Đánh con để rồi… ân hận!

Cha mẹ nào mà chẳng thương con cái! Nhưng đôi lúc, vì không thể chịu nổi sự quấy phá, bướng bỉnh hay nghich ngợm của con trẻ, nên không ít người đã dùng bạo lực với con. Để rồi, sau mỗi lần đánh con, trong lòng họ lại cảm thấy day dứt và ân hận…

Con đau 1, mẹ đau 10!

* Thanh Nga (thnga19_6@yahoo.com): Hôm ấy 21h, mình cho con lên giường, dự tính kể chuyện và xoa lưng khoảng 30 phút hoặc cùng lắm 1 tiếng sau là con sẽ ngủ. Thế nhưng đến tận 10h30, kể bao câu chuyện (có chuyện kể đi kể lại 4 – 5 lần), tay thì mỏi rã rời mà con vẫn không chịu ngủ. Dọa dẫm đủ kiểu, rồi nịnh nọt bé vẫn không chịu ngủ. Bực quá và không nén nổi, mình đã vớ thanh gỗ masage vụt cho con mấy cái vào mông. Bé khóc và khoanh tay xin lỗi. Lập tức, mình ôm bé và nói rằng: “Vì con hư, không chịu nghe lời đi ngủ sớm, nên mẹ giận mới đánh đòn”. Bé choàng tay ôm lấy mình và nói: “Con ngoan rồi ạ. Mẹ ơi, con yêu mẹ!”. Lúc đó, mình ân hận đến chảy nước mắt, nghĩ thương con và cũng trách mình đã nóng nảy. Mình vỗ về và dặn con: “Từ mai, con nhớ ngủ sớm đúng giờ nhé!”. Con gái gật đầu: “Vâng ạ”, rồi dần chìm vào giấc ngủ. Mấy ngày sau đó, mình suy nghĩ về việc đã đánh con rất nhiều, sợ bé ghét và xa lánh, nên cứ gần con là hỏi: “Con có yêu mẹ không?”. Và, bé luôn trả lời: “Có ạ!”.

Chrysanthemum
* Thanh Hoa
(nguyenthanhhoa2993@yahoo.com): Hôm trước, em cũng mới đánh cháu. Mẹ đang mỏi mệt vì bầu bí, lại bị mất ngủ 2 đêm liền. Vậy mà đi học về, bé cứ mè nheo. Em nẻ bằng tay 3 cái vào mông đau “chí mạng” vì em cũng thấy… rát tay. Chồng em không chịu nổi, lao vào đẩy em ra và bế lấy con. Thậm chí, mặt “ông ấy” còn méo đi vì thương con. Tự nhiên em chùng xuống, chả hiểu sao cũng ngồi khóc nức nở. Vẫn biết không được đánh con, nhưng lúc đó không kìm được mình.

* Bảo Ngọc (nth.vnpbanks@yahoo.com): Mình luôn nhớ hình ảnh con gái lặng thinh chịu đựng sự giận dữ khi bị mẹ mắng. Mắt mẹ trợn lên, bắt đầu mắng mỏ, rồi cho mấy cái tét vào mông hoặc chân. Bình tĩnh lại, mình thấy rất thương con và trách mình vô cùng. Chỉ mong mau chóng về nhà ôm con vào lòng và nói: “Mẹ yêu con lắm!”. Đôi lúc tự hỏi, sao mình lại tự cho cái quyền được đánh con mỗi khi giận dữ. Vì con là con mình ư? Vì mình đã nuôi dạy con ư? Hay là vì ở Việt Nam, chuyện bố mẹ đánh mắng con là hết sức thường tình, nên mình cứ giận dữ là trút lên đầu con?…

* Minh Hà (Hanguyenminh.vtc@yahoo.com): Nhiều lúc nghĩ lại, mình thấy bản thân là một bà mẹ… bạo lực! Con lười ăn – trợn mắt, con nôn trớ – gầm thét lên… Thỉnh thoảng tức quá, mình còn thẳng tay phết cho con mấy cái vào mông. Luôn dặn lòng là không được đánh con, nhưng vì không kìm chế được. Lúc bình tĩnh lại, mới thấy hối hận…

151126171751
Trẻ nghĩ gì khi bị cha mẹ đánh?

Những trận đòn có thể làm trẻ sợ. Mặc dù, các bé đều biết mình sai nên mới bị đòn, nhưng tâm trạng, lời nói hay hành động của trẻ sau mỗi trận đòn luôn khiến người lớn không khỏi chạnh lòng…

* Kiều Anh (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội): Có hôm, tôi hỏi con: “Những lúc mẹ giận, rồi la mắng và đánh đòn, con thấy thế nào? Con có giận mẹ không?”. Bé trẻ lời: “Có mẹ ạ!”. Tôi lại hỏi tiếp: “Thế lúc ấy, con đã nghĩ gì?”. “Con chán lắm và chỉ muốn ra khỏi cái nhà này!”. Tôi không thể ngờ rằng, con tôi mới chỉ 5 tuổi mà đã có suy nghĩ như vậy. Ôm con vào lòng, tôi nói: “Những lúc đó, mẹ giận quá nên rất nóng nảy, con hãy bỏ qua cho mẹ nhé! Nếu con ngoan và nghe lời, thì sẽ mẹ sẽ không bao giờ đánh con đâu!”.

* Hồng Nhung (Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh): Mình cũng đánh con mỗi khi cháu quá nghịch và bảo mãi không nghe. Có lần bị đánh, cháu khóc và hỏi: “Mẹ có thương con không mà sao suốt ngày cứ đánh con?”. Mình thật sự bị “choáng” vì bé mới gần 4 tuổi. Cố làm mặt bình tĩnh, mình bảo: “Mẹ rất thương con, nhưng con hư và nghịch không nghe lời, nên mẹ phải đánh con”. Thỉnh thoảng mắng con, bé hỏi lại rằng: “Con có làm gì mẹ đâu mà sao mẹ cứ mắng con thế? Mẹ không yêu con, con biết ngay là mẹ không yêu con mà!”.  Sau khi nghe mình giải thích, bé im re, không vặn vẹo thêm gì nữa. Mình tự nhủ là sau này, cần kìm chế hơn vì đánh con nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

* Thanh Huyền (Công ty Đầu Tư phát triển Phương Nam – Láng Hạ, Hà Nội): Những lúc con trai mè nheo, mình cũng không kìm chế được và cho “ăn” mấy roi. Cu cậu lì lợm không khóc cũng chẳng nói gì. Nhưng sau đó, thái độ của bé với mình rất khác. Hình như, bé giận nên không nói chuyện, không ôm hay đòi hỏi mẹ như trước. Buổi tối đi làm về, mình chạy vào ôm hôn thì con đẩy ra, rồi chạy nhanh về chỗ bà như chạy trốn. Bình thường, cu cậu líu lo, cười nói là vậy, nhưng hôm ấy khác hoàn toàn làm mình rất buồn. Cảm giác con đang xa lánh, trốn tránh mẹ khiến mình khó chịu đến vậy! Mất 2 ngày sau, bé mới vui vẻ trở lại với mẹ. Mình nghĩ rằng, dùng bạo lực để giáo dục con là không nên, bởi sẽ làm con trẻ bị tổn thương và lớn lên, các bé sẽ trở thành người cục cằn, thô lỗ. Có khi, chúng còn hận cả những người đã sinh thành và nuôi dưỡng.

151126171814
Thay cho lời kết

Đề cập đến vấn đề này, chị Thanh Hằng (GV Trường Mầm non Hoa Sữa Hà Nội) cho rằng, không bỗng dưng mà cha mẹ lại la mắng hay dùng đòn roi với trẻ. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là phương pháp dạy dỗ hiệu quả và khiến bé tâm phục. Khi lớn dần và có nhận thức hơn, trẻ trở nên “lì đòn” và phương pháp của này sẽ phản tác dụng. Hơn nữa, điều nguy hiểm nhất là chính bạn đang dạy cho con cách sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Vẫn biết rằng lúc giận giữ, chúng ta thường khó kiểm soát được bản thân. Nhưng nếu đánh trẻ, nghĩa là bạn không dạy sự tự giác. Trẻ sẽ tập trung vào hình phạt của cha mẹ mà không chú ý xem xét tới vấn đề. Và thay vào đó, trẻ sẽ oán giận cha mẹ vì cho rằng, cha mẹ không công bằng và không hiểu mình.

Theo chuyên gia tâm lý Thúy Minh, việc đánh con không dạy cho trẻ bài học tích cực như chúng ta vẫn thường nghĩ, mà chúng sẽ nhận được bài học là: “Khi bạn không biết làm gì khác, bạn sẽ bị đánh” hoặc “Khi bạn lớn hơn, bạn có quyền đánh người nhỏ hơn” hay “Khi bạn giận, bạn có thể đánh người khác”. Trẻ thường xuyên bị đánh thường hiểu rằng, mọi người chấp nhận bạo lực và trẻ có quyền đánh người khác. Trẻ bị đánh thường xuyên oán giận, hay nổi giận và lòng tự trọng thấp hơn các bạn khác. Vì thế, yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục tốt. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh dùng đòn roi hay lời lăng mạ, xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ em. Trong trạng thái vô cùng tức giận, các bậc phụ huynh chắc chắn không thể dạy dỗ trẻ một cách có lý trí. Thế nên khi ấy, bạn nên tạm thời rời khỏi “hiện trường”, hoặc chuyển sự chú ý của mình qua công việc khác (ví dụ như gọi điện thoại nói chuyện với bạn bè, nghe nhạc…). Đợi bản thân bình tĩnh trở lại, bạn mới tiếp tục nói chuyện với con.

Nguồn : bau.vn

Leave a Reply

Or