặp người thân ít tiếp xúcBé có phản ứng sợ hãi, từ chối tiếp xúc với người lạ (đối với bé) là một biểu hiện rất bình thường. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên tìm cách giải thích rõ cho bé hiểu giữa người lạ và người thân mà con chưa từng gặp. Ba mẹ nên đưa một vài ví dụ cụ thể cho bé dễ tiếp thu hơn. Đồng thời, khi bạn muốn con tiếp xúc với người bé chưa từng gặp hay lâu ngày không gặp, bạn nên giúp con chuẩn bị sẵn tâm lý, tránh sự đột ngột khiến bé hụt hẫng. Dù ít gặp người thân nhưng ba mẹ nên nhắc đến tên, cho xem ảnh, hay cho con gặp người thân qua điện thoại để có sự giao tiếp

Theo Phunutoday

Leave a Reply

Or