Con học thói xấu ở đâu?

Bạn luôn dạy con chuẩn mực sống đúng đắn, bao gồm sự lễ phép, tôn trọng người khác. Thế rồi một ngày con bỗng dưng biết nói bậy, chửi thề, thích đánh nhau!

Con học thói xấu ở đâu khi bố mẹ luôn dạy con lễ phép, tôn trọng người khác. Ảnh minh họa: Internet.

Nhiều khi con từ trường mẫu giáo hoặc trường học trở về nhà và có những biểu hiện rất lạ. Bình thường con rất ngoan và lễ phép nhưng không ngờ con lại biết sử dụng những từ ngữ khó hiểu, thậm chí là chửi bậy và không tôn trọng bố mẹ. Bạn băn khoăn, lo lắng và sợ rằng con sẽ bắt chước những thói hư tật xấu. Bạn muốn tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến đạo đức của con. Có thể bạn muốn chỉ thẳng tay vào mặt con để quát mắng “con thật là hư hỏng”, nhưng hãy bình tĩnh một chút. Hãy tìm hiểu xem sự vô lễ đó bắt nguồn từ đâu.

Những biểu hiện khác thường

Ngay từ tuần đầu tiên đi nhà trẻ, có thể con bạn sẽ có những biểu hiện khác thường: thích tranh giành, thích đánh nhau và nói những câu nói trống không. Cha mẹ sẽ cần xem xét lại thái độ và theo dõi hành động của con bởi lúc này con rất dễ bắt chước những gì bên ngoài trong khi lại chưa có khả năng phân biệt được đúng sai, tốt xấu.

Nghiêm trọng hơn, con có thể chửi thề hoặc có những câu nói không tốt trong lẽ ra con phải học tập những lời hay ý đẹp khi đi học và gặp gỡ các bạn khác. Có bé còn có thái độ vô lễ kèm những lời tục tĩu với chính cha mẹ mình.

Khi qua tuổi mẫu giáo, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn. Con được tiếp xúc các phương tiện truyền thông nhiều hơn, điều này làm cho sự giáo dục và kiểm soát của cha mẹ trở nên khó khăn. Hầu hết các bậc cha mẹ luôn muốn theo dõi và định hướng sự phát triển cho con mình. Mặt khác, một vài cha mẹ lại cho rằng không cần kiểm soát con quá chặt, con cũng có thể tự mình trưởng thành. Đó là hai cách giáo dục hoàn toàn trái ngược nhau nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể hiểu tại sao con lại bắt chước hành vi của người khác. Con được tiếp xúc với rất nhiều bạn khác nhau, cho nên con sẽ dễ dàng tiếp cách cư xử của tất cả mọi người.

Vì sao con lại bắt chước rất nhiều thói xấu?

Con học bằng cách bắt chước, con quan sát và mô phỏng lại hành vi mà con nhìn thấy từ bạn bè, nhân vật trong phim hoặc trong truyện. Điều đó có thể có tác động đến việc hình thành tính cách riêng của con và giúp con phát triển, định hình tốt hơn vị trí của bản thân.

Trong quá trình hoàn thiện nhân cách, con rất khó để phân biệt hành vi đúng- sai. Tất nhiên, con sẽ nghe những lời dạy bảo, khuyên răn của cha mẹ và thầy cô. Nhưng con cũng không thể tránh khỏi những hành vi xấu mà cha mẹ và thầy cô không lường trước được. Chỉ trong một thời gian ngắn thôi, con có thể sẽ trở nên thiếu lễ phép cả ở trường và ở nhà.

Đôi khi, con cứng đầu chống lại cha mẹ, cha mẹ có thể cho rằng đó chỉ là biểu hiện “trẻ con” nên nhường nhịn, cho con “chiến thắng”. Nhưng khi lớn lên, điều đó có thể sẽ biến thành thói quen tự do “vô tổ chức”, muốn gì được nấy, tức giận khi có gì xảy ra không như mong muốn.  Vậy làm thế nào để giúp con tránh khỏi những thói hư tật xấu?

Giải quyết vấn đề

Đầu tiên, đừng nói với con rằng “con đã bị ảnh hưởng hoặc đã bắt chước những điều không tốt từ chỗ này chỗ khác”. Nếu bạn làm như vây chẳng khác nào bạn bắt con phải từ bỏ cái con thích để làm theo một cái gì đó con chẳng hề quan tâm. Nói chung, gia đình là nơi con luôn sống thật với bản thân nhất vì ở đó con luôn được cha mẹ yêu thương và quan tâm hết lòng. Vì vậy, khi ở nhà, con sẽ sẵn sàng lắng nghe những lời phê bình với mục đích tích cực của bạn. Hãy nói với con về những hành vi và thái độ của con khiến bạn buồn lòng. Bạn sẽ cần nhiều thời gian để dạy con sửa đổi một cách nhẹ nhàng và từ từ.

Đặc biệt, bạn đừng đổ lỗi cho bạn thân của con và hỏi “có phải bạn con rất xấu và không lễ phép không”. Con có những hành vi không như mong đợi, đó sẽ chẳng phải lỗi của bất kì ai nếu con được định hướng đúng cách. Thay vào đó, hãy dành thật nhiều thời gian bên con để khẳng đinh với con rằng con phải học cách cư xử đúng chừng mực. Hơn nữa, hãy giải thích với con tại sao nên sống theo đúng bản thân mình chứ không nên bắt chước hoàn toàn một người khác, như vậy sẽ giúp con sẽ định hình được cách sống và cách cư xử tốt với mọi người.

Đáng lưu ý nhất, người khiến con dễ học theo nhất chính là cha mẹ. Những ngôn từ lặp đi lặp lại hằng ngày của cha mẹ sẽ là “bài học” dễ thuộc nhất của con. Cho nên, cha mẹ cũng cần lưu ý đến lời ăn tiếng nói của mình để giáo dục con tốt nhất.

 

theo: camnanggiadinh

Leave a Reply

Or