Con với chả cái!

Bác Định, sếp cũ của anh Tiến đến nhà chơi. Lúc bác Định bước vào nhà, anh Tiến đang đọc báo còn Bin đang xem phim hoạt hình.

Ảnh minh họa

Thấy khách đến nhà nhưng con không chào, anh Tiến nhắc:

– Con chào bác Định đi con.

Đang mải xem phim hoạt hình nên Bin không biết sự có mặt của bác Định và cũng không hề nghe được lời nhắc nhở của bố. Vì thế cậu vẫn dán mắt lên màn hình tivi, im re không nói gì. Anh Tiến quát:

– Bin! Con không nghe thấy bố nói gì à?

– Ớ….ớ…ớ…dạ dạ dạ. Sao ạ?

– Con không thấy nhà có khách à. Bác Định đến nhà mình chơi đấy.

– Dạ vâng ạ.

– Dạ dạ cái gì. Chào bác đi chứ.

Bị bố mắng, mặt Bin xị ra, không hề muốn cất lời một chút nào. Nhưng Bin sợ bố lắm. Cậu gắng gượng chào, giọng lí nhí:

– Ch… áu… chào b… ác…

– Chào lại, chào thế ai nghe được!

Bin rơm rớm nước mắt:

– Ch… áu… chào bác!

– Được rồi. Giờ lên nhà học bài đi. Lần sau có khách đến nhà nhớ tự giác mà chào đi nhé, đừng để bố phải nhắc nữa đấy!

Nói rồi anh Tiến quay sang người khách nói: Con với chả cái, bướng lắm bác ạ. Có cái việc chào hỏi thôi mà nói mãi nó không nghe, cứ để em phải nhắc suốt thế đấy.

Bin thõng thượt, chán nản lê bước lên cầu thang.

Đây không phải là lần đầu anh Tiến nhắc con chào người lớn khi gặp gỡ. Việc dạy con biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi… là rất cần thiết trong việc hình thành văn hóa giao tiếp cho trẻ. Tuy nhiên, cách dạy con theo kiểu “sỉ nhục” và “chê trách” trẻ ngay trước mặt khách như anh Tiến chỉ khiến cho đứa trẻ “xù lông nhím” để tự vệ. Đó chính là lý do mà bài học anh Tiến muốn dạy con không đạt kết quả như mong muốn.

Quyền cơ bản của con người là quyền được tôn trọng, trẻ cũng không ngoại lệ. Hãy để trẻ làm việc đó một cách tự nguyện, hào hứng. Việc bắt ép, đe nẹt không những không có kết quả mà còn phản tác dụng.
theo: giadinh

Leave a Reply

Or