Con nói dối là do bố mẹ!

Nơi hình thành nhân cách cho con bạn không ở đâu xa, đó chính là gia đình. Đây chính là nơi hình thành những đức tính đầu tiên của con bạn. Vì thế, thật thà là một môn học đầu tiên mà trường học gia đình cần dạy cho trẻ.

Trẻ em nói dối do ai?
Nghỉ hè, vợ chồng chị Hồng Thắm, (Q.5, TP.HCM) đưa con gái Thanh Nhiên 5 tuổi về quê ngoại. Khi xe tốc hành chuyển bánh, chị Thắm dặn cô con gái: “Nếu chú bán vé hỏi con bao nhiêu tuổi, con trả lời năm tuổi nhé!” Cô bé tròn mắt nói với mẹ: “Nhưng con đã bảy tuổi, học gần xong lớp một rồi mà”. “Khai đúng tuổi để người ta bắt mua vé. Mẹ đã mua hai vé, con ngồi chung ghế với ba là ổn rồi!”. Thế rồi, khi được hỏi cô bé cũng nói theo mẹ, nhưng khi người soát vé đi khỏi, cô bé càu nhàu với bố: “Con đã bảy tuổi rồi, con không thích năm tuổi, vì phải học lại lớp chồi”.

Còn chị Trâm cũng gặp một tình huống “trớ trêu” tương tự. Chị có một cậu con trai Tom lên 5 tuổi. Gia đình chị đang sống riêng, và mẹ chồng vẫn thường xuyên gọi điện thoại để kêu chị sang nhà bố mẹ chồng chơi. Tuy nhiên, chị Trâm không thích điều ấy nên mỗi khi nhận điện thoại chị thường xuyên nói dối, chẳng hạn như chủ nhật này con phải đi họp, thứ bảy tới thằng Tom phải đi học,… trước mặt Tom.

Sự việc diễn ra cũng khá nhiều lần mà chị không để ý cho đến một hôm Tom bắt máy khi bà nội gọi đến. Và chị thảng thốt đến lạnh người khi nghe Tom trả lời rất rành rọt rằng: “Nội ơi, con không về nội chơi được đâu, vì ngày mai Tom đi bơi rồi!” trong khi chị không hề có kế hoạch ấy.

Trẻ em nói dối là do bố mẹ?

Không ít trường hợp do vô tình mà người lớn đã dạy trẻ em nói dối

Xử trí thế nào?
Theo thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – Giảng viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, giai đoạn từ sau 4 tuổi là lúc trẻ bắt đầu biết nói dối, và việc nói dối này thường chia làm hai loại:

Nói dối không chủ ý: Giai đoạn này trẻ chưa phân biệt được đâu là sự thật đâu là tưởng tượng. Ví dụ: trẻ kể ở lớp mầm non bị cô giáo đánh, mẹ nói xấu cha, có người đến chơi nhà,… mặc dù đó chỉ là tưởng tượng. Trường hợp này cha mẹ đừng nên quá tin vào những gì trẻ kể, đôi khi lời nói dối tưởng tượng của trẻ lại làm xào xáo gia đình. Song song đó hãy giải thích cho trẻ hiểu cái gì là có thật, cái gì là tưởng tượng.

Nói dối có chủ ý: Điều này xuất phát từ hiện tượng tự vệ tâm lý khi trẻ gặp lỗi lầm, làm hỏng đồ đạc,… Trường hợp này cha mẹ nên kiên quyết yêu cầu trẻ nói sự thật cho đến khi trẻ nhận lỗi (nếu chúng ta biết chắc chắn là do trẻ làm). Nên khen ngợi khi trẻ dũng cảm thừa nhận cái sai của mình và thường xuyên cho trẻ biết “nói dối là xấu”.

Trẻ con thấy là trẻ con làm. Bắt chước người lớn là trong những cách học tập để hình thành nhân cách của trẻ. Do đó cha mẹ nên là một tấm gương sáng thay vì là một “tấm gương đen”. Điều đó phải thể hiện qua những hành vi cư xử hàng ngày của cha mẹ.

 

 

theo: marrybaby

Leave a Reply

Or