Coi thường bữa phụ – trẻ dễ suy dinh dưỡng

Tên gọi là phụ nhưng thực chất số lượng và chất lượng các bữa phụ lại không nhỏ và thiếu chúng trẻ nhỏ dễ suy dinh dưỡng, phát triển không cân đối.

Trẻ con khác người lớn

Suy nghĩ của nhiều bà mẹ cho rằng, đã gọi là bữa phụ thì không quan trọng nên với bữa chính khá đầy đủ, họ cho con ăn phụ theo sở thích, chúng chọn gì cũng được. Một số bà mẹ lại quan niệm, trẻ dưới 2 tuổi, còn bú nên mới phải ăn nhiều bữa còn trẻ đến mẫu giáo rồi thì chỉ cần ba bữa chính là được.

Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì với trẻ nhỏ bữa ăn nào cũng cần thiết, ngoài 3 bữa chính (sáng, trưa, tối) thì ở mỗi độ tuổi, trẻ cần số lượng bữa phụ thích hợp. Từ phụ ở đây thực chất mang tính phân biệt với ba bữa sáng, trưa, tối hơn là thể hiện vai trò thứ vị của bữa ăn.

BS. Hoàng Thị Thanh Thủy (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Tp.HCM) cho rằng với trẻ trong độ tuổi 2-5 thì ngoài ba bữa chính vẫn cần 3 bữa phụ. Trẻ càng nhỏ thì số bữa ăn càng nhiều hơn. Với trẻ bắt đầu ăn dặm thì ngoài 5-6 lần bú, cần cho ăn thêm 2 lần bột. Trẻ 1-2 tuổi, ngoài 3-5 lần bú thì cần thêm 3-4 bữa bột/cháo.

Nguyên nhân trẻ rất cần các bữa phụ là vì nhu cầu dinh dưỡng của các em rất lớn trong khi hệ tiêu hóa lại kém người lớn. Khi bé biết đi thì nhu cầu vào khoảng 1470kcalo, bằng 2/3 năng lượng mà người lớn cần nhưng dạ dày nhỏ và sức tiêu hóa của các em lại kém hơn rất nhiều nên không thể chỉ tập trung ăn trong ba bữa chính. Ép con ăn thật nhiều trong các bữa chính cũng không tốt cho việc tiêu hóa và hấp thu bằng cách chia thêm các bữa nhỏ. Việc coi bữa phụ không quan trọng có thể là sai lầm dẫn tới trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất.

bua-phu-wpn
Việc coi bữa phụ không quan trọng có thể là sai lầm dẫn tới trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất.

Đồ ăn vặt không phải bữa phụ

Bữa ăn chính, trẻ được cung cấp đa dạng dinh dưỡng từ cơm, phở, thịt, rau, cá, trứng… nên nhiều cha mẹ chỉ cho ăn phụ bằng uống sữa, hoặc “có gì ăn nấy”. Một số bà mẹ không có thời gian nên tận dụng thức ăn làm sẵn như nước ngọt, nước yến… Trẻ con cũng rất thích đồ ăn vặt có vị ngọt như các loại kẹo hoặc hoa quả muối chua, dầm, nước có gas, các loại hạt…

Tuy nhiên chuyên gia dinh dưỡng nói rằng, các món ăn tiện lợi có thể thuộc nhóm quá giàu hoặc quá ít năng lượng. Và chúng có nhược điểm chung là các thành phần dinh dưỡng không đa dạng vì không có chất béo, chất đạm, bột đường mà chủ yếu là đường. Trẻ dùng nhiều những loại này sẽ không “kêu” đói và có khi còn tỏ ra hưng phấn nhưng thực tế lại đang thiếu dinh dưỡng.

Các loại nước uống có gas còn gây tình trạng “thoát” vi khoáng qua nước tiểu sinh ra thiếu vi chất. Việc sử dụng thức ăn vặt nhiều còn gây nên tình trạng mất cân đối dinh dưỡng, chất đường nhiều trong khi bột đường, béo và chất đạm ít nên dễ làm ức chế tiết dịch vị tiêu hóa, lâu dần còn gây tình trạng chán ăn, kém hấp thu.

Tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng trong nhu cầu của trẻ được chia ra: chất đạm 12-16%, chất béo 20-35%, chất bột đường 49-68%. Vì vậy tiêu chí thực phẩm cho bữa ăn phụ là vừa cao năng lượng vừa giàu thành phần dinh dưỡng (cũng phải đủ các nhóm chất béo, bột đường, chất đạm như bữa chính). Cha mẹ nên chọn sữa, tàu hũ, bánh bông lan, trái cây tươi, chế phẩm của sữa như phô mai, caramen, yaourt, bánh gói…

Theo bác sĩ Thanh Thủy, với các trường hợp đặc biệt, trẻ ăn kém trong bữa chính thì các bữa phụ, cha mẹ cần phải “đầu tư” nấu cháo, súp, chè từ gạo, đậu xanh… để cung cấp tốt hơn dinh dưỡng cho con. Đồng thời cũng tùy theo bữa chính bé “ăn thiên” về loại thực phẩm nào mà ưu tiên loại thức ăn còn thiếu cho bữa phụ. Ở trẻ nhỏ nhu cầu bột đường rất cao nhưng các em lại hay ngại nhai cơm nên bữa phụ cần phải chú ý tới thức ăn có loại này như nui, bún hay các thực phẩm làm từ bột.

Sắp xếp bữa phụ hợp lý

Đầy đủ 3 bữa phụ rất quan trọng với trẻ nhưng để chúng phát huy tác dụng thì cha mẹ cần biết sắp xếp thời gian sao cho chúng không “cản trở” bữa chính, không ảnh hưởng tới ngủ nghỉ của con. Thời gian các bữa ăn chính và phụ cũng cần phân bố một cách hợp lý để bé không bị no quá hay đói quá. Để làm điều này, cha mẹ nên lưu ý:

– Ngay sau khi ăn bữa chính thì không nên cho ăn tiếp các thức ăn khác như trái cây, sữa… để dạ dày còn tập trung tiêu hóa cho bữa chính.

– Không vì thấy bữa phụ quan trọng mà tiến hành “nâng cấp” thêm nhiều bữa nữa. Bởi tình trạng cho bé ăn rải rác suốt ngày như vậy sẽ gây ra hiện tượng “no ngang”, hạn chế lượng thức ăn của bữa chính hoặc ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa.

– Khoảng cách giữa các bữa nên là 2 tiếng.

– Tổng lượng thức ăn nên tăng dần sau 2-4 tuần. Việc quá chú trọng hoặc thờ ơ với bữa phụ đều có thể dẫn tới hai hệ lụy ngược nhau là trẻ thừa hoặc thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, để xem xét con có thừa hay còn thiếu dinh dưỡng không thì cha mẹ nên tính tổng năng lượng của các bữa phụ và bữa chính.

– Những thức ăn chua và béo không nên cho bé ăn bữa phụ buổi tối sẽ làm trẻ đầy bụng và khó ngủ. Cha mẹ cũng lưu ý không nên cho con ăn nhiều đồ lợi tiểu ở bữa phụ buổi tối khiến các em tè dầm hoặc phải dậy đi tiểu, ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Theo Sức Khỏe Gia Đình

Leave a Reply

Or