Con bé còn thở và mở mắt nhìn nè, sao lại đem chôn chị ơi!

Mấy hôm trước, tình cờ đọc được bài Em bé sinh non suýt bị chôn sống vì bác sĩ khuyên về lo “hậu sự” ở Thanh Hóa (mình có chụp màn hình lại để các mẹ tiện đọc nè)

 Làm mình nhớ chuyện của con mình, cũng sinh non, cũng bị bác sĩ từ chối khi vừa chào đời và khuyên mang lo hậu sự giờ đã học lớp 7 rồi và bé hoàn toàn phát triển khỏe mạnh.

Dù chuyện đã xảy ra khá lâu rồi, năm 2004 lận nhưng suốt mười 12 năm nay mình không thể nào quên được, và mục đích mình kể câu chuyện của mình cho các mẹ nghe, để:

Thứ 1, nếu mẹ nào có lỡ sinh non và nghe bác sĩ phán như vậy đừng vội mất bình tĩnh, hãy nhờ bác sĩ kiểm tra thật kỹ cho con để không tước mất đi cơ hội được sống của con. Lúc đầu mình cứ tưởng chỉ có trường hợp của con mình như thế thôi, mà sau đọc báo thấy cũng hay xảy ra nên mình chia sẻ với các mẹ.

Thứ 2, mình chia sẻ kinh nghiệm nuôi trẻ sinh non của mình vì thấy hiện nay tình trạng sinh non sao nhiều quá, dù điều kiện chăm sóc thai kỳ bây giờ tốt hơn hồi đó

Đứa bé này không sống nổi đâu, gia đình mang về lo hậu sự đi!

Năm 2004, khi mình đang ở tuần thai 32, trong lúc đang lau chùi nhà tắm, đứng lên mình trợt chân té ngã, cú ngã khá mạnh làm mình bị chảy máu vùng kín và nhập viện gấp (nhà mình rất gần bệnh viện ạ, chỉ cách có vài cây số). Tại đây, bác sĩ sau khi khám qua loa cho mình đã cho bên bàn sinh mổ gấp.

Em bé của mình chào đời nặng khoảng 1.400gr, sau này nghe chồng kể lại sau khi mổ xong, mình được đưa xuống phòng hồi sức, còn người nhà được bác sĩ mời vào phòng “giao con”: “Đứa bé này sinh non, nhẹ cân, sức khỏe yếu nữa chắc không sống được đâu, gia đình nên chuẩn bị sẵn tinh thần…!” mà chẳng cần đưa đi kiểm tra sức khỏe.

Cùng lúc đó, cô hộ sinh mang con đến cho chồng và mẹ chồng mình xem mặt lần cuối khi gói giấy, bỏ bọc nylong đưa cho gia đình mang về lo hậu sự. Con nhỏ bé, nằm im thoi thóp, màu da tái nhợt nhạt, không khóc nhưng khi mẹ chồng mình chạm tay lên ngực con thì vẫn cảm nhận được hơi ấm của con, nhịp tim con đập nhẹ, đưa tay lên mũi vẫn cảm nhận được con đang thở liền khẩn khoản bác sĩ: “Bác ơi, tim đứa bé vẫn còn đập, đứa bé vẫn còn thở đây này bác sĩ làm ơn cứu cháu nội tôi với!”, và thay vì cứu ông nhắc lại câu: “Chỉ sống được ít phút thôi, có cứu cũng không sống nổi đâu!” rồi lạnh lùng bỏ đi trong sự chưng hửng của mẹ chồng và đau xót của chồng mình. Hai người nuốt nước mắt, giấu không cho mình biết tình trạng của con.

Chồng mình kể, một lúc sau, bác sĩ gọi vào đưa cho bọc nilon rồi bảo không còn cách nào khác… Mẹ chồng mình òa khóc, dặn chồng mình ở lại trông chừng vợ, đừng hé răng nói với ai, còn bà xách bọc nilon có đựng con em đón xe ôm ghé mua hũ sành ở dọc đường rồi về nhà bảo bố chồng mình ra sau nhà đào đất, chôn cất bé cho sớm sợ để lâu ảnh hưởng.

Trong lúc bố chồng mình đào đất, mẹ chồng mình chuẩn bị nước để lau rửa cho cháu trước khi bỏ vào hũ sành, cô hàng xóm qua phụ mẹ chồng mình chôn cất con mình. Nhưng vừa mở bọc nylong ra, cô bỗng la lên: “Đứa bé còn thở, sao chị lại mang chôn sống cháu thế này, mau mang cháu trở lại bệnh viện chị ơi, còn nước còn tát!”.

Ảnh minh họa từ internet

Con mình đã thoát chết như vậy đó.

Cô hàng xóm đích thân mang con cùng mẹ chồng mình quay trở lại gặp bệnh viện, cô xông thẳng vào đòi gặp giám đốc bệnh viện đòi cứu con mình nếu không sẽ làm lớn chuyện. Thấy thái độ của cô ấy dữ quá, bệnh viện phải làm theo, vị bác sĩ trực tiếp mổ cho mình sau khi kiểm tra lại đã cho nuôi con trong lồng ấp.

Trộm vía trong quá trình nằm lồng con da bắt đầu hồng hào, căng lên, sức khỏe tốt lên mỗi ngày, sau 2 tháng thì con được xuất viện về nhà.

Kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non

Dù con mình đã thoát chết ngoạn mục như vậy và sức khỏe cũng khá hơn nhưng cũng không tránh khỏi những di chứng của việc sinh non. Sau đó mình đã rất cực khổ khi chăm con, mãi cho đến khi con 2 tuổi thì mới khỏe hơn. Dưới đây mình xin chia sẻ kinh nghiệm của mình:

– Cố gắng cho con bú sữa mẹ càng lâu càng tốt: Sữa mẹ rất giàu dinh dưỡng, giúp trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh cũng như tăng sức đề kháng rất tốt. Do đó, khi con còn nằm lồng ấp mình cố gắng mỗi ngày vắt sữa mang đến cho con bú, khi con về nhà mình cho con bú đến 1,5 tuổi mới thôi. Hơn nữa bú sữa mẹ còn giúp con không bị táo bón. Mình cho bé bú thường xuyên, cách 2 giờ/lần, khoảng 12 lần/ ngày.

– Thường xuyên ôm ấp và mát xa nhẹ nhàng cho con: Mình thường xuyên âu yếm, vuốt ve và mát xa cho con hàng ngày. Bên cạnh đó mình cũng thường trò chuyện, hát ru con ngủ để truyền cho con tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của mẹ tới con, nhờ đó sẽ tăng cường sự liên kết, thân mật giữa mẹ và con, giúp con an tâm và phát triển khỏa mạnh hơn.

– Tắm nắng cho con mỗi ngày, sáng từ 6h30 – 7h30. Ngoài tắm nắng mẹ cũng nên thường xuyên tắm cho con mỗi ngày, đừng vì sợ con còn yếu ớt không dám tắm nhé. Khi tắm nên ở nơi kín gió, tắm nhanh, lau khô và massage nhẹ nhàng như thế sẽ giúp con ăn ngon ngủ khỏe hơn.

– Cho trẻ nằm gối cao sau khi vừa bú xong: Trẻ sinh non rất dễ bị trào ngược thực quản nên khi cho bé bú xong mẹ vỗ lưng cho bé ợ đồng thời cho bé nằm gối cao một lúc rồi mới đặt bé nằm bình thường.

– Thường xuyên theo dõi sự phát triển của con vì bé sinh non nên nhiều bộ phận chưa hoàn chỉnh, do đó phát hiện sớm các bất thường, đưa con đến bác sĩ sớm như thế cơ hội bình thường sẽ cao hơn. Đặc biệt thường xuyên mang con đi khám mắt, tai, siêu âm tim – phổi – não theo yêu cầu của bác sĩ để sớm phát hiện các bất thường và điều trị

– Cân thường xuyên cho con: Nhiều mẹ Việt kiêng cái này lắm nà, việc cân thường xuyên cho con sẽ giúp mẹ theo dõi cân nặng của con và có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng phù hợp, nếu cân nặng cứ chững lại không tăng cần cho con đến bác sĩ khám ngay.

Vài dòng tâm sự cũng như chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con của mình với các mẹ. Chúc các mẹ chăm con thật tốt nhé. À quên nữa, vừa rồi con mình tổng kết năm học được học sinh giỏi nữa đó!

Theo methongthai

Leave a Reply

Or