CÙNG CON ĐẾN TRƯỜNG (kỳ 1): Mới ngày nào con bé cỏn con

Chờ đợi từng ngày đến giây phút được song hành cùng con yêu bước vào lớp 1, nhiều bậc cha mẹ không giấu được cảm xúc háo hức, hồi hộp xen lẫn lo lắng.

Vào lớp 1 đồng nghĩa với việc con sẽ chấm dứt những ngày tháng đến lớp chỉ ăn, chơi, ngủ và được cô giáo chăm lo như mẹ hiền. Các con sẽ phải tập trung học hành với thời khóa biểu nghiêm túc, thời gian chơi eo hẹp và chịu sự quản lý của giáo viên. Không ít trẻ bị lạ lẫm, thậm chí “sốc” khi tiếp xúc với trường lớp mới, thầy cô, bạn bè mới.

Để giúp cho trẻ cũng như các bậc cha mẹ chuẩn bị tốt về tâm lý, những việc cần làm trước thềm năm học mới cũng như những chia sẻ của những người có kinh nghiệm, các chuyên gia… tạp chí Khám phá phối hợp cùng trang tin điện tử Eva xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết với chủ đề Cùng con đến trường.

 cung con den truong (ky 1): moi ngay nao con be con con - 1

Rộn ràng, hạnh phúc, hồi hộp… dù đôi khi không thể thốt thành lời nhưng ánh mắt cha mẹ có con sắp vào lớp 1 đều ánh lên điều đó. Chị Nguyễn Thị Thu Huệ (quận Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ: “Vui và háo hức kinh khủng luôn. Mắm (tên gọi ở nhà của con gái chị Huệ – PV) đi học mà mẹ sốt sắng hơn cả con, chỉ mong đến ngày đưa em tới trường”.

Còn với vợ chồng chị Lê Thanh Nga (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì từ tháng 6 anh chị đã quyết định sửa sang nhà cửa, ngăn phòng cho con trai có không gian riêng để học và ngủ. “Con vào lớp 1 mà bố mẹ chuẩn bị y như con đi lấy vợ vậy”, chị Nga tếu táo chia sẻ.

 cung con den truong (ky 1): moi ngay nao con be con con - 2

Ngày 17/7 vừa qua, chị Nga lên trường để mua đồng phục và bộ sách vở cho con. “Mặc thử quần áo mà mình vui kỳ lạ. Đây là kỷ niệm ý nghĩa đầu đời của con nhưng cũng là dấu mốc quan trọng của mẹ. Còn nữa, khi lật từng trang sách, tuổi thơ cắp sách đến trường của mình như ùa về vậy. Nhớ lắm ngày nào bà ngoại dắt tay đến trường mình ngơ ngác thế nào thế mà bây giờ đến lượt mình dắt tay con…”, chị Nga bồi hồi.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8. Cha mẹ và con được tung tăng tới trường để ghi dấu kỷ niệm về “lần đầu tiên làm chuyện ấy”.

“Biết sẽ quay cuồng với việc đưa đón con đi học trong khi mình là nhân viên văn phòng giờ giấc nghiêm ngặt nhưng còn gì hạnh phúc hơn khi đồng hành cùng con trên mọi chặng đường”, chị Nga vui vẻ thổ lộ.

 cung con den truong (ky 1): moi ngay nao con be con con - 3

Dù cảm xúc hoan hỉ là vậy nhưng không ít bậc cha mẹ vẫn nơm nớp với hàng ngàn lý do để lo sợ.

Trong nhiều năm qua vì cha mẹ lo lắng khi con vào lớp 1 sẽ học không theo kịp các bạn nên mới ra Tết đã đôn đáo hỏi han rồi đến xin các cô giáo nổi tiếng cho con học chữ. Thế nhưng, có những bà mẹ kiên định, quyết nói “Không” với việc học thêm cũng oải không kém khi suốt ngày nghe ra rả lời hỏi thăm “Cháu đọc được nhiều chưa?”; “Cháu biết cộng trừ chưa?” hay lời khoe “Con tôi cầm báo đọc được rồi đấy”…

Chị Thanh Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể, nhà chị nằm ngay sau trường tiểu học nên hay nghe các cô giáo la: “Sao giờ này mà không biết chữ?”; “Sao có chữ này mà không biết đọc?”… Chị Mai ngậm ngùi: “Chẳng lẽ lại ra mách phụ huynh”.

 Eva.vn

Không băn khoăn việc học sớm của con, chị Hà Thu Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) lại lo chuyện con… thuận tay trái. “Giờ tôi không biết phải làm sao? Con gái sắp vào lớp 1 rồi mà không viết được tay phải. Liệu cháu viết tay trái có được không? Có khó khăn trong việc học không? Có bị cô giáo đánh tay không? Nếu viết tay phải chậm quá, yếu quá thì cô giáo có quan tâm uốn nắn cho con không? Thương con lắm”, chị Huyền bày tỏ.

Trong khi đó, hàng xóm của chị Huyền cũng có một bé trai cùng tuổi với con chị lại điên đầu vì quá nghịch ngợm, ham chơi. Ở mẫu giáo thì không sao nhưng lên cấp 1 chủ yếu là hoạt động học tập, bắt con ngồi im một chỗ sợ con bị “sốc” không chịu đi học.

Đối với chị An Nguyên (quận 3, TP.HCM), bản thân chị là giáo viên nên quan tâm, chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng cho con, nhưng chị không khỏi băn khoăn việc đi vệ sinh của con ở trường.

“Đang trong giờ học bé muốn đi vệ sinh thì chắc chắn phải đi một mình. Vậy có yên tâm được không khi nạn ấu dâm càng trở nên manh động hơn trong thời gian gần đây? Hơn nữa, trường công lập sẽ không có nhân viên trực phòng vệ sinh mà các bé tiểu học thì chưa có ý thức giữ vệ sinh chung nên bẩn lắm”, chị An Nguyên chia sẻ.

 cung con den truong (ky 1): moi ngay nao con be con con - 4

Chị Lưu Mai Lan (ở TP.HCM) cũng chung tâm trạng vì bé đầu nhà chị vừa học xong lớp 3 nhưng chưa bao giờ vào nhà vệ sinh của trường. Chị kể, con chị bảo trong đó hôi lắm thế nên cứ học về đến nhà là chạy tuốt vào nhà vệ sinh.

Một chuyện cũng quan trọng không kém là bữa ăn của con. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Trần Mai Anh (ở TP.HCM) quan ngại vì trước đây gia đình chị có làm đồ ăn bán cho các trường tiểu học trong khu vực.

Hiện tại gia đình chị không còn bán nữa vì giá thành các trường yêu cầu quá rẻ trong khi đó phải chi phí cho hiệu trưởng, kế toán… dẫn đến việc chất lượng bữa cơm của các con không được đảm bảo.

Hay một phụ huynh khác hoang mang không biết thức ăn ở trường con có vệ sinh không, giấc ngủ trưa có an toàn không khi trường ngay cạnh chợ bẩn và sát bờ kênh lắm ruồi muỗi.

 Theo eva

Leave a Reply

Or