Đầu gối trẻ không chạm: Bác sĩ nói gì?

Theo BS Huỳnh Mạnh Nhi (Khoa chỉnh hình nhi – BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM), trẻ sơ sinh chân vòng kiềng chưa cần nắn chỉnh.

Độc giả có email Cunbong…@yahoo… đã chia sẻ nỗi lo lắng khi con sinh ra nhưng bà ngoại duỗi chân thì thấy hai đầu gối không chạm vào nhau và nói là bé Miu đã bị chân vòng kiềng.

“Bà duỗi hai chân Miu rồi khi thấy hai đầu gối cháu không chạm được vào nhau, mẹ chồng em kiên quyết khẳng định là chân Miu đã bị vòng kiềng. Từ đấy đến giờ đã được hơn 20 ngày, ngày nào vào phòng em thăm cháu, mẹ chồng em cũng thở ngắn than dài, vì “có đứa cháu gái lại chân bị tật, sau chẳng ai nó thèm yêu”. Gặp ai bà cũng chê, cũng kể. Em nghe mà lòng buồn vô hạn”, độc giả này chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Huỳnh Mạnh Nhi (Khoa chỉnh hình Nhi – Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM) cho biết: “Khi hai gối duỗi thẳng và hai bàn chân sát vào nhau mà hai gối không chạm vào nhau thì có thể cháu có chân vòng kiềng. Có thể nhận biết hiện tượng chân vòng kiềng như mô tả ở trên”.

Về nỗi lo khi con bị chân vòng kiềng ngay khi từ mới sinh ra cho đến thời điểm hiện tại bé chưa đầy 1 tháng tuổi, bác sĩ Huỳnh Mạnh Nhi nói: “Chân vòng kiềng ở trẻ mới sinh không cần nắn chỉnh gì. Có thể quan sát thêm một thời gian nữa. Sau 18 tháng, đa số trường hợp chân vòng kiềng sẽ trở lại bình thường. Nếu vẫn còn kéo dài thì cho cháu khám ở các bệnh viện có khoa Chỉnh Hình Nhi, như bệnh viện Chấn thương Chỉnh Hình TPHCM, hay bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM. Hoặc cũng có thể đưa trẻ tới chuyên khoa nhi để được thăm khám.”

Cũng theo bác sĩ Nhi, hiện chưa rõ nguyên nhân và cũng chưa có giải pháp để sinh con không bị chân vòng kiềng.

Đầu gối trẻ không chạm: Bác sĩ nói gì? - 1
Cha mẹ chú ý nắn nhẹ chân con hàng ngày là được (ảnh minh họa)

Liên quan đến sự phát triển xương của trẻ, trong cuộc trao đổi cách đây không lâu, bác sĩ Mai Trung Dũng (Phó Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện 354 Hà Nội) cho rằng: “Trẻ mới 4 tháng đã cho ngồi xe tập đi là quá sớm. Hệ xương của trẻ lúc đó còn rất yếu, không thể ngồi như vậy được. Việc ép buộc trẻ ngồi như vậy sẽ  ảnh hưởng rất lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ”.

Theo bác sĩ Dũng, khi trẻ ngồi xe tập đi sớm như vậy ảnh hưởng đầu tiên đến cột sống. Việc chịu áp lực chèn lên cột sống, có nguy cơ khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống. Ngoài ra các cơ của trẻ đang yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng.Khi trẻ ngồi xe tập đi, chân bị dạng ra như vậy cũng có thể dẫn đến việc đi vòng kiềng, chân bị khuỳnh về sau, làm mất thẩm mỹ của dáng đi.

 

theo: eva

Leave a Reply

Or